Đi thi THPT quốc gia chỉ để đủ điểm tốt nghiệp. Con đường đại học dường như không nằm trong kế hoạch của Bùi Văn Quảng (SN 1997, HS Trường THPT Nguyễn Đổng Chi, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Với em, “làm một người thợ giỏi còn hơn một ông giáo nghèo”.
Mơ ước của em Bùi Văn Quảng (SN 1997, học sinh Trường THPT Nguyễn Đổng Chi, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) là trở thành một người thầy giáo. Với hoàn cảnh gia đình nghèo khó, sư phạm ngày một khó tìm kiếm việc làm, bao nhiêu cử nhân ra trường thất nghiệp, em đành gác lại ước mơ, lựa chọn cho mình một trường nghề để kiếm sống.
Đi thi đại học chỉ để mẹ vui
Suy nghĩ của Quảng có thể nhiều người nói rằng không thật. Em chia sẻ: “Em đi thi đại học chỉ để mẹ vui. Ước mơ của em lẫn mẹ là sau này em sẽ trở thành một thầy giáo dạy các em trong thôn, xã. Thời thế thay đổi, nghề sư phạm rất khó xin việc, nhất là ra trường về dạy trong ngôi trường huyện lại càng không tưởng. Gia đình mình nghèo, nên ước mơ đó em đành gác lại. Chỉ có vào học trường nghề, làm một người thợ giỏi thì sau này mới có cơ hội làm thầy!”.
Nụ cười rạng rỡ của em Bùi Văn Quảng cùng mẹ ngày nhập học tại Trường CĐ nghề Việt Đức (ảnh: T.M.H)
Rồi Quảng nói, “Ngày thi đại học em vẫn vác ba lô sang TP.Vinh (Nghệ An) dự thi. Thi cho có vị, thi để bố mẹ an lòng. Còn từ sâu thẳm bên trong em chưa bao giờ nghĩ mình đi thi là quyết thi cho đậu đại học. Vì thế, ngay từ đầu khi làm hồ sơ dự tuyển, ngoài 3 môn bắt buộc, Anh, Toán, Văn, em đã đăng ký môn Địa (môn mà em học kém nhất, học nhác nhất (lười nhất - PV))”. Như vậy, “âm mưu” không học đại học đã âm ỷ trong đầu Quảng. Giờ thực hiện ra sao là hoàn toàn phụ thuộc vào mấy ngày thi tuyển THPT quốc gia.
Thành tích học tập của Quảng luôn đáng nể trong suốt 3 năm học cấp 3 (ảnh: T.M.H)
Kế hoạch thứ nhất, lựa chọn môn Địa đã thành công. Kế tiếp theo là làm bài thi như thế nào cho điểm thấp và xấu đi để không đậu trường đại học nào là phụ thuộc vào quá trình làm bài thi. Trong đôi mắt Quảng có chút gợn buồn, em nói: Mấy môn thi em không làm hết bài, thời gian dư em ngồi làm thơ, vẽ động vật lên tờ giấy nháp. Em ước chừng tổng điểm 4 môn là phải đạt trên 16 điểm. Không ngờ kết quả đúng như mong đợi.
“Ngày báo điểm thi, thấy số điểm của em, mẹ đã giật mình. Mẹ tra hỏi, sao điểm của con lại thấp thế, thấp hơn những bạn học đồng lứa, học kém hơn con nhiều. Em chỉ im lặng, đánh trống lảng mà nói, “làm bài không tốt thì thế thôi!”. Mẹ em khóc suốt cả tuần liền, có khi nhịn ăn. Có lúc mẹ buộc miệng nói, nhà ta nghèo, cái học dường như đã “mất” đi. Giờ mẹ trông chờ vào con thì con lại làm mẹ thất vọng. Có phải con đang giấu mẹ điều gì không? Nỗi suy nghĩ trong lòng mẹ cứ kéo dài, kéo dài đến ngày hôm nay khi biết em nộp hồ sơ vào Trường CĐ nghề Việt Đức để học tập thì mới vỡ òa” – Quảng tâm sự.
Ước mơ trở thành một người thợ giỏi
Tiếp xúc chị Nguyễn Thị Mận (SN 1972, mẹ của em Quảng) đưa con lên nhập học tại Trường CĐ nghề Việt Đức mới thấm hiểu suy nghĩ của chị và ước nguyện của Quảng. Nét mặt thấm buồn, có chút ái ngại chị Mận tâm sự: "Sau khi nghe con nó chia sẻ tâm nguyện, tôi cũng dần hiểu ra và đồng cảm cùng con. Con không học đại học vì sợ mẹ lấy tiền đâu ra mà nuôi con. Nhà ta đã nghèo rồi giờ thêm gánh nặng đại học nữa lại khổ thêm. Con học sư phạm ra trường có xin được việc không, hay lại theo chân mẹ đi bán rau, bán cá? Nếu thế thì sự học đó có phải là tốt không? Tôi không cầm được lòng. Rồi hỏi, giờ con quyết định sao, nó trả lời chắc nịch: Con lên tỉnh học nghề. Con muốn làm một ông thợ giỏi. Làm một người thợ giỏi con sẽ có cơ hội làm một người thầy, sẽ truyền nghề lại cho thế hệ sau".
Hai mẹ con em Quảng đang nói chuyện với PGS-TS Đặng Minh Ất (ảnh: T.M.H)
Bùi Văn Quảng đã chọn học ngành điện tử công nghiệp, Trường CĐ nghề Việt Đức. Đúng với tâm nguyện của em. Quảng cũng nhìn nhận rằng: Ngành điện tử công nghiệp là ngành nổi trội hiện nay, ra trường có nhiều cơ hội làm việc tại các công ty lớn, nhất là khu kinh tế Formosa. Chọn học nghề vừa đỡ tốn kinh phí vừa rút ngắn thời gian học, ra đời sớm sẽ kiếm được nhiều tiền phụ giúp bố mẹ. Do sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, nên trong tâm tưởng của em chỉ mong kiếm được thật nhiều tiền để đền đáp bố mẹ, giúp mẹ đỡ vất vả gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền.
Ngày Quảng đăng ký vào Trường CĐ nghề Việt Đức học tập, em nhận được tin vui từ PGS-TS Đặng Minh Ất, Hiệu trưởng trường: Em Quảng sẽ nhận được học bổng trong 3 năm học tập, được miễn học phí. Dựa trên tiêu chí, hồ sơ xét tuyển của em quá đẹp, nhất là học bạ 3 năm học THPT luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến xuất sắc với tổng điểm 3 năm trên 8.0. Đặc biệt, Quảng từng đạt giải 3 toán toàn tỉnh, đã kết nạp Đảng viên trong trường học. Đây là một cơ hội tốt cho Quảng khi đầu cơ vào trường nghề.
Cũng nói thêm, thành tích học tập của em đã khiến nhiều người ngưỡng mộ. Suốt 12 năm học tập luôn đạt thành tích học sinh tiên tiến xuất sắc, những năm cấp 2 luôn đạt giải nhất, nhì của huyện, đứng tốp đầu của lớp. Lên 3 năm cấp 3 thì thành tích học tập đó lại một lần nữa được chứng minh, khi em đạt giải 3 toán toàn tỉnh.
Cũng theo PGS-TS Ất, đây là năm đặc biệt nhất của trường khi nhận hồ sơ của rất nhiều em có số điểm đậu đại học cao nhưng không đi học đại học. Đặc biệt nhất là lần đầu tiên trường tiếp nhận một bộ hồ sơ quá đẹp, quá hoàn hảo về thành tích học tập cũng như hoạt động trong phong trào trường lớp của em Bùi Văn Quảng. "Thường những em học giỏi thì hay mơ ước đại học, mơ bằng cấp. Đằng này, Quảng lại lựa chọn trường nghề. Có nghĩa là tư duy công việc, bằng cấp trong mỗi con người ngày một thay đổi. Theo tôi nó phù hợp với thời thế, nhất là khi học đại học ra có hàng ngàn người trong một tỉnh không xin được việc làm" - Thầy Ất chia sẻ.
Thực tế, ngay từ bắt đầu chuẩn bị hồ sơ thi tuyển kỳ thi THPT quốc gia, Trường CĐ nghề Việt Đức đã nhận được Email, điện thoại của Quảng hỏi về thủ tục, tiêu chí để vào trường. Có nghĩa là ước mơ học nghề đã có từ lâu, chứ không phải chỉ sau khi nhận điểm thi đại học – ông Nguyễn Hải Diên, Trưởng phòng đào tạo Trường CĐ nghề Việt Đức cho biết.
Tiếp xúc với cậu học trò nghèo tên Quảng, tôi giật mình về em, người thấp bé, hiền lành nhưng trong từng lời nói, ánh mắt của em toát lên bao kỳ vọng cho tương lai. Em chọn trường nghề để trở thành một người thợ giỏi giang dần được mở ra. Ước mơ được làm việc tại khu kinh tế Formosa, tại tỉnh nhà với Quảng đang rất gần.