Lễ Hội Đền Hùng: Hội làng trong hội nước

Ngày 19/04/2013 10:05 AM (GMT+7)

Lễ hội Đền Hùng là điểm hội tụ tâm linh, văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Đền Hùng và giỗ Tổ Hùng Vương với những lễ hội Đền Hùng từ lâu đã đi sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ văn hóa, hội tụ tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Người dân đất Việt dù ai ở bất kỳ nơi đâu cũng đều thành kính tri ân công đức các Vua Hùng có công dựng nước. Nhìn lại mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, Phú Thọ là vùng đất thiêng có ưu thế về địa chính trị, địa văn hóa, là trung tâm của Nhà nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Mỗi tên đất, tên làng, tên núi, tên sông ở nơi đây đều gắn chặt với các sự tích lịch sử, văn hóa thấm đẫm giá trị nhân văn. Từ Việt Trì qua Lâm Thao, Phù Ninh, ngược lên vùng núi Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập... đâu đâu ta cũng bắt gặp nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn với các giá trị văn hóa phi vật thể liên quan đến thời đại Hùng Vương, các nhân vật của thời đại Hùng Vương.

Lễ Hội Đền Hùng: Hội làng trong hội nước - 1

Hoạt động văn nghệ tại lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương năm 2012 (Ảnh Internet)

Năm 2011 và 2012 vừa qua Phú Thọ vinh dự có 2 di sản văn hóa phi vật thể “Hát xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ” được UNESCO vinh danh.

Xa xưa Lễ hội Đền Hùng được tổ chức với tính chất dân gian do dân làng Hy Cương, Chu Hóa đảm nhận. Thời Vua Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến đã có những quy định khá cụ thể về giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng.

Đặc biệt là triều Nguyễn vào năm 1917 có quy định hội chính và hội lệ; 5 năm tổ chức hội chính vào năm chẵn, chủ tế là quan tuần phủ Phú Thọ, bồi tế là quan huyện Sơn Vi (Lâm Thao), lý trưởng làng Hy Cương.

Sau khi đất nước giành được độc lập, giỗ Tổ Hùng Vương được duy trì song vẫn giới hạn phạm vi tổ chức ở địa phương.

Những năm gần đây, giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được tổ chức đúng với tầm vóc quốc lễ trang trọng và thành kính, với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống trong một không gian trải rộng từ đền Hùng đến Việt Trì và các huyện lân cận như Lâm Thao, Phù Ninh. Năm 2000 đã có 3 triệu lượt người về dự, 2005 tăng lên 5 triệu lượt, năm 2010 là 6 triệu lượt...

Không chỉ kết tinh nét đẹp hội làng trong hội nước mà công tác tổ chức Lễ hội Đền Hùng được nâng lên một bước là hội tụ được những nét tiêu biểu văn hóa các vùng trong cả nước, kết hợp một cách hài hòa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại tạo nên bức tranh lễ hội đa mầu sắc, trong đó có những điểm nhấn để khẳng định đây là bản sắc của một lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội truyền thống Việt Nam.

Trong sâu thẳm tâm khảm của mỗi người dân đất Việt, được về dự ngày giỗ Tổ con người cảm thấy lòng mình thanh thản, thực hiện được chữ hiếu với tổ tiên. Hành hương về đền Hùng là hành hương về cội nguồn dân tộc. Đền Hùng từ xa xưa, hiện tại và tương lai không chỉ là di tích lịch sử văn hoá mà chính là biểu tượng thiêng liêng cho thời lập nước mở nghiệp sơn hà của tổ tiên, là điểm tựa văn hoá tâm linh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Theo Trần Văn Quang (Dân Việt)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Giỗ Tổ Hùng Vương