Dáng người nhỏ thó, bước đi những bước chân chậm chạp, khắc khổ nhưng trên khuôn mặt “cô bé xương thủy tinh” Võ Thị Thanh Thảo (SN 1994, trú tổ 5, phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) lóe lên niềm tin khi bước chân đi thi đại học.
Sáng 5/7, tại Hội đồng thi trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng (TP Đà Nẵng) hàng trăm người cảm phục và xúc động chứng kiến hai mẹ con “nhí” dìu dắt nhau đi thi. Đó là thí sinh Võ Thị Thanh Thảo (trú tổ 5, phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, em chỉ cao 1,25m) và mẹ là Trần Thị Liên (SN 1973, chỉ cao 1,2m). Điều đáng nói, cả hai mẹ con “nhí” này đều bị bệnh xương thủy tinh.
Hai mẹ con "xương thủy tinh" đi thi đại học
Lặn lội từ Kon Tum xuống Đà Nẵng mấy hôm nay, hai mẹ con xin ở nhờ trong Ký túc xá Đại học Bách Khoa Đà Nẵng để cho em Thảo thực hiện ước mơ giảng đường đại học của mình. “Đưa con đi thi mà hai mẹ con được mấy trăm ngàn trong túi, bắt xe xuống Đà Nẵng không biết đường sá như thế nào, may mắn hai mẹ con gặp mấy cháu SV tình nguyện hướng dẫn và đưa về KTX ở nhờ. Trước khi đi thi, nghe con nói không có tiền chắc ở nhà cho rồi mẹ hè, nhưng cứ nghĩ tới giấc mơ vào đại học của con tôi không cầm lòng; chạy ngược chạy xuôi vay mượn được mấy trăm ngàn đưa con đi”, bà Liên cho biết.
Từ Kon Tum về Đà Nẵng thực hiện giấc mơ bước vào cổng trường đại học, hai mẹ con xin ở trong KTX Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. "Đưa con đi thi đại học cho nó thỏa niềm mơ ước chứ gia đình tôi cũng không biết làm sao nếu lỡ may cháu nó đậu đại học", bà Liên tâm sự.
Được biết, em Thảo bị bệnh xương thủy tinh từ nhỏ nhưng đến năm lớp 9 em bị tai nạn gãy tay, gãy chân phải vào bệnh viện cấp cứu các bác sỹ mới phát hiện được bệnh xương thủy tinh của em. “Bản thân tôi bị bệnh xương thủy tinh những mong sinh con ra các con sẽ không bị bệnh như mình. Nhưng số phận nghiệt ngã, lần lượt 3 đứa con chào đời đều bị bệnh xương thủy tinh. Bây giờ cả nhà 5 người nhưng có 4 người bị bệnh xương thủy tinh. Buồn lắm chú à”, chị Liên nghẹn ngào nói.
Mặc dù biết mình bị bệnh xương thủy tinh, nhưng Thanh Thảo vẫn không chịu đầu hàng số phận. Em cố gắng học chữ và theo đuổi niềm đam mê của mình là vẽ. Em vẽ rất nhiều tranh về quê hương, về mái ấm gia đình, về ngôi trường em đang học và những bức tranh mang thông điệp khát vọng hòa bình. “Mặc dù sức khỏe nó yếu nhưng nó chăm vẽ lắm. Có hôm nó đau nhức cả người nhưng vẫn cố gắng cầm cây cọ để vẽ. Tôi thấy nó vẽ bức tranh núi rừng Tây Nguyên có con chim dang rộng cánh bay trên trời cao. Hỏi thì nó nói con muốn bay lên bầu trời xanh như con chim đó để thực hiện ước mơ của mình là một họa sĩ giỏi. Nghe con nói mà lòng tôi nghẹn ngào”, bà Liên tâm sự.
Ước mơ của "cô bé xương thủy tinh" là trở thành một họa sĩ giỏi
Năm lớp 9, Thảo tham gia cuộc thi vẽ tranh về quê hương, mái trường do Đoàn tình nguyện vì nạn nhân chất độc màu da cam tổ chức và Thảo đã đạt giải nhì. “Đó là phần thưởng đầu tiên trong đời của em. Em vui lắm. Nó là động lực cho em để em tiếp tục sống, tiếp tục vượt qua bao khó khăn để thực hiện ước mơ”, em Thảo nói.
Để thực hiện ước mơ trở thành một họa sĩ giỏi, năm nay Thảo đăng ký thi vào chuyên ngành Kiến trúc của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Trong ngày 4/7, Thảo làm xong hai môn Toán và Lý, em cho biết do đề Toán năm nay cũng hơi khó nên làm bài không được như ý muốn nhưng bù lại em làm hết đề Lý và hy vọng đạt điểm cao. "Hôm nay 5/7 thi vẽ - môn thi mà em yêu thích. Em hy vọng mình làm bài tốt và đạt được ước mơ của mình", em Thảo cho biết trước khi vào phòng thi.
Đại diện Báo Gia đình và Xã hội tặng em Thảo 2 triệu đồng với mong muốn giúp em bước tiếp trên con đường thực hiện ước mơ của mình.
Được biết, hoàn cảnh gia đình Thảo rất khó khăn, 3 chị em và mẹ bị bệnh xương thủy tinh; bố thì làm nghề phụ hồ nay đây mai đó. Cả nhà sống phụ thuộc vào thu nhập ít ỏi nghề phụ hồ của bố. Những hôm bố đau ốm thì coi như cả nhà nhịn đói. “Đưa con đi thi đại học cho nó thỏa niềm mơ ước chứ gia đình tôi cũng không biết làm sao nếu lỡ may cháu nó đậu đại học. Đi thi đã khó huống gì học đại học mấy năm trời. Nghĩ tình cảnh như vậy hai mẹ con nước mắt rơi dài cả đêm”, bà Liên thở dài cho biết.
Nhằm chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả và nỗ lực vươn lên của em Thảo, đại diện Báo Gia đình & Xã hội tại Đà Nẵng đã tặng em Thảo số tiền 2 triệu đồng trong chương trình “Tiếp sức mùa thi cho học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn” năm 2013 của Báo. “Cô bé xương thủy tinh” cảm ơn tấm lòng của Báo Gia đình & Xã hội đã tiếp sức kịp thời cho em vững tin bước tiếp trên con đường thực hiện ước mơ của mình.