Làng Devda thuộc quận Jaisalmer, bang Rajasthan của Ấn Độ, nổi tiếng là "dương thịnh âm suy". Đó là lý do vì sao trong suốt 120 năm qua, làng mới có 2 cô gái kết hôn.
Đám cưới gần đây nhất của một cô gái trong làng diễn ra vào năm 1998. Đám cưới trước đó cũng cách xa cả thập kỷ bởi ngôi làng này có hủ tục giết hại bé gái khi bé mới chào đời vì trọng con trai, coi con gái là một gánh nặng.
Gia đình bà Padma Singh là một trường hợp khác biệt, bà đã dũng cảm không giết hại con gái như những gia đình khác trong làng nên con gái họ đã lớn lên và tổ chức đám cưới vào năm 1998.
Cũng chính vì hủ tục trên mới có chuyện trong một lớp học ở làng Devda (dân số khoảng 2.500 dân) có 22 học sinh nam và duy nhất một học sinh nữ. Padma Kanwar Bhatti (15 tuổi) thấy mình lẻ loi, đơn độc trong lớp khi chỉ có một mình cô là nữ.
Padma Kanwar Bhatti là cô gái duy nhất trong một lớp học có tổng số 23 bạn ở Devda.
Khi được hỏi tại sao trong làng ại ít con gái, nhiều con trai, Padma ngập ngừng đáp bằng tiếng Marwari, ngôn ngữ chính ở Rajasthan: “Không có nữ sinh nào khác ở trong lớp cháu, còn trong làng hiện cũng có rất ít cô gái. Các bé gái đều đã chết”.
Theo số liệu điều tra dân số năm 2011, quận Jaisalmer là một trong những nơi có tỷ lệ chênh lệch giới tính nghiêm trọng nhất ở Ấn Độ, với tỷ lệ 868 bé gái dưới 6 tuổi/1.000 bé trai, so với tỷ lệ 914 bé gái/1.000 bé trai trên toàn Ấn Độ.
Theo các nhà sử học địa phương, nạn giết trẻ sơ sinh trong vùng có thể bắt nguồn từ những cuộc chiến nhiều thế hệ trước. Lúc đó, các trưởng lão của bộ tộc Rajput người Hindu chọn cách sát hại chính con gái của mình, để cứu họ không bị những kẻ xâm lược người Hồi giáo hãm hiếp và ném xuống giếng.
“Để tránh bị làm nhục, người Rajput phải chọn cách giết chết con gái của họ”, Umashankar Tyagi, một nhà sử học xã hội ở Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan nói với AFP. Theo Tyagi, phong tục này tiếp tục phát triển mạnh trong thời bình.
Ở Rajasthan, chính quyền địa phương và các quan chức cao cấp nói rằng, họ biết về thực trạng giết hại trẻ sơ sinh nữ, nhưng cơ quan có thẩm quyền dường như không muốn can thiệp vào đời tư của các gia đình.