Nằm tại bệnh viện Việt Đức, bà Trương Thị Điện (46 tuổi), nạn nhân bị trạm trưởng y tế đuổi chém ở Nghệ An run run:"Bị chém, tôi và bệnh nhân chạy toán loạn, nhưng anh ta vẫn đuổi theo, khi rơi mất dao, người này còn vớ ống tuýp sắt đánh tôi".
Có mặt tại Bệnh viện Việt Đức sau 3 ngày bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An lên điều trị, theo quan sát của phóng viên, bệnh nhân Trương Thị Điện tuy đã qua cơn nguy kịch, nhưng trong từng ánh mắt và nét mặt của nữ y sỹ này vẫn hiện lên sự lo lắng, hoảng hốt.
Không chỉ có những áp lực về tinh thần mà những nỗi đau về thể xác do chính người đồng nghiệp và là thủ trưởng đơn vị mình gây ra khiến bà Điện cứ mỗi khi nhắm mắt lại là cơn ác mộng về cảnh chém, giết lại hiện lên.
Tâm sự với phóng viên với chất giọng thều thào của người vừa “từ cõi chết” trở về, nữ nhân viên y tế nói: “Thế là tôi còn sống rồi, mặc dù không biết cuộc sống sau này ra sao, có còn lành lặn và tiếp tục được đi làm nữa không?”.
Bệnh nhân Trương Thị Điện với những vết thương chằng chịt trên cơ thể.
Chia sẻ với phóng viên về hôm xảy ra sự việc đau lòng, bà Điện cho biết: “Chúng tôi cả về mặt công việc và gia đình không hề có mâu thuẫn gì. Hôm đó (ngày 24/9 – pv), tôi vừa thăm khám cho một bệnh nhân xong, trở về phòng làm việc thì anh trạm trưởng Lê Hữu Đoài xông vào phòng và chém tới tấp.
Khi đó, tôi và cả bệnh nhân (trong trạm y tế) chạy tán loạn, nhưng anh ta vẫn đuổi theo và chém tiếp. Thậm chí, khi rơi mất dao, người này còn vớ ống tuýp sắt để đánh tôi.
Khi chạy ra ngoài, hàng xóm vào căn ngăn, anh ta dọa chém hết mọi người, vì thế không ai dám vào. Lúc đó, tôi vẫn tỉnh và có xin nhưng vẫn bị đánh và còn bị dìm xuống mương nước, cho đến khi tôi bất tỉnh và được người dân đưa đi bệnh viện”.
Khi hỏi về việc, một người đồng nghiệp cũng cùng bị chém tại trạm, bà Điện nhớ lại: “Cô Nga cũng cùng bị chém với tôi, nhưng Nga bị chém và bị nhiều vết thương ở đầu hơn. Còn lại sau đó tôi không nhớ gì nữa”.
Theo bà Điện, ông Lê Hữu Đoài (sinh năm 1974) trước đi học y sỹ rồi đi học lên bác sĩ đa khoa tại Thái Nguyên, ông Đoài bắt đầu làm trạm trưởng từ tháng 8/2009. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan cũng như cấp trên, trạm trưởng Đoài có trình độ chuyên môn yếu, đã có nhiều lần đồng nghiệp góp ý về vấn đề này.
Khi hỏi về việc, hôm xảy ra sự việc, trạm trưởng Đoài có say rượu bia hay không? bà Điện cho biết: “Sự việc xảy ra quá nhanh, tôi không thể nhận biết được là có say rượu hay không”.
Hiện tại, bà Điện đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải theo dõi chấn thương.
Còn đối với vết thương của bà Điện, hiện tại các bác sĩ cho biết, bệnh nhân Điện đã qua cơn nguy kịch và được chuyển lên khoa Chấn thương Chỉnh hình 2 điều trị. Theo hồ sơ bệnh án, bà Điện ngoài những vết chém phải khâu hàng chục mũi ở đầu, nữ y sĩ này còn bị gãy xương hàm, gãy xương thành 4 đoạn ở cánh tay, gãy xương trụ và chấn thương nặng ở các ngón tay…
Riêng bệnh nhân Nguyễn Thị Quỳnh Nga hiện vẫn đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, nhưng do chấn thương quá nặng và phải điều trị vô trùng nên phóng viên không được tiếp cận. Theo nguồn tin từ Bệnh viện, hiện bệnh nhân Nga đã tỉnh táo nhưng vẫn phải theo dõi vì chấn thương rất nặng.
Trước đó, do chấn thương quá nặng bà điện cùng bà Nga cùng được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch và được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.