Làm người yêu có thai nhưng không cưới, có phạm luật?

Ngày 31/12/2017 09:43 AM (GMT+7)

Trong trường hợp xác định có mối quan hệ cha, con thì dù người đàn ông không đăng ký kết hôn thì vẫn sẽ phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng của cha với con được quy định tại Điều 110, luật Hôn nhân và Gia đình.

Bạn đọc hỏi:

Bạn của tôi có yêu một anh chàng hơn 2 năm. Mới đây, bạn biết mình có thai 3 tháng và đề cập chuyện cưới xin với người yêu. Nhưng quá sững sờ khi anh ta đề nghị bạn tôi phá thai vì chưa muốn lập gia đình, tập trung cho thăng tiến công việc hiện tại. Bạn tôi vô cùng đau khổ. Vậy tôi muốn hỏi hiện pháp luật có quy định việc đàn ông làm người yêu có thai nhưng không cưới có phạm luật?

Trả lời: 

Hiện nay theo quy định tại Điều 88, luật Hôn nhân và Gia đình: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

Nếu không thuộc trong các trường hợp trên thì để khẳng định cháu bé có phải con của 2 người hay không thì cơ quan, người có thẩm quyền khi tiếp nhận yêu cầu của người bạn gái sẽ phải đề nghị phải thực hiện thủ tục xác nhận cha, mẹ, con. Việc xác định cha, mẹ, con sẽ được áp dụng trình tự, thủ tục chặt chẽ và được tòa án thực hiện.

Làm người yêu có thai nhưng không cưới, có phạm luật? - 1

Trong trường hợp xác định có mối quan hệ cha, con thì dù người đàn ông không đăng ký kết hôn thì vẫn sẽ phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng của cha với con được quy định tại Điều 110, luật Hôn nhân và Gia đình: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Trường hợp có bản án của tòa án mà người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện theo quyết định của bản án thì theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 52, Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự thì hành vi này có thể bị phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.

Hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 152, Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 .

Theo đó, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Theo V.Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia