Kỳ lạ "làng không cửa" ở Cà Mau

Ngày 10/01/2013 08:43 AM (GMT+7)

Ở vùng Đất Mũi Cà Mau có một ngôi làng toàn những ngôi nhà không cửa. Điều kỳ lạ là ngôi làng thân thiện này chưa từng bị… trộm "thăm viếng" bao giờ.

Chiếc xuồng máy lượn vòng vèo trên sông rạch, giữa rừng đước bạt ngàn. Mùi cá tôm phơi khô đặc trưng của làng chài lưới Đất Mũi Cà Mau cứ phảng phất, mặn nồng. Nhà không cửa nối tiếp nhau, tựa lưng vào rừng, quay mặt ra sông rạch. Ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển - Cà Mau, nói: “Ở xứ này, nhà không cửa mới quý hơn nhà có cửa”.

Cởi mở, chân thành, phóng khoáng

Do quá trình đô thị hóa, những ngôi nhà xây khang trang ngày càng mọc lên nhiều hơn nên nhà không cửa ở Đất Mũi cũng vơi dần theo năm tháng. Hiện chỉ còn duy nhất ấp Xóm Mũi, mảnh đất cuối cùng trên dải đất hình chữ S có hơn 80% nhà không cửa.

Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng ấp Xóm Mũi, cho biết: “Ấp Xóm Mũi có 341 hộ thì có khoảng 300 ngôi nhà không cửa. Khoảng năm 1995 trở về trước thì số nhà không cửa ở ấp này là 100%. Còn khoảng trước năm 1990 thì cả xã Đất Mũi hầu như là nhà không cửa”.

Kỳ lạ quot;làng không cửaquot; ở Cà Mau - 1
Nhà không cửa tiện lợi cho sinh hoạt và lao động của người dân Xóm Mũi...

Ngôi nhà sàn lợp lá dừa nước nép bên con lộ nhựa mới toanh dẫn vào Khu Du lịch Mũi Cà Mau của gia đình ngư dân Nguyễn Văn Đá (Tám Đá) trống tênh hênh, lộ rõ cả khu rừng phía sau nhà. Vợ chồng ông Tám Đá tươi cười, mời khách ngồi xuống sàn nhà làm bằng ván đước đen nhánh: “Hơn 4 đời nhà tôi ở đây, ông nội ở nhà không cửa, cha mẹ tôi sinh cả chục anh em tôi cũng ở nhà không cửa. Tám đứa con tôi đã lập gia đình ra ở riêng cũng vậy, toàn nhà không cửa”.

Cơn gió nhẹ từ biển thổi vào, mát tận ruột gan, tôi cảm nhận rõ sự dễ chịu của những ngôi nhà không cửa nơi miền cuối đất này. Tuy nhiên, điều thú vị là tài sản của gia chủ từ trước ra sau, ti vi, tủ lạnh, xe máy, tủ quần áo...  phơi bày ra hết giữa ngôi nhà không cửa như sự cởi mở và phóng khoáng của con người nơi đây.

Từ nhà ông Tám Đá, men theo con đường đất nhỏ xíu dẫn xuống xóm nhà ôm hai bờ con lạch nhỏ nối liền ra bãi biển, chúng tôi không khỏi kinh ngạc với hàng chục ngôi nhà san sát nhau đều không cửa. Đứng từ bên ngoài nhìn vào có thể thấy xuyên qua xóm bên kia sông, gió lùa thông thống.

Anh Nguyễn Văn Ngọt nói vui: “Do nghèo quá, cất xong nhà rồi mà không có tiền làm cửa nên để vậy đó!”. Do nhà không cửa nên tôi dễ dàng nhận thấy nhà nào cũng có tivi, dàn máy karaoke, tủ lạnh… và đầy ắp tiếng cười. Tôi hỏi anh Ngọt nhà có xe máy không? Anh bảo nhà nào cũng có nhưng do đường vào xóm nước dâng lầy lội nên gửi hết ở những nhà người quen bên ngoài lộ nhựa.

“Nói là gửi nhưng chỉ để tạm ngoài sân thôi vì nhà người ta cũng không được rộng rãi lắm đâu”- anh Ngọt giải thích thêm. Tôi hỏi: “Để vậy luôn cả đêm à?”. Anh Ngọt đáp tỉnh rụi: “Nhằm nhò gì. Để cả tuần hay cả tháng cũng chẳng sao!”.

Theo nhiều người, do Đất Mũi chỉ có một con đường nên dù có muốn lấy trộm xe máy thì kẻ trộm cũng không có đường tẩu tán nên chẳng lo mất. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Tùng, Trưởng ấp Xóm Mũi, đó chỉ là một phần nhỏ của lý do. Cái chính là do bà con ở đây không có tính tham lam.

“Nếu nói đường độc đạo không thể tẩu tán đồ gian là chưa chính xác vì nơi đây sông nước mênh mông và sát cửa biển, kẻ trộm hoàn toàn có thể mang đồ đi bằng đường thủy. Hơn nữa, những thứ dễ che giấu hơn như máy nổ, xe đạp, vật dụng trong nhà để trơ trơ ra đó mà có thấy ai bị mất đâu. Thậm chí chưa có ai kêu ca bị mất tiền, vàng…” - ông Tùng quả quyết.

Kỳ lạ quot;làng không cửaquot; ở Cà Mau - 2
... và cũng thân thiện, dễ gần như người dân Xóm Mũi

Công an “thất nghiệp”

Ông Tùng cho biết từng làm công an ấp rồi đến trưởng ấp suốt 10 năm mà chưa ghi nhận một vụ trộm nào đáng kể. Nếu có thì chỉ có vài vụ giải quyết mấy đứa trẻ phá phách bắt trộm vài con tôm, con cá mà thôi.

Ngôi nhà sàn nơi cuối ấp là vựa tôm cá của ông Nguyễn Hoàng Phúc. Ông Phúc quê ở Bạc Liêu, xuống đây cưới vợ, lập nghiệp gần 20 năm. “Xứ này dễ kiếm sống và chẳng có trộm cắp gì hết”- ông Phúc nói rồi chỉ vào chiếc giường đặt cạnh lối đi: “Tui không làm phách đâu, lúc nào trong nhà cũng có vài chục đến hàng trăm triệu, đồng để trên đầu giường. Khách khứa mua bán vô ra nườm nượp nhưng chưa mất cắp đồng nào!”.

Ông Mã Công Toại, từng làm công an xã Đất Mũi, tâm đắc: “Mấy năm tui làm công an, không giải quyết vụ mất cắp nào. Gần đây, Khu Du lịch Đất Mũi hoạt động, có vài kẻ xấu từ nơi khác kéo đến kiếm chác nhưng không đối tượng nào thoát được. Bà con mình hay lắm, khi phát hiện thì giải quyết ngay, không cần đến công an”.

“Bà con mình đoàn kết lắm”

Trước khi rời Xóm Mũi, tôi nói vui với ông Tùng trưởng ấp rằng: “Anh có sợ khi tôi viết bài đăng báo, những đạo chích ở nơi khác biết sẽ tìm đến, Xóm Mũi sẽ hết bình yên?”. Ông Tùng vui vẻ đáp: “Nhà báo cứ yên tâm. Chúng tôi chẳng lo gì. Bà con mình ở đây đoàn kết lắm. Chỉ cần nghe một nhà bị trộm thì cả xóm sẽ đuổi theo cho mà xem. Kẻ trộm dù có mọc cánh cũng khó thoát”.

Cuộc đời làm công an của ông Toại có giải quyết duy nhất vụ “mất cắp”. Tết năm 2010, anh ngư dân trong làng tên Đen để xe máy trước nhà rồi đi ngủ, chìa khóa vẫn cắm trong ổ. Sáng ra, khi thức giấc, anh không thấy chiếc xe mới tá hỏa đi báo công an.

Không ngờ, mới thất thểu đi được 1 đoạn thì anh Đen đã thấy chiếc xe máy của mình ngay trước trung tâm chợ xã. Thấy lạ, vì lần đầu tiên trong đời nghe có người mất trộm xe máy nên người dân tự tổ chức điều tra, lần hỏi xung quanh. Khi hỏi đến anh Năm bán cà phê ở gần nhà lồng chợ Đất Mũi thì mới biết được nguyên nhân vụ việc.

Anh Năm tỉnh bơ: “Trộm đạo gì, bữa ấy tao đi nhậu với mấy thằng bạn, say quá. Trên đường lội bộ về mỏi chân, thấy thằng cha nào đậu xe ngoài sân, để nguyên chìa khóa, tao leo lên đề máy, chạy về cho đỡ mỏi chân, rồi để xe ở ngoài chợ cho nó dễ tìm đấy mà”.

Đêm xuống, chúng tôi ngủ lại một nhà ngư dân nơi Xóm Mũi. Anh bạn đồng nghiệp ôm khư khư chiếc túi đồ nghề, trằn trọc không dám ngủ. Thấy vậy, bác Tám chủ nhà bảo: “Mấy chú cứ yên tâm mà ngủ đi, sáng ra có mất gì tôi đền cho”. Nghe vậy anh bạn tôi vứt túi đồ nghề sang một bên, đánh thẳng một giấc cho tới sáng.

Tin tức đang được đọc nhiều nhất:

Theo Duy Nhân (Người Lao Động)
Nguồn: