Những đứa trẻ lên tám, lên mười vẫn không rõ mặt chữ… Chúng đùa nghịch, vui chơi theo bản năng và có thể đưa lên miệng bất kể thứ gì mà chúng nhìn thấy.
Trưa 19/9, chúng tôi có dịp ghé vào căn nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thêm (thôn Võ Lao, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Cách trung tâm thành phố hơn 30 km, khuất sau cánh đồng vàng thơm sực mùi lúa, thôn Võ Lao hiện ra với những mái nhà đậm chất làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Thấy người lạ, một cậu bé đảo mắt ngó nghiêng rồi cùng mẹ ra chào hỏi khách. Thằng bé đen nhẻm, gương mặt nháo nhác với những nụ cười không âm điệu. Đó là con trai thứ tư của vợ chồng anh Thêm, 12 tuổi rồi nhưng cả ngày chỉ cười cợt, ngơ ngác và quậy phá trong vô thức.
Anh Thêm đi chở hàng thuê ở xa nên đã mấy ngày nay không về nhà, chị Đỗ Thị Phượng (vợ anh Thêm) nói với chúng tôi như vậy.
Căn nhà tuềnh toàng và không có gì đáng giá trở nên nóng nực hơn bởi những thứ đồ vương vãi dưới nền đất, từ chăn, màn, xoong, nồi đến vỏ bim bim của con trẻ còn sót lại.
Ngôi nhà hai gian chẳng có gì đáng giá.
Những người ở đây đều rất rõ về vợ chồng anh Thêm, bởi sự nghèo túng của những con người "hâm hâm", những đứa trẻ lớn lên không được biết đến mặt chữ vì "lệnh cấm" của ông bố "không bình thường".
Mời chúng tôi vào nhà, mặc hai đứa con đang trêu đùa nhau dưới nền đất, chị Phượng lại lọ mọ ngồi xuống cùng mẹ chồng đan nón lá. Bà Đỗ Thị Xúi (mẹ anh Thêm) mới kể với chúng tôi:
"Đời tôi khổ lắm! Có được 8 đứa thì 3 đứa mắc bệnh. Thằng cả thì mất cách đây chưa lâu, con gái út thì mấy tháng nay bị bệnh tâm thần, còn thằng Thêm là đứa thứ ba thì cũng không được khôn như người bình thường.
Tôi và cái Đượm (con gái út) ở đây cùng vợ chồng nó, có lẽ là do chồng tôi bị nhiễm chất độc trong chiến tranh nên các con sinh ra mới vậy, giờ đến các con của vợ chồng thằng Thêm cũng đều trái tính trái nết, khó bảo…".
Vừa đan nón, lâu lâu, người mẹ lại nhấm nhẳng với hai đứa trẻ...
Anh Thêm sinh năm 1976, còn chị Phượng thì sinh năm 1971. Nhờ mai mối, họ nên duyên nhưng đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận kết hôn. Bởi lẽ, chính quyền cho rằng họ đều "không được bình thường".
Hai vợ chồng đều không biết chữ,"đều có vấn đề" được về chung một nhà, có với nhau 5 mặt con (4 trai, 1 gái). Cậu con cả sinh năm 2000, còn đứa con gái út thì năm nay 8 tuổi. Thế nhưng, từ khi sinh ra, chúng đều không được đến trường.
Thậm chí, trước đây, do không có tiền và anh Thêm lại "ra lệnh cấm" các con mình đi học nên những đứa trẻ này dù muốn cũng không được đến lớp. Nhờ chính quyền địa phương vận động giúp đỡ học phụ đạo nên giờ có đứa mới tập biết mặt chữ hoặc học phép cộng trừ đơn giản.
Lấy nhau gần hai chục năm, cả gia đình anh Thêm chỉ trông vào ít ruộng vườn chẳng đáng là bao. Cũng hơn chục năm qua, người ta thường xuyên thấy cả nhà họ toàn rủ nhau đi mò cua, bắt ốc để đổi lấy bữa cơm qua ngày. Lúc nào rảnh rỗi, chị Phượng lại đan nón thuê để lấy chút tiền trang trải.
"Có hai đứa nhỏ này ở nhà trông nhau thôi, còn 3 thằng lớn thì đứa đi chơi, đứa đi làm thuê rồi. Có đứa thì sang nhà văn hóa thôn học, dạo này thì đứa Năm được đi lớp, thằng Tư thì bị bệnh ngơ ngác không biết gì nên ở nhà" – chị Phượng lẩm bẩm.
Ngồi đan nón giữa cửa, người mẹ của 5 đứa trẻ vận bộ quần áo cũ kỹ với gương mặt thô ráp, lâu lâu lại cất những tiếng quát con cụt lủn. Hai đứa con nhỏ tuổi nhất của chị cũng không được đặt tên tử tế, lâu nay chỉ tạm gọi là "thằng Tư", "con Năm". Bà Xúi bảo: "Mấy đứa lớn thì có tên đấy nhưng hai đứa này thì không, cứ gọi là "Tư", "Năm" vậy thôi".
"Thằng Tư" thì 12 tuổi, còn "con Năm" thì lên 8. Cậu bé Tư sinh ra đã có bệnh về tâm thần, không biết nói và rất khó dạy bảo, thành ra bé Năm thường phải ở nhà trông anh.
Bé Năm...
Ngồi ngay đằng sau mẹ, bé Năm giở vở ra tập viết chữ cái trên nền đất, không bàn học, không ghế ngồi! Những nét chữ vẹo vọ của bé gái 8 tuổi in hằn ngang dọc trên trang vở cũ mà không có người chỉ bảo.
Chán viết, Năm nằm vật ra đất quậy cựa, rồi lại bật dậy và vo vo tấm giấy nháp lấm lem… đưa vào miệng nhai!
Trước sự ngỡ ngàng và can ngăn của khách lạ, cô bé không có phản ứng gì, còn bà Xúi thì buồn rầu nói: "Nó (bé Năm – PV) toàn vậy đấy, nhìn thấy gì cứ cho vào miệng, đi đường nhặt được gì rơi vãi cũng đưa lên nhai được, lắm lúc cả chiếc dép nó cũng… liếm. Nhưng trời sinh voi, trời sinh cỏ cô ạ, lâu nay nó cũng không bệnh tật gì!
Còn thằng Tư thì bị tâm thần rồi, không biết gì đâu nhưng nghịch lắm. Có lúc nó đói, ra ngoài hàng còn giật lấy bánh kẹo của người ta về, rồi sau đó bố nó phải đi trả tiền".
Bé Tư...
Về phần bà Xúi, quãng đời làm mẹ của bà quả là một chuỗi âu sầu. Mỗi khi nhìn vào chị Đượm – con gái út thì bà càng đau lòng. Chị Đượm vốn là người con gái bình thường, trắng trẻo, đã lập gia đình ở trong Nam và có con. Nhưng không hiểu sao từ mấy tháng trước, Đượm bỗng nổi điên rồi "bị trả về nơi sản xuất". Từ đó đến nay, bà đã đưa con đi khắp nơi chạy chữa nhưng không khỏi.
Chị Đượm - con gái út của bà Xúi, cả ngày chỉ nằm trên giường và cười khúc khích.
Một cậu con trai của vợ chồng anh Thêm, cậu bảo "đi nhà văn hóa học nhưng giờ nghỉ rồi".
Mỗi ngày, 9 con người đó vẫn lọ mọ mưu sinh nuôi nhau, không vướng ruộng đồng thì lại bắt cua, ốc và đan nón thuê. Mỗi đợt nón thuê phải đến nửa tháng mới lại được đôi ba trăm nghìn.
Ánh mắt, nét mặt ngây thơ nhưng đặc vẻ đói nghèo của Tư, Năm khiến người ngoài không khỏi chạnh lòng. Và, sự hồn nhiên, thờ ơ của vợ chồng anh Thêm trước cơn giặc dốt đè trên vai đàn con cũng khiến ngôi nhà ấy càng trở nên tăm tối…