Một ngày của anh Hách tất bật từ khi mặt trời còn chưa ló rạng rồi kết thúc khi đàn con đã say giấc nồng, nhưng cũng chẳng xuể bởi mình anh phải chăm sóc tới tận 8 đứa con thơ đang ở độ tuổi ăn - học.
Căn nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Hách, 38 tuổi ở xã Dương Quang, Mỹ Hào, Hưng Yên, luôn tràn ngập tiếng con trẻ cười đùa, thế nhưng trái ngược với những âm thanh vui vẻ ấy lại là gia cảnh đặc biệt khó khăn của ông bố được mệnh danh “gà trống” đông con nhất Việt Nam.
Người dân trong xã không ai là không biết câu chuyện về gia đình anh Hách. Anh lấy vợ từ năm 20 tuổi, từ đó đến nay hai vợ chồng anh sòn sòn sinh được 8 người con. Cuộc sống dù vất vả khó khăn nhưng hai vợ chồng đồng tâm hiệp lực kiếm tiền nuôi con chằng nề hà nhọc nhằn. Thế nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, một biến cố bất ngờ đổ sập xuống cướp đi người vợ của anh.
Đầu năm nay khi đang mang thai đứa con thứ 9 chuẩn bị đến ngày sinh nở thì trong một lần đi làm đồng chị bất ngờ bị ngã khiến cái thai bị chết lưu, còn chị bị dập gan. Anh lặn lội đưa vợ ra Hà Nội cấp cứu nhưng không kịp. Ngày chị qua đời khi nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì anh đã phải tự dằn lòng gạt nước mắt mà đứng dậy làm chỗ dựa cho đàn con thơ.
Từ đó đến nay, hiếm ngày nào anh ngủ đủ giấc, tất bật dậy từ khi mặt trời còn chưa ló qua hàng cây rồi chỉ dám chợp mắt nghỉ ngơi lúc đêm đã khuya vắng khi đàn con đã yên giấc. Một ngày của anh Nguyễn Văn Hách (Mỹ Hào, Hưng Yên) cũng chỉ xoay quanh những công việc giản đơn như cơm nước, giặt giũ, bế bồng con cái thế nhưng cũng chẳng xuể.
Tám đứa con của anh giờ ba đứa lớn đã nghỉ học đi làm thuê phụ bố kiếm tiền nuôi các em. Năm đứa ở nhà với bố thì có ba đứa đang học tiểu học, một đứa đi mẫu giáo còn lại đứa út mới lên hai mới đang lò dò biết đi, tập nói.
Anh Hách tâm sự: “Tôi chẳng dám gửi con cho ai để đi làm xa hay kiếm việc gì có thu nhập tốt hơn, chỉ loanh quanh vài sào ruộng hay mảnh vườn quanh nhà. Thời gian còn lại cũng chỉ kịp loanh quanh chăm mấy đứa nhỏ, trông chúng nó học bài, nấu cơm, giặt giũ là hết ngày.”
“Tội nhất là đứa út giờ mới lên hai tuổi vẫn còn thèm hơi sữa mẹ, thi thoảng nó lại hỏi "Mẹ đâu rồi!”…. mà mình chẳng biết phải trả lời ra sao chỉ biết ôm con mà vỗ về”, anh Hách buồn bã.
Căn nhà của bố con anh xập xệ, với những mảng tường bong tróc còn đồ đạc thì chẳng có gì giá trị ngoài hai chiếc giường cũ kỹ với bộ bàn ghế gỗ.
Những đứa trẻ nhìn thoáng có chút xanh xao nhưng theo anh Hách, chúng chẳng mấy khi ốm vặt mà chạy nhảy suốt ngày.
Thương bố, tự biết cảnh nhà nên bọn trẻ dù ở độ tuổi nghịch ngợm nhưng cũng ít quấy phá mà ở trường về lại ôm sách vở đứa lớn dạy đứa bé vừa tập đọc vừa tập viết.
Hay quẩn quanh ra vườn nghịch ngợm, hái rau cho bố nấu cơm.
Cũng có người từng khuyên anh Hách đem con đi cho ai nuôi hộ nhưng anh chỉ cười buồn: "Cho thế nào được mà cho. Mình đẻ ra nó được thì phải có trách nhiệm chứ. Tôi biết, con ở với tôi chẳng đầy đủ như con nhà khác nhưng ruột thịt vẫn hơn. Tôi chỉ mong chúng nó khoẻ mạnh, ngoan ngoãn lớn lên từng ngày.”