Không ít sinh viên hiện nay lo lắng trước thông tin năm 2020 sẽ thừa hàng nghìn cử nhân sư phạm. Tuy nhiên, theo các nhà tuyển dụng cô giáo tâm huyết với nghề vẫn thiếu.
Làm thầy giáo, cô giáo vẫn lâu nay vẫn là ngành nghề được nhiều người ưa chuộng lựa chọn. Thế nhưng mới đây, tại Hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên tại các trường ĐH đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay”, PGS.TS. Bùi Văn Quân, hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết: “Dự kiến đến năm 2020 hệ thống giáo dục không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 41.000 người đối với tiểu học, 12.200 người đối với THCS và 16.900 đối với THPT (thừa khoảng 70.000 cử nhân).
Thông tin này khiến không ít sinh viên sư phạm lẫn học sinh muốn thi sư phạm sắp tới hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, thực tế việc số lượng cung nhiều hơn cầu này có chính xác không?
Tuyển người biết việc rất khó
Khi tuyển dụng giáo viên mầm non, tiêu chí đầu tiên là phải yêu trẻ. Tiếp theo là yêu nghề, sáng tạo, ham học hỏi, nhẫn nại, trung thực. Đó là chia sẻ của cô Ngô Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường mầm non Ong Việt, Hà Nội trong việc lựa chọn cô giáo cho trường.
Hàng năm, trường cô Huyền nhận tới hàng trăm hồ sơ xin việc. Dù vậy, theo cô Huyền, thực tế tuyển giáo viên rất dễ nhưng chọn được cô làm tốt thì lại rất khó do chất lượng đào tạo giáo viên hiện nay ồ ạt kém chất lượng. Thế nên có trường hợp giáo viên không biết soạn giáo án hay cũng có trường hợp cô giáo lại không có kỹ năng quản lý trẻ.
Tìm được giáo viên yêu trẻ, tâm huyết với nghề là rất khó.
Cùng chung quan điểm, cô Nguyễn Thị Thu Huệ, Hiệu trưởng trường mầm non tư thục Baby, quận 11, TP.HCM cho biết: "Tôi thích tuyển giáo viên có trình độ thực tế ví dụ như vừa học vừa làm vì giáo sinh mới ra trường không hề biết làm gì". Cô Huệ lý giải, họ là những người chịu khó, ham học hỏi còn cử nhân sư phạm chỉ toàn lý thuyết, giờ đi thực hành rất ít.
"Cử nhân sư phạm ra trường toàn nghĩ mình là hiệu trưởng, hiệu phó chứ không coi mình là giáo viên đứng lớp chăm sóc bé", cô Huệ khẳng định.
Thực tế, cô Huệ gặp vài trường hợp "méo mặt' với các cử nhân sư phạm như chê trường của cô nhỏ, muốn vào trường lớn, các bạn chỉ muốn đứng lớp dạy, còn việc vệ sinh, dọn dẹp ỷ lại cho bảo mẫu, đòi hỏi lương cao...
Cô Huệ cho rằng, việc thừa giáo viên cũng khó có thể xảy ra bởi các trường tư thục hàng năm mở ra rất nhiều, nhất là ngành mầm non.
Hãy bớt đòi hỏi
Theo TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, tình trạng thừa giáo viên là khá cao. Trong ngành tiểu học, bài toán thừa thiếu giáo viên luôn xảy ra vì thiếu là thiếu những giáo viên có tay nghề, có tâm huyết nhiều hơn là thiếu số lượng.
Những nơi đào tạo có uy tín sẽ bớt nỗi lo này hơn. Như sinh viên trường Sư phạm Hà Nội năm vừa qua đào tạo 47 sinh viên nhưng tính đến hiện tại đã có hơn 80% em có việc làm. Còn những giáo viên được đào tạo dễ dãi hơn như ở các trường trung cấp, cao đẳng thì chắc chắn sẽ thừa. Ngoài ra một số ngành như Vật lý, Lịch sử, Triết... cũng sẽ thừa vì số lượng tiết học ít nên không cần nhiều giáo viên trong trường.
Một điều đáng chú ý là tình trạng sinh viên chọn nhầm nghề hiện nay đáng báo động. Bất kỳ ở khoa nào, tỷ lệ sinh viên giơ tay nói mình chọn nhầm nghề năm nào cũng có. Tuy nhiên, tình trạng này càng cao hơn khi Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi chung quốc gia năm vừa qua. Khi đó, các em chỉ quan tâm đến việc nghe lời người lớn chọn nghề sư phạm hoặc chỉ mong đỗ đại học chứ không cần biết thích học nghề gì. Cụ thể sinh viên năm nhất ở khoa Tiểu học, đại học Sư Phạm Hà Nội chỉ có 13/57 sinh viên cho rằng mình tự chọn và yêu thích nghề sư phạm.
Cuối cùng, TS Hương nhắn nhủ trước sự lo lắng cử nhân sư phạm: Thất nghiệp hay không là do chính các bạn. Các bạn đừng đánh giá bản thân quá cao, đừng "đứng núi này trông núi nọ", bớt đòi hỏi... Các bạn thường không quan tâm đến công sức, cống hiến của mình thế nào, kỹ năng mình kém đến đâu mà hay lo lắng mình đi làm được trả bao tiền, bảo hiểm ra sao, phần thưởng nhiều ít.
TS Hương khẳng định, những cử nhân sư phạm kiên nhẫn, yêu nghề, tìm việc phù hợp thì sẽ không bao giờ thất nghiệp.
Hiện nay, cả nước có 108 cơ sở đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, bao gồm: 9 trường đại học sư phạm; 1 trường đại học giáo dục; 31 khoa, ngành sư phạm trong các trường đại học đa ngành; 35 trường cao đẳng sư phạm; 19 khoa, ngành sư phạm trong các trường cao đẳng đa ngành; 3 trung cấp sư phạm và 10 trường trung cấp chuyên nghiệp. |