Say nắng, sốc nhiệt, đột quỵ là những nguy cơ thường hay gặp nhất đối với những người lao động khi phải trực tiếp làm việc dưới môi trường nắng nóng.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, hôm nay (30/6) khu vực phía bắc và Bắc trung bộ nắng nóng vẫn tiếp tục xảy ra trên diện rộng, có những địa phương nhiệt độ có thể lên đến trên 40 độ C.
Với nhiệt độ lên cao như hiện nay, những người lao động sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều nhất khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và nền nhiệt ngoài trời như: công nhân công trường xây dựng, xe ôm, những người dọn vệ sinh, nông dân …
Để giúp những người lao động tránh được những tác hại do nắng nóng gây ra, Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) đã có hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động.
Những người lao động làm việc trực tiếp dưới thời tiết nắng nóng dễ bị say nắng, sốc nhiệt...
Theo Cục Quản lý Môi trường, vào mùa nắng nóng, người lao động có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Biểu hiện của các vấn đề sức khỏe gặp trong mùa nắng nóng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với nắng nóng, mức độ tăng thân nhiệt của cơ thể. Nếu ở mức độ nhẹ thì sẽ có những biểu hiện như: mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.
Còn ở mức độ nặng, biểu hiện chủ yếu là đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt, …) và có thể tử vong.
BS Đỗ Quốc Phong (Khoa Hồi sức Cấp cứu - BV E Trung ương) cho biết, khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng như: say nắng, say nóng tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp sơ cứu khi chưa có sự can thiệp của nhân viên y tế.
Theo đó, khi phát hiện nạn nhân bị say nắng, sang nóng cần nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.
Người lao động cần hạn chế làm việc khi nhiệt độ ngoài trời quá cao.
Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.
Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Lưu ý không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10 - 15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.
Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vậnchuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Để tránh tác hại do nắng nóng gây ra, các chuyên gia khuyến cáo, những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ nhất trong ngày như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức.
Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc…