Để lo chi phí trang trải tiền ăn, ở, đi lại trong mấy ngày thi đại học, nhiều phụ huynh có hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bán thóc, vay mượn cho con.
Khác với những gia đình ở thành phố, nhiều phụ huynh ở các tỉnh xa khăn gói đưa con về thủ đô thi đại học phải chuẩn bị trước cả tháng trời. Không chỉ mang trong mình sự hồi hộp lo lắng về kết quả thi mà kéo theo đó còn biết bao nhiêu nỗi lo khác như tiền đi lại, ăn ở, chỗ thuê trọ, phương tiện di chuyển…
Vay mượn khắp nơi
Sau buổi thi Toán sáng 4/7, chị Đoàn Thị Minh (Quốc Oai – Hà Nội) và cô con gái tranh thủ chợp mắt ngay trên tấm nilon nhỏ mang theo từ nhà. Đây là lần thứ hai người mẹ này đưa con đi thi đại học, dù không khí oi nóng mệt mỏi nhưng chị nhận thấy không khí thi cử bớt nặng nề hơn so với trước đây, điều kiện đi lại dễ dàng vì không còn cảnh tắc đường vào giờ cao điểm.
Thuê nhà trọ với giá 200.000 đồng/ngày nhưng không gần điểm thi nên chị và con chấp nhận ngủ trên vỉa hè. Cả hai vợ chồng chị Minh hiện là thợ xây, thu nhập có những tháng không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt.
Chị Đoàn Thị Minh (Quốc Oai - Hà Nội) khẳng định sẽ cho con học đến nơi đến chốn
Chị cho biết: “Gia đình tôi thu nhập không mấy dư dả nhưng phải chi cho cậu con trai đang học cao đẳng điện lực mỗi tháng 2 triệu. Số tiền còn lại lo cho con gái thứ hai học thêm, mua sách vở... tất tần tật các khoản khác của gia đình nhìn vào đó chứ còn biết trông vào đâu nữa. Thế mà cũng không đủ để tiêu, chấp nhận vay mượn thêm chỗ này chỗ khác để lo cho các cháu ăn học cho bằng bạn bằng bè”.
Trước khi đưa con lên thi đại học, chị Minh chạy vạy vay mượn thêm tiền để đủ trang trải ăn uống, ở, đi lại cho 2 mẹ con trong 3 ngày thi. Dù biết khó khăn là vậy nhưng chị luôn tâm niệm việc học của con là quan trọng nhất, điều này có ảnh hưởng đến cả cuộc đời về sau.
“Hôm trước tôi có đi vay để thêm tiền đưa cháu đi thi, sau này đi làm rồi trả dần từng tháng. Nếu cháu đỗ thì đó là niềm vui nhưng cũng là nỗi lo của gia đình vì thu nhập không mấy dư dả. Tuy nhiên, dù có chịu vất vả thì tôi vẫn cho con đi học để cuộc sống của cháu đỡ vất vả”, chị Minh cho biết.
Chị Đoàn Thị Minh và chị Dương Thị Hoa (Phúc Thọ - Hà Nội) trong giờ nghỉ trưa
Cũng ở hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh (Huyện Tứ Kỳ - Tỉnh Hải Dương) một tay nuôi hai đứa con ăn học, trong khi chồng ốm đau thường xuyên. Không có người thân, họ hàng ở Hà Nội, chị Thanh “cắn răng” bỏ 300.000 đồng thuê nhà trọ/ngày. Trước khi hai mẹ con đi xe lên Hà Nội, trong nhà chỉ có hơn 500.000 đồng, mượn hàng xóm được gần 2 triệu, chị và cậu con trai vẫn phải chấp nhận dè sẻn từng đồng.
Chị Thanh kể: “Sở dĩ thuê nhà đắt là do tôi cứ dùng dằng không lên sớm vì còn vướng bận một số việc đồng áng. Nhà neo người, chồng ốm đau mấy năm rồi nên một mình tôi xoay sở. Riêng tiền thuê nhà đã hết gần 1 triệu đồng, tiền xe cô, ăn uống nữa thì thi xong cũng hết may ra đủ tiền về đến quê”.
Bán 2 tạ thóc
Dưới cái nắng trưa oi ả, chị Đinh Thị Oanh (Khoái Châu – Hà Nội) và con gái ăn vội suất cơm miễn phí của đội sinh viên tình nguyên vừa trao cho. Trên gương mặt đen sạm, chị Oanh tỏ ra khá tự hào khi con gái luôn nỗ lực để vươn lên, dù hoàn cảnh gia đình cũng như hai bên nội ngoại đều khó khăn.
Để đưa con đi thi đại học, chị Oanh đôn đáo bán 2 tạ thóc để đủ trang trải các chi phí. Lo đủ được gần 1,5 triệu đồng, chị cùng con gái khăn gói về thủ đô.
Chị Oanh nói: “Thực ra gia đình không có điều kiện nhưng cháu có chí tiến thủ, biết cố gắng nên cũng khăn gói đưa cháu về Hà Nội thi, mong muốn cháu đỗ đạt để sau này có việc làm ổn định. Cũng may là vừa xong vụ gặt, nhà có sẵn thóc để bán. Số thóc đó dự tính sẽ để dành cho đứa em đóng học phí đầu năm, mua sắm quần áo sách vở vào năm học mới nhưng vì quá cần nên cũng phải bán, nay mai về phải đi làm thuê làm mướn để bù lại”.
Bên cạnh những thí sinh được bố mẹ đưa đón bằng xế hộp hay ở khách sạn hoặc nhà nghỉ sang trọng trong những ngày thi đại học thì vẫn có không ít hoàn cảnh khó khăn phải nỗ lực rất nhiều để có đủ kinh phí trang trải hoàn thiện ước mơ trở thành sinh viên trên ghế giảng đường đại học. Tin chắc rằng bằng hoài bão và quyết tâm các em thí sinh sẽ thực hiện được ước mơ cháy bỏng của bản thân và gia đình.