Vì thương những đứa trẻ, mong chúng được đến trường nên ông Thơ hàng ngày cầm loa tuyên truyền khách du lịch không mua hàng của trẻ ăn xin.
Khi đến Sa Pa du lịch, ngoài việc được tận hưởng không khí trong lành và chu du khắp nơi ngắm cảnh nhiều du khách còn thấy ấn tượng với những thông báo của người đàn ông đã lớn tuổi ở giữa trung tâm thị xã Sa Pa (Lào Cai).
“Thưa toàn thể quý du khách đang tham quan và du lịch trên toàn thị xã Sa Pa. Trên địa bàn xảy ra tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch bởi các cháu nhỏ đồng bào địa phương đang bị chính các bậc sinh thành là cha là mẹ của các cháu ép buộc phải đi ăn xin và bán hàng. Đây là một hành vi trục lợi trên thân thể trẻ em.
Tổ công tác chúng tôi kính mong toàn thể quý du khách khi đi tham quan và du lịch trên toàn địa bàn thị xã Sa Pa hãy vui lòng thực hiện không mủi lòng cho tiền trẻ nhỏ, không mua hàng trẻ nhỏ địa phương.
Mỗi du khách chúng ta đã thực hiện tốt thông báo này đã góp phần nhỏ bé vào quyền trẻ em theo Công ước quốc tế. Chúng tôi chân thành cảm ơn quý du khách lắng nghe và thực hiện tốt thông báo này. Xin kính chúc toàn thể du khách có chuyến du lịch bình an, vui vẻ và hạnh phúc”, thông báo được phát qua loa, qua giọng nói của một người đàn ông.
Những đứa trẻ đi ăn xin khắp các điểm du lịch tại Sa Pa.
Qua tìm hiểu, người đưa ra ý tưởng và trực tiếp đi thông báo tới du khách là ông Trần Văn Thơ (66 tuổi, Tổ trưởng TDP số 6, thị xã Sa Pa). Ông Thơ cho biết, đây là công việc ông làm nhiều năm nay, tuy nhiên mới đây được mọi người chia sẻ lên mạng xã hội nên được nhiều người biết đến.
Ánh mắt nhìn xa xăm, ông Thơ tâm sự rằng, ông cảm thấy buồn khi công việc đã làm nhiều năm nhưng tình trạng trẻ đi ăn xin vẫn còn, chưa được chấm dứt hoàn toàn. Dù vậy, người đàn ông này không hề nản chí vì ông cho rằng, để thay đổi suy nghĩ thì phải mất rất nhiều thời gian, nên đành “mưa dầm, thấm lâu”.
Khi hỏi lý do ông lựa chọn công việc này dù chẳng cấp trên nào phân công, ông Thơ cho rằng, ông làm vì xuất phát từ cái tâm, vì thương những đứa trẻ chứ không phải là “cướp” cơm của những đứa trẻ như nhiều người vẫn nói.
Ông Thơ cảm thấy xót xa khi những đứa trẻ bị lợi dụng để đi ăn xin.
Ông Thơ chia sẻ, ông cảm thấy xót xa khi chứng kiến những đứa trẻ phải dầm mình dưới rét mướt, mưa xương vì bị bố mẹ đẩy ra đường đi ăn xin, rồi phải thất học. Đau đớn hơn, chính cha mẹ ruột của chúng đứng ở phía xa giám sát việc ăn xin của con mình, nhiều cháu không xin được tiền còn bị bố mẹ đánh.
“Ngày mưa, ngày nắng rồi rét buốt những đứa trẻ đều bị ép đi ăn xin từ sáng sớm đến đêm khua… thấy cảnh đó tôi không cầm được lòng. Tôi muốn tuyên truyền du khách không cho tiền, không mua hàng của các cháu", ông Thơ tâm sự.
Xuất phát từ đó, hàng ngày cứ đều đặn từ 8 giờ sáng và kết thúc sau 22 giờ đêm mỗi ngày, ông Thơ cầm loa đi khắp các khu du lịch của thị xã thông báo tới du khách. Ông đọc đi, đọc lại không sót chữ nào, cộng với giọng vô cùng truyền cảm nên được nhiều người chú ý, vì thế tình trạng trẻ ăn xin cũng đã giảm đi đáng kể.
Chiếc xe lưu động - phương tiện ông Thơ di chuyển để thông báo tới du khách.
Người đàn ông này cũng cho biết, nhiều người đến nói chuyện và sẵn sàng giúp ông thu âm giọng đọc để ông đỡ vất vả, thế nhưng ông Thơ không đồng ý. Ông cho rằng, thu âm chỉ 5 phút là xong nhưng ông muốn đọc trực tiếp để người dân lắng nghe những thông điệp ông muốn nhắn nhủ.
“Nhiều người khi nghe tôi đọc từ xa thích thú đã tiến lại gần vỗ tay rất dài khiến tôi rất vui. Bên cạnh đó, tôi muốn nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường, không chèo kéo du khách…", ông Thơ chia sẻ.
Trong quá trình thông báo việc không mua hàng tới du khách, không ít lần ông Thơ bị chính gia đình những đứa trẻ chửi bới, dọa đánh vì cho rằng việc làm của ông ảnh hưởng đến miếng cơm, thu nhập của họ.
Ông Thơ làm công việc này chỉ mong những đứa trẻ được đến trường.
Dù có được hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí, tuy nhiên với ông Thơ tiền không phải là quan trọng, điều ông mong muốn nhất khi làm công việc này đó là những đứa trẻ nơi đây sẽ không bị đẩy ra đường nữa mà sẽ được đến trường, được yêu thương như những đứa trẻ bình thường khác.
“Có rất nhiều câu chuyện đau buồn mà tôi chứng kiến ở nơi đây. Đó là những gia đình đông con nhưng tất cả đều thất học, vì chúng bị đẩy ra đường ăn xin từ khi mới 4-5 tuổi.
Hay như câu chuyện một gia đình nọ, khi đứa con lớn lên, bị bố mẹ mắng thì chúng nói lại rằng, chính chúng nuôi bố mẹ chứ không phải bố mẹ nuôi chúng. Bởi 5 tuổi chúng đã đi kiếm tiền, số tiền đó về mua gạo, mua muối, thậm chí là để bố mẹ chúng đánh đề”, ông Thơ xót xa kể.
Ông Thơ năm nay đã 66 tuổi, ông cho biết sẽ làm công việc này đến khi nào trẻ không còn đi ăn xin nữa thì ông sẽ nghỉ hoặc đến khi ông không còn đủ sức khỏe nữa thì mới dừng lại.