Nhiều vụ tai nạn thương tâm khi trẻ em bị rơi ở tầng cao đã xảy ra, tuy nhiên, nhiều ông bố bà mẹ ở các tòa chung cư hiện nay vẫn còn chủ quan .
Lỗi tại người lớn?
Sự việc cậu bé Nguyễn Đ.X.T (sinh năm 2011) may mắn sống sót khi trèo lên thành ban công nhà ở tầng 12, chung cư CT3, KĐT Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội ngày 24/4 đã khiến không ít bậc phụ huynh rùng mình thót tim. Chỉ vì một chút bất cẩn, mẹ em đã khóa em ở nhà một mình khi đang ngủ để tranh thủ ra ngoài, lúc tỉnh dậy X.T đã leo lên thành ban công ngồi.
Đây là trường hợp quá may mắn bởi không có kết quả xấu nào xảy ra dù thành ban công tầng 12 này chỉ rộng vỏn vẹn 10cm.
Cậu bé X.T khiến mọi người hú hồn khi ngồi vắt vẻo trên ban công.
Hiện nay, nhà cao tầng mọc lên như nấm ở các thành phố lớn. Nhiều gia đình dễ dàng lựa chọn cho mình một căn hộ để "an cư lạc nghiệp".
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Long, người có thâm niên lâu năm trong việc tư vấn thiết kế xây dựng thì tiêu chuẩn của Việt Nam, lan can ban công nhà cao tầng tối thiểu phải cao 1,1m.
Một điều quan trọng khác là không được phép làm lan can theo thanh ngang tính từ mặt sàn lên đến đỉnh. Ban công phải được làm bằng các thanh dọc hoặc đặc để tránh trường hợp trẻ con trèo lên dễ dàng.
Bên cạnh đó, chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ phải tối thiểu 1m tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ, chiều cao lớn hơn thì càng tốt. Căn hộ nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì được xem là an toàn với trẻ nhỏ.
Từ thiết kế ban đầu này, tùy theo nhu cầu sử dụng của từng hộ gia đình để cha mẹ cân nhắc xem có nên lắp lưới an toàn ở ban công và cửa sổ hay không. "Tôi khuyến khích các gia đình nên lắp các thiết bị bảo vệ để đảm bảo an toàn cho con em", kiến trúc sư Ngọc Long nhấn mạnh.
Sau khi đọc bài viết "Vụ bé 4 tuổi trèo ban công: Mẹ bật khóc khi xem lại clip", kiến trúc sư Ngọc Long bày tỏ, tòa nhà ở đây thiết kế ban công như vậy là phù hợp. Còn việc cháu bé trèo được lên lan can ngồi là do chủ nhà bất cẩn trong việc để nhiều đồ bên dưới nhưng lại không khóa cửa ban công khi cháu ở nhà một mình.
Ban công thiết kế đúng nhưng chủ nhà để quá nhiều đồ ở dưới sàn khiến cháu bé dễ dàng trèo lên.
Kỹ năng khi sống ở nhà cao tầng
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội), vụ việc bé 4 tuổi ngồi vắt vẻo ở ban công tầng 12 vừa qua đã thêm minh chứng rằng, rất nhiều ông bố bà mẹ mắc phải suy nghĩ “Điều xấu xảy ra với ai đó chứ chừa mình và những người nhà mình ra”. Đã có vô khối những trường hợp như vậy xảy ra nhưng các cha mẹ vẫn dửng dưng. Chính các cha mẹ cũng không quan tâm đến những nguyên tắc tối cao như:
- Tuyệt đối không cho trẻ dưới 6 tuổi ở một mình không có người lớn bên cạnh.
- Tuyệt đối không bế trẻ ra ban công đứng ngóng chơi. Việc cho trẻ đứng ở vị trí chênh vênh như vậy đã tạo cho trẻ cảm giác an toàn nếu như trèo lên lan can hoặc các vị trí nguy hiểm. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả mà chúng ta không thể lường trước được.
Phụ huynh cần nắm rõ các quy tắc an toàn cho con em khi sống tại các khu chung cư.
Tiến sĩ Hương cho rằng, ở độ tuổi lên 4, hoặc từ 0 – 4, chúng ta hoàn toàn không thể trông đợi gì vào các kĩ năng thoát hiểm của các bé. Đây không phải là độ tuổi thích hợp cho việc ở nhà một mình. Các cha mẹ phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ. Nếu trẻ ở một mình trong phòng, các cha mẹ phải đảm bảo được mọi nguyên tắc an toàn như: không có khoảng không nguy hiểm nào lớn hơn cơ thể của trẻ. Nghĩa là nếu nhà có ban công, các cha mẹ phải làm lưới bảo vệ để các bé không bị gặp nguy hiểm.
Các cha mẹ cũng phải đảm bảo là trong phòng các bé không có những sợi dây nào lòng thòng gây nguy hiểm cho các bé. Đã từng có trường hợp 1 cháu nhỏ ở Áo đã bị chết do cổ vướng vào dây treo rèm cửa.
Phụ huynh cũng phải đảm bảo là trong phòng khi các bé ở 1 mình trong đó sẽ không có các vật thể có thể gây va chạm mạnh dẫn đến chấn thương như bàn kính, tủ kính…. Ngoài ra, các ổ điện cũng phải được lắp các thiết bị bảo vệ để tránh trường hợp các cháu đút tay vào đó khám phá và các thiết bị điện nếu có cũng phải ở xa khả năng cầm với của trẻ.
Các căn hộ chung cư có rất nhiều khoảng không trống nguy hiểm, các cha mẹ nên lưu ý việc lắp các lưới bảo vệ như lưới chống ngã, lưới chống muỗi. Những tấm lưới này đảm bảo giữ được an toàn cho trẻ khi trẻ nghịch ngợm nhưng lại rất dễ cắt để có thể thoát ra ngoài qua lối ban công khi có hỏa hoạn.
"Điều tôi muốn nhắc nhở các bố mẹ là mọi hiểm nguy đều có thể đến với bất kể ai trong chúng ta. Đảm bảo nguyên tắc an toàn chính là cách tốt nhất để chăm sóc và bảo vệ con cái", tiến sĩ Vũ Thu Hương nhắn nhủ.