Nắng nóng tới trên 40 độ C: Ai dễ say nắng, sốc nhiệt nhất? 3 giờ này trong ngày dù trẻ khỏe cũng đừng ra nắng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 27/04/2024 14:00 PM (GMT+7)

Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết nắng nóng đỉnh điểm nên nhiều người dễ say nắng, trong đó, có 4 nhóm người có nguy cơ cao cần phải đặc biệt chú ý để bảo vệ sức khỏe.

Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, bắt đầu từ ngày 27/4 đến 30/4, miền Bắc sẽ bước vào chuỗi ngày nắng nóng đỉnh điểm, dự báo có nơi lên đến 40 độ C. Các khu vực khác trên cả nước tiếp tục có nắng nóng gay gắt như ở miền Trung hoặc miền Nam.

Do đợt nắng nóng đỉnh điểm trùng với dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 nên các chuyên gia cảnh báo, mọi người phải đặc biệt chú ý trong việc bảo vệ sức khỏe khi di chuyển hoặc đi du lịch, thăm quan. Trong đó, việc đề phòng tình trạng say nắng, say nóng là vô cùng quan trọng.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi - Trung tâm Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết, những người bị say nắng, say nóng nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Theo bác sĩ Chi, bình thường, cơ thể chúng ta có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức cân bằng, quanh 37 độ C.

Nắng nóng đúng vào dịp nghỉ lễ dài ngày, vì thế nguy cơ say nắng rất dễ xảy ra. Ảnh minh họa.

Nắng nóng đúng vào dịp nghỉ lễ dài ngày, vì thế nguy cơ say nắng rất dễ xảy ra. Ảnh minh họa. 

Trong thời tiết nắng nóng, khi nhiệt độ tăng lên, cơ thể chúng ta thực hiện các cơ chế điều tiết để duy trì mức thân nhiệt như thở nhanh, giãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt trong cơ thể,... Đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng, dẫn đến hôn mê, co giật.

4 nhóm người dễ bị say nắng nhất

Bác sĩ Chi cảnh báo, có 4 nhóm người cần chú ý bảo vệ sức khỏe khi thời tiết nắng nóng, để tránh bị say nắng:

- Người bắt buộc phải làm việc lâu ở ngoài trời như nông dân lao động trên cánh đồng, công nhân lò cao, người đi xe đạp, xe máy trên đường trong thời gian dài, công nhân xây dựng...

Những người lao động ngoài trời nắng rất dễ bị say nắng nếu không có biện pháp bảo hộ và phong tránh an toàn. Ảnh minh họa.

Những người lao động ngoài trời nắng rất dễ bị say nắng nếu không có biện pháp bảo hộ và phong tránh an toàn. Ảnh minh họa. 

- Người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh lý hô hấp mạn tính... khi nhiệt độ cao sẽ có nguy cơ bất ổn các bệnh lý đang mắc, dễ dẫn tới những biến chứng khó lường.

- Người già, sức chịu đựng kém, mang nhiều nguy cơ bệnh tật, phản xạ khát kém nên dễ bị thiếu nước…

- Trẻ nhỏ chưa có ý thức về thời tiết nên các cháu mải vui chơi, hoạt động kéo dài trong thời tiết nắng nóng thì sẽ có nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng.

Thấy dấu hiệu này cần sơ cứu, hạ thân nhiệt kịp thời

Những người bị say nắng thường xuất hiện những biểu hiện như sau:

- Da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy.

- Nặng hơn là tình trạng ảo giác, thay đổi ý thức, hôn mê, co giật...

Khi thấy các biểu hiện này, cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, sơ cứu và hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng cách cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân.

Khi có dấu hiệu say nắng cần nhanh chóng hạ thân nhiệt bằng mọi cách. Ảnh minh họa.

Khi có dấu hiệu say nắng cần nhanh chóng hạ thân nhiệt bằng mọi cách. Ảnh minh họa. 

Nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống, nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc bố trí phương tiện phù hợp đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ có thể khám, đánh giá toàn trạng, hạ sốt, truyền dịch, cho dùng thuốc hạ sốt...

Phòng say nắng không khó

Ngoài 4 nhóm người có yếu tố nguy cơ cao bị say nắng như đã nói trên, ngay cả với những người trưởng thành, khỏe mạnh cũng có thể bị say nắng, say nóng khi di chuyển, làm việc hay đi du lịch trong thời tiết nắng nóng.

Dưới đây là một số biện pháp dự phòng say nắng theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

- Làm mát cơ thể: Có thể tắm nước mát hoặc nước ấm để làm mát và làm sạch cơ thể khi mồ hôi ra nhiều. Tuy nhiên, điều đặc biệt lưu ý là không tắm ngay khi vừa đi ngoài trời nắng về. Hãy hạ thân nhiệt bằng cách đi vào nơi râm mát, ngồi quạt nhẹ khô mồ hôi rồi tắm với nhiệt độ nước phù hợp.

- Uống nhiều nước: 65-70% cơ thể là nước nhưng chúng ta lại không dự trữ được nó. Vì thế, phải uống đủ nước mỗi ngày, thậm chí tăng cường uống nước trong trường hợp nhiệt độ lên cao tới 40 độ C. Ngoài nước lọc, có thể uống nước ép hoa quả, trà, nước canh, trái cây mọng nước (bưởi, dưa hấu). Không uống nước quá lạnh vì có thể gây ra hiện tượng sốc nhiệt làm đau bụng.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp phòng được say nắng, say nóng do mất nước. Ảnh minh họa.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp phòng được say nắng, say nóng do mất nước. Ảnh minh họa. 

- Lựa chọn trang phục phù hợp: Để bảo vệ cơ thể khỏi nắng nóng, tốt hơn hãy lựa chọn trang phục được may bằng chất liệu cotton hay lanh và thích hợp nhất với các gam sáng màu. Nếu các chất liệu may mặc màu đen hay màu sẫm, chúng sẽ hấp thụ tất cả ánh nắng và nhiệt độ.

- Làm mát không khí: Để làm mát mẻ không khí trong nhà, hãy đóng cửa sổ vào buổi sáng và mở lại chúng vào buổi tối. Dùng các thiết bị làm mát hợp lý.

- Tránh ra ngoài trời vào những giờ nắng nóng nhất: Khi nhiệt độ ngoài trời vượt qua ngưỡng 30 độ C, tốt hơn hết là đi ra khỏi nhà sớm hơn vào buổi sáng và trở về muộn hơn vào buổi chiều. Tránh ra ngoài trời vào những giờ nắng nhất từ 12 giờ trưa đến khoảng 3 giờ chiều. Trường hợp phải ra ngoài, hãy bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm hại của các tia UV bằng mũ, áo chống nắng, khẩu trang, kính râm, ô…

- Trang bị đồ bảo vệ: Khi lao động ngoài trời phải đội mũ, nón, tìm cách tránh cho ánh nắng mặt trời chiếu vào gáy. Cần trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính,… Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò.

- Hạn chế hoạt động quá mạnh: Nắng nóng nếu càng vận động, càng đổ nhiều mồ hôi và nhanh mất nước. Vì thế, trong thời tiết nắng nóng, hãy tránh những vận động mạnh, không cần thiết. Không tập thể dục, thể thao vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, nhất là không chơi thể thao ngoài trời nắng (rất dễ bị say nắng, rối loạn nhịp tim…).

- Bổ sung vitamin: Cần tăng cường thêm nhiều trái cây có chứa vitamin A, Vitamin C và Vitamin E. Tất cả những vi chất dinh dưỡng này, sẽ giúp cơ thể chúng ta tăng cường sức đề kháng và phòng tránh được say nắng.

- Rèn luyện sức khỏe: Việc rèn luyện, nâng cao sức khỏe thường xuyên cũng giúp cơ thể có sức chống chọi với sự thay đổi của thời tiết, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa.

Ở phòng điều hòa khiến bạn dễ cảm lạnh? Bài trắc nghiệm tiết lộ bạn có biết bảo vệ sức khỏe mùa nóng
Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Hãy làm bài trắc nghiệm dưới đây để xem bạn có thực sự biết một số cách chăm sóc và bảo vệ cơ thể...

Sức khỏe ngày nóng

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe ngày nóng