Rất nhiều người dân nghèo đứng xếp hàng nhận đồ hỗ trợ tại siêu thị Hạnh Phúc với giá 0 đồng, dù trời nắng nhưng ai cũng vui và hạnh phúc khi được giúp đỡ trong mùa dịch
Video: Toàn cảnh xếp hàng nhận nhu yếu phẩm tại siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng, số 117 Trần Duy Hưng.
Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều người dân đã hy sinh lợi ích kinh tế cá nhân, chấp nhận mất thu nhập để thực hiện “cách ly toàn xã hội” với mong muốn dịch bệnh sớm chấm dứt.
Trong thời gian cách ly toàn xã hội, những người dân lao động nghèo, những người không có thu nhập sẽ bị ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện những điểm phát nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ nhóm đối tượng này.
Mới đây nhất, tại 117 Trần Duy Hưng, một siêu thị có tên Hạnh Phúc với giá bán 0 đồng đã chính thức được khai trương để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.
Hàng trăm người đến siêu thị Hạnh Phúc 0 đồng xếp hàng dài để nhận hỗ trợ.
Ghi nhận tại địa điểm trên vào sáng ngày 14/4 cho thấy, hàng trăm người đang đội nắng xếp hàng để chờ đến lượt được đăng ký nhận đồ miễn phí. Đa số họ là người già neo đơn, người tàn tật và người lao động nghèo phải tạm nghỉ việc trong thời gian cách ly toàn xã hội.
Để đảm bảo an toàn và phòng bệnh, ban tổ chức đã bố trí kẻ vạch sơn cho mọi người xếp hàng và đứng đợi với mỗi vạch cách nhau 2 mét. Đồng thời, nhân viên liên tục dùng loa nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện trong khi chờ đợi.
Để hạn chế tối đa thời gian chờ đợi, nhiều tình nguyện viên đưa tận tay những tờ đăng ký thông tin cá nhân cho người đến nhận hỗ trợ. Sau đó, các thông tin sẽ được lưu lại, đồng thời mỗi người sẽ được phát phiếu mua hàng có đóng dấu đỏ của công ty đứng ra tổ chức. Mỗi phiếu có trị giá mua hàng là 100.000 đồng.
Người dân đội nắng đứng chờ đến lượt nhưng vẫn đảm bảo đứng cách xa nhau 2 mét.
Bên trong siêu thị là những mặt hàng thiết yếu đã được chuẩn bị gồm gạo, mỳ tôm, trứng, đường, dầu ăn, bột canh… Có cả những “shop” quần áo 0 đồng để mọi người lựa chọn.
Một nhân viên tại đây cho biết sở dĩ trên mỗi sản phẩm đều được định giá là để mọi người khi lấy đồ hỗ trợ cộng dồn vào đủ 100.000 đồng thì sẽ dừng lại, chứ không phải đó là giá bán.
“Chúng tôi không phát tiền cho người dân, khi mọi người đến chúng tôi có phát 1 phiếu và có ghi cả chứng minh thư. Sau 2 tuần, mọi người có thể mang phiếu đó đến và tiếp tục đọc thông tin cá nhân để lấy đồ. Sở dĩ chúng tôi làm vậy là để tránh tình trạng mọi người hôm nay đến lấy đồ, mai lại tiếp tục lấy. Như vậy những người nghèo và khó khăn khác sẽ mất cơ hội”, người quản lý siêu thị Hạnh Phúc cho hay.
Người già, người tàn tật, trẻ nhỏ được ưu tiên và có tình nguyện viên hỗ trợ.
Đội nắng đứng xếp hàng từ 8 giờ sáng đến 10h30 phút mới nhận được đồ hỗ trợ miễn phí, nhưng bà Hoa (ở Khương Thượng, Hà Nội) không hề tỏ ra mệt mỏi. Bà cho biết trong lúc khó khăn mọi người cùng nhau chia sẻ từng hạt muối, hạt gạo là rất đáng quý, gia đình bà biết ơn vì điều đó.
Gia đình bà Hoa chỉ có hai vợ chồng già ở với nhau, bị mất sức, không có lương hưu nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Khi không có dịch bệnh, bà buôn thúng bán bưng đủ lo cơm ngày 3 bữa. 3 tuần vừa qua không làm ăn được gì, hàng ngày bà Hoa phải đi xin đồ từ thiện về ăn qua ngày.
Mọi thông tin của người dân đều được lưu lại để tránh tình trạng liên tục đến nhận hàng hỗ trợ.
Xuất phát từ xóm trọ nghèo ở dưới chân cầu Long Biên, chị Quý đạp xe gần 1 tiếng đồng hồ và có mặt tại siêu thị Hạnh Phúc lúc 7h30 phút để xếp hàng xin nhận đồ hỗ trợ. Chị là bà mẹ đơn thân có 3 đứa con nhỏ, hằng ngày chị thường đi nhặt rác, đồng nát ở khắp các phố phường nhưng đến nay đã nghỉ 17 ngày vì dịch bệnh.
Không có tiền tích cóp, suốt 17 ngày qua 4 mẹ con chị Quý chưa được biết đến mùi thịt lợn. Thực đơn hàng ngày của mẹ con chị là cơm chan nước mỳ tôm, rau muối qua ngay. Chị cho biết hôm nào sang lắm thì có được quả trứng nhưng cả nhà phải nhường cho đứa con út chưa đầy 3 tuổi.
Với những người dân lao động nghèo, những vật phẩm này là vô cùng đáng quý trong mùa dịch.
Đến siêu thị Hạnh Phúc xin đồ, không giống như những người khác lấy mỗi thứ 1 ít, chị Quý chỉ lấy gạo, nước mắm và 1 khay trứng rồi vội vã ra về với đàn con thơ đang đứng đợi mẹ ở chân cầu Long Biên. Chị vừa đi vừa nói với chúng tôi rằng: “Có gạo là mẹ con tôi sống rồi. Còn trứng xin về chủ yếu cho đứa út thôi. Hai đứa lớn ăn khẩu phần như mẹ”.
Trong hàng người xếp dài hàng trăm mét dọc con ngõ nhỏ, chắc hẳn không ít người có hoàn cảnh như gia đình chị Quý. Tất cả họ không ai muốn đi xin từng gói mỳ quả trứng, nhưng vì dịch bệnh họ không biết phải nương tựa vào đầu để sống, chỉ mong có nhiều “chiếc lá lành” giúp đỡ, đùm bọc họ trong lúc khó khăn này.