Người đàn ông góa vợ dựng lều rách nuôi cả con lẫn cháu

Ngày 02/11/2014 08:32 AM (GMT+7)

Trong túp lều rách nát, người đàn ông góa vợ lần lượt đón hai con gái “giữa đường đứt gánh” ôm bụng bầu lùm xùm trở về.

Sống trong cảnh màn trời chiếu đất, ông một tay làm “vú nuôi” cho những đứa cháu không biết mặt cha cùng hai sản phụ ốm yếu, lay lắt sống qua ngày bên vệ đường. Đúng lúc họ đang rơi vào bế tắc không lối thoát thì một bàn tay nhân hậu đã dang rộng cứu giúp. Câu chuyện này đã khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Tận cùng khốn khổ

Cách đây 3 năm, người dân ấp Sông Cầu (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) ái ngại khi chứng kiến ông Văn Bá Hiếu (SN 1955) ngược xuôi xin từng miếng bạt, từng cây gỗ mục để dựng túp lều rách bên vệ đường. Khi túp lều thành hình, ông bảo đó sẽ là nơi tá túc cho hai cô con gái sắp đến ngày sinh nở bị nhà chồng ruồng rẫy, phụ bạc. Hiện nay, túp lều ấy đã vững chãi hơn, đúng nghĩa một căn nhà nhỏ, ai cũng mừng thay cho ông. Buổi trưa hôm chúng tôi đến, ông Hiếu vừa trở về sau một buổi lao động mệt nhọc. Trò chuyện với người viết, ông lấy tay quyệt ngang mồ hôi rồi trầm ngâm bảo: “Hồi bĩ cực ấy đã tạm thời qua rồi. Nếu không được mệ Lạc cưu mang thì cha con tôi không biết xoay sở thế nào. Nơi đất khách quê người, không một ai quen biết, không bà con thân thích, tôi mới thực sự thấm thía cái tình người đáng quý”.

Người đàn ông góa vợ dựng lều rách nuôi cả con lẫn cháu - 1

Ông Hiếu chia sẻ với phóng viên.

Quê hương ông Hiếu ở đất thép Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị). Sinh ra trong gia đình nghèo, ông không được học hành nhiều mà sớm phải bươn chải mưu sinh. Sau này lập gia đình, cái nghèo, cái đói càng bám riết lấy vợ chồng ông khi những đứa con nheo nhóc liên tiếp ra đời. Hai vợ chồng ngày đêm cày thuê, cuốc mướn cho người ta vẫn không đủ làm nhẹ đi gánh nặng cơm áo đè trên vai. Rồi không thể trụ nổi ở mảnh đất cằn cỗi, vợ chồng ông bèn dắt díu con cái vào miền Nam tha hương cầu thực với mong ước đổi đời. Ngày đặt chân vào miền Nam, ông hết tá túc ở vườn điều lại rẽ ngang sang rừng cao su để làm thuê. Chắt chiu dành dụm bao nhiêu năm, cuối cùng vợ chồng ông cũng cất được một căn nhà nhỏ ở huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu) trong niềm vui sướng tột cùng. Những đứa con ông theo chân cha mẹ lên nương rẫy từ nhỏ cuối cùng đã có một mái nhà đúng nghĩa, cơm no, áo ấm như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng khi cuộc sống đang dần yên ổn thì biến cố lại ập xuống.

Người đàn ông góa vợ dựng lều rách nuôi cả con lẫn cháu - 2

Chị Thương – con gái đầu của ông Hiếu bên đứa con và đứa cháu năm nay đều đã lên 3.

Đó là một ngày, người vợ đồng cam cộng khổ của ông Hiếu phát hiện chứng bệnh nhiễm trùng máu, gần như nằm liệt trên giường bệnh. Ông dồn hết tiền bạc dành dụm bấy lâu chữa bệnh cho vợ nhưng tình hình không cải thiện là mấy. Không bỏ cuộc, ông chạy vạy khắp nơi để tiếp tục công cuộc giành giật sự sống cho vợ. Khi hết cửa nhờ cậy, ông đành liều bán luôn căn nhà là tài sản cuối cùng đáng giá để đưa vợ đi chữa bệnh. Ngày ấy, ông Hiếu và những đứa con nheo nhóc lấy bệnh viện làm nơi tá túc, những mong một ngày gia đình được trở về sống bên nhau hạnh phúc như xưa. Nhưng nỗ lực cuối cùng của ông cũng không mang lại kết quả. Ngày vợ trút hơi thở cuối cùng, ông giấu nỗi đau chạy khắp nơi vay mượn tiền để mua quan tài an táng cho người quá cố. Tang vợ vừa dứt, người ta lại thấy ông dắt díu những đứa con mồ côi mẹ đi lang bạt kiếm sống qua ngày từ nơi này sang nơi khác.

Giúp nhau trong hoạn nạn

20 năm sau, những người con của ông Hiếu cũng trưởng thành và tìm được công ăn việc làm nhưng tứ tán khắp nơi. Còn ông vẫn thong thả làm thuê khắp nơi tự nuôi bản thân. Nhiều người quen biết ông cứ ngỡ cảnh “gà trống nuôi con” đã kết thúc sau chừng ấy thời gian đằng đẵng. Nhưng chỉ ít lâu sau, họ lại ngán ngẩm khi thấy ông tay bồng tay bế những đứa cháu đỏ hỏn, côi cút ngay bên vệ đường. Tâm sự với chúng tôi, ông kể: Đó là ngày cô con gái đầu Văn Thị Ngọc Thương (SN 1980) đã yên bề gia thất bên đất Lào gọi điện về nức nở thông báo bị chồng bỏ rơi. Thậm chí, mọi tài sản đáng giá đều bị gã chồng đểu cáng vét sạch để cung phụng nhân tình, bỏ mặc người vợ tội nghiệp đang bụng mang dạ chửa.

“Thương con, tôi đành lấy nốt chút tiền dành dụm và vay mượn người chủ nơi làm thuê để sang Lào đón nó về. Nhưng về đây lại không có nổi chốn dung thân, tôi đành dẫn con gái tá túc bên vệ đường xã Nghĩa Thành này. Mọi người thương tình cho tấm bạt, cái chiếu, tôi căng bạt ra dựng thành một túp lều nhỏ lấy chỗ che mưa che nắng cho con”, ông Hiếu nhớ lại. Chưa dừng ở đó, bất hạnh lại đổ dồn lên vai người cha già yếu khi chỉ hai tháng sau, đứa con gái thứ hai của ông cũng vác cái bụng bầu lùm lùm từ Bình Dương về tìm cha. Cô bị gã chồng hờ rũ bỏ trách nhiệm khi hay tin cái thai trong bụng là bé gái. Thương con, thương cháu, ông Hiếu lại dang tay đón con về túp lều rách nát chờ ngày sinh nở.

Một chiếc giường xập xệ ngăn đôi cho hai sản phụ nằm co ro trong túp lều lạnh buốt, lòng người cha nghèo như quặn thắt. Khi con sinh nở, ôm đứa cháu còn đỏ hỏn đi xin từng tấm ga thừa, cây gỗ vụn về căng lại lều mỗi khi ông trời “giở chứng”. Hai đứa cháu ra đời cách nhau chưa đầy hai tháng, ông Hiếu vừa một tay chăm hai sản phụ đang giai đoạn ở cữ, vừa kiêm luôn vai trò “vú nuôi” của hai đứa trẻ bất hạnh. Thấy vậy, những người xung quanh thương tình cũng cho ông ít gạo, hộp sữa thăm nuôi. Nhưng người ta cũng quan niệm dính “vận xui” khi gần bà đẻ nên một mình ông phải làm tất cả, từ cho cháu ăn, nấu cơm cho các con, giặt giũ… đến đi làm kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Cứ thế, không khi nào người ta thấy người đàn ông tóc hoa râm có giây phút thư nhàn.

Người đàn ông góa vợ dựng lều rách nuôi cả con lẫn cháu - 3

Mẹ nuôi của ông Hiếu, người đã cưu mang cha con ông trong lúc khó khăn nhất.

Túp lều của ông Hiếu dựng gần nhà cụ Lạc (83 tuổi), cùng quê Quảng Trị với ông. Hôm ấy, bà cụ đi ngang qua thấy tình cảnh khốn khó của 5 con người trong túp lều nên ghé vào hỏi thăm. Nhận ra giọng nói quen thuộc của quê hương nơi đất khách quê người, cụ càng thương cảm hơn. Từ đó, cụ Lạc thường ngày ngày qua chăm sóc 2 sản phụ và 2 đứa trẻ giúp ông Hiếu có thời gian đi cày thuê cuốc mướn kiếm tiền. Những đứa trẻ được cụ cưng nựng như chính cháu ruột của mình. Ông Hiếu ban đầu tỏ ra ngại ngùng. Nhưng thấy sự nhiệt thành của người đồng hương trong lúc cha con bĩ cực, ông vô cùng cảm kích. Và cũng từ đó, cụ Lạc nhận ông Hiếu làm con nuôi. Danh xưng “mẹ - con” đến tự nhiên một cách thân thiết như người ruột thịt. Trò chuyện với người viết, cụ Lạc chia sẻ: “Tôi là mệ (mẹ) nuôi thằng Hiếu. Tôi coi cha con nó như con cháu trong nhà. Mấy đứa con của tôi đã có gia đình riêng, tuổi già rồi nên được tay bồng tay bế cũng vui. Hiếu nó khổ quá, cũng ngần ấy tuổi rồi mà vẫn phải chạy ngược xuôi vì con cháu. Cũng may, nó bây giờ cũng đã ổn định hơn trước, nhìn chúng nó có cái ăn cái mặc là tui mừng lắm”.

Từ những người dưng xa lạ, họ đã cưu mang, đùm bọc nhau một cách giản dị như thế. Trong túp lều ấy, người ta bỗng thấy xuất hiện thêm một người cụ bà tóc bạc cất tiếng ru hời khi hai đứa trẻ chưa ngoan giấc. Một thời gian sau nữa, dân làng lại thấy túp lều của cha con ông Hiếu bỗng được xây cất nên thành tường nhà xi măng chứ không phải là vách bạt gió lộng như trước. Hỏi ra mới biết, chính cụ Lạc đã dành dụm tiền con cháu phụng dưỡng để giúp con cháu nuôi có một nơi ở đàng hoàng hơn. Giờ đây, sau ba năm kể từ thời điểm khốn khó ấy, họ đã có một cuộc sống yên ổn hơn. Người con gái đầu nhận nghề đan lưới thuê ngay tại nhà để tiện trông con nhỏ, cô em thì đang làm công nhân cho một công ty giày da ở thành phố Bà Rịa. “Cha con, ông cháu tôi có được ngày hôm nay tất cả là nhờ mệ Lạc. Nếu không có mệ, không biết lúc đó tôi phải xoay sở ra sao. Tìm được hơi ấm tình người giữa nơi đất khách quê người quả thực là khó khăn. Tôi thấy mình rất may mắn khi gặp được người tốt như mệ”, ông Hiếu tâm sự.                

Theo Nhật Khôi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot