Lớp học này đặc biệt bởi môn sinh là những em bị bệnh tự kỷ, bệnh down. Người thầy ấy đã bao năm cần mẫn đứng lớp miễn phí chỉ với một mong muốn giúp những đứa trẻ ấy hòa nhập cộng đồng.
Lớp dạy học võ miễn phí cho các em bị tự kỷ, bệnh down được mở bởi võ sư Lê Hoàng Mai (41 tuổi), trưởng bộ môn Akido tại Nhà văn hóa thiếu nhi quận Phú Nhuận, TP. HCM.
Chia sẻ về lý do mở lớp học đặc biệt này, võ sư Mai nói: “Trong cuộc sống hằng ngày, tôi đã gặp và biết nhiều trường hợp đứa trẻ sinh ra kém may mắn bị khuyết tật bẩm sinh, bị bệnh tự kỷ, bệnh down…Bố mẹ các em hầu hết đều nghèo khó, vì mải mưu sinh và cũng vì mặc cảm tự ti nên chỉ để con quanh quẩn trong bốn bức tường nhà. Với mong muốn giúp các em có thể hòa nhập được cộng đồng, nâng cao sức khỏe nên tôi ấp ủ ý định mở lớp dạy võ miễn phí cho các em”.
Ban đầu, võ sư Mai khá vất vả để chiêu sinh học trò dù dạy hoàn toàn miễn phí. Nhiều gia đình dù đã quen với võ sư Mai cũng ái ngại, với ý nghĩ “con mình thế thì dạy sao được” nên từ chối thẳng thừng.
Không nản lòng võ sư Mai kiên trì thuyết phục, dần dần cũng có vài người cho con đi học thử. Số lượng học trò sau đó không ngừng tăng lên. Ban đầu, lớp dạy võ chỉ có vài em, sau 1 tháng đã có 20 em được gia đình đưa đến để nhờ võ sư Mai dạy dỗ.
“Ngày đầu đến lớp, mỗi em một tính nết nên chỉ khóc, la ú ớ, ôm mặt ngồi nép tường. Tôi động viên các học trò phải tạo tâm lý thoải mái, dỗ dành để các em thấy thân thiết như anh chị em trong nhà để dễ chỉ bảo. Còn tôi quan sát từng em riêng biệt để có phương pháp phù hợp riêng”, võ sư Mai chia sẻ.
Có rất nhiều người cha người mẹ hàng ngày đến chứng kiến những đứa con “đặc biệt” của mình học võ. Bao tháng nay người cha già Huỳnh Như vẫn cần mẫn đèo cậu con trai hơn 20 tuổi của mình tham gia lớp học.
Ông bảo, đã hơn 20 năm bên cạnh cậu con trai mắc bệnh down vợ chồng ông đã cạn khô nước mắt vì thương con vì cảm giác tự ti.
“Khi biết lớp học miễn phí của võ sư Mai tôi đắn đo rất nhiều bởi sợ sợ con sẽ ảnh hưởng đến mọi người, sẽ gây chuyện. Võ sư Mai động viên nhiều tôi mạnh dạn đưa con đến lớp.
Sau một thời gian học, được sự chỉ bảo ân cần của các thầy ở lớp võ, con tôi tiến bộ rất nhiều: cháu biết nhiều hơn, hay chia sẻ với người thân, không còn sợ hãi khi có người lạ đến nhà… Vợ chồng tôi mừng lắm. Giờ đây, cứ đến thứ 4 hàng tuần là cu cậu tự đòi bố đưa đến lớp với các bạn, các thầy”, ông Như chia sẻ.
Lớp học võ còn có rất nhiều môn sinh là những đứa trẻ tự kỷ. Huy là một trong những đứa trẻ tự kỷ tham gia lớp học võ đều đặn nhất. Nhưng để có được thành quả “học đều” như hiện nay các thầy ở lớp võ đã phải vất vả rất nhiều.
16 năm qua cuộc sống của em bó hẹp trong căn phòng. Huy luôn thu mình lại, em ít cười, ít nói ngay cả với cha mẹ mình, thậm chí nhiều lúc không kiểm soát được hành vi.
“Những ngày đầu đến lớp, Huy luôn cáu với tất cả mọi người. Em có thể khóc ré lên rồi có phản ứng mạnh lại làm người khác bị đau khi bất kỳ ai đó động vào người. Chúng tôi phải dỗ dành, lắng nghe, niềm nở động viên rồi bày đủ trò để em bắt chước. Dần dần bằng sự nhẫn nại đó mà em đã mở lòng ra, tiến bộ khi nghe theo lời mọi người tập các động tác võ”.
Lần đầu chứng kiến em có thể tập nhiều động tác võ, trò chuyện với các bạn người mẹ của em đã bật khóc nức nở ngay tại lớp học.
Võ sư Mai chia sẻ, trong thời gian tới, các thầy ở lớp học võ dự định sẽ tổ chức dạy chữ, tập viết miễn phí thêm cho các em. Bởi rất nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa từng được đến trường, biết chữ.