“Ngước nhìn lại, tôi thấy cuộc đời mình chẳng còn gì ngoài nỗi đau. Từ nhỏ đã phải gánh chịu căn bệnh tim bẩm sinh; gần 40 tuổi mới có một tấm chồng, ai cũng mừng vì nghĩ tôi đã tìm được chỗ dựa, dù ông ấy cũng tàn tật, tối ngày chỉ nằm một chỗ".
Vậy mà cưới nhau chưa đầy 3 tháng, tôi đã bị gia đình chồng hắt hủi, đuổi đánh giữa lúc bụng mang dạ chửa. Niềm hi vọng duy nhất dành cả cho đứa con trai nhưng nó sinh ra được 6 tháng thì cũng bỏ tôi ra đi”, chị Nhuần kể lại cảnh đời đầy bi đát. Với chị, bao biến cố chỉ như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Đi qua hạnh phúc…
Thời thơ ấu, chị Nguyễn Thị Nhuần (SN 1973, trú tại xã Tây Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cũng bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm lên 10 tuổi, những biểu hiện lạ của cơ thể mới bắt đầu xuất hiện. Chị cảm thấy chán ăn, khó thở và thường xuyên mệt mỏi. Gia đình đưa chị đi khám mới biết chị mắc bệnh tim bẩm sinh. Biết căn bệnh hiểm nghèo nhưng vì gia cảnh khó khăn, nỗi lo cơm cháo cho 9 miệng ăn trong gia đình đè nặng, bố mẹ chị đành nuốt nước mắt phó mặc con cho số phận. Cũng từ ngày ấy, chị Nhuần trở nên gầy yếu. Gần 30 năm sống chung với bệnh tật, chiều cao vẫn phát triển bình thường, gương mặt vẫn già đi theo năm tháng nhưng cân nặng của chị vẫn chỉ dừng lại ở con số 26 kg. Cũng vì bệnh tật, những công việc nặng nhọc hàng chị đều phải cậy nhờ cha mẹ và các anh em trong gia đình.
Thời gian dần trôi, những anh em trong gia đình đều lần lượt theo nhau yên bề gia thất. Chỉ có chị Nhuần vẫn ở vậy, bên bố mẹ già, ngày đêm lo rau cháo qua ngày cho ba miệng ăn. Nhắc lại nỗi bất hạnh bản thân, chị nghẹn ngào: “Nhiều lúc nhìn cảnh những người cùng trang lứa có gia đình, con cái đề huề mà thèm được như họ. Tôi đã thầm ước sẽ gặp được một người nào đó, cùng chung cảnh ngộ để đồng cảm, nương tựa vào nhau mà sống. Vậy nhưng…”.
Nỗi đau ập lên cuộc đời chị dài như vô tận. Ảnh TG
Cách đây 4 năm, bố chị Nhuần qua đời sau cơn bạo bệnh. Thương cảnh mẹ già hay ốm yếu, chị Nhuần quyết định ra Bắc tìm việc nuôi sống bản thân và gom góp tiền gửi về phụ thuốc thang cho mẹ già. Sau nữa tháng ròng tìm việc ở Hà Nội, đi đâu xin việc, chị cũng phải nhận lại từ họ những cái lắc đầu. Nhìn qua dáng người gầy gò, ốm yếu, ai cũng sợ chị không có đủ sức khỏe để làm việc. May mắn, chị gặp một người đàn bà tốt bụng. Sau khi biết hoàn cảnh, người đàn bà này đã đồng ý nhận chị vào giúp việc nhà. Công việc hàng ngày của chị chủ yếu là nội trợ, lau dọn nhà cửa. Ngoài ăn uống, sinh hoạt, hàng tháng chị còn được nhận 1 triệu đồng tiền lương để gửi về quê, phụ giúp mẹ già.
Một lần tình cờ đọc chuyên mục Kết bạn trăm năm trên một tờ báo, chị để ý đến lời mời kết bạn của một người đàn ông quê gốc Hà Tây (cũ). Qua lời giới thiệu, chị chỉ biết người đàn ông này tên là Nguyễn Quốc B. (SN 1980) bị tàn tật bẩm sinh. Thông tin chỉ gói gọn như vậy nên chị cũng chẳng hình dung được người đàn ông này như thế nào. Sau khi đọc xong, chị lưu lại số điện thoại với mục đích thỉnh thoảng nhắn tin, nói chuyện cho vơi đi nỗi nhờ nhà. Ngay tối hôm đó, hai người đã đồng ý làm bạn với nhau, chị Nhuần cũng không ngần ngại cho người đàn ông này biết về hoàn cảnh cũng như tình hình sức khỏe hiện tại. Chỉ sau 3 ngày trao đổi, hai người quyết định gặp mặt nhau. Đồng cảm với số phận bất hạnh, chị Nhuần đồng ý cùng anh B. hẹn hò yêu đương rồi nên nghĩa vợ chồng không lâu sau đó.
Tháng 6/2012, người dân khắp xã nghèo miền núi Tây Thành vui mừng khi hay tin chị Nhuần đi lấy chồng. Mặc dù biết chồng chị bị tật bẩm sinh, chân tay teo tóp và còn kém hơn cô dâu đến 7 tuổi, bà con vẫn hết lời chúc mừng. Ở hoàn cảnh của chị Nhuần, dẫu sao có một tấm chồng để sau này nương tựa, san sẻ đã là một hạnh phúc. Đám cưới đơn sơ được tổ chức tại họ nhà trai diễn ra nhanh chóng. Nhìn chị Nhuần khoác lên mình chiếc áo cô dâu, ai cũng nghĩ, cuộc đời chị từ đây đã bước sang một trang mới.
Nào ngờ, lấy chồng chưa được bao lâu thì người dân vùng quê nghèo lại bất ngờ thấy chị Nhuần mặt mũi bơ phờ, mang bụng bầu khăn gói về nhà mẹ đẻ. Thì ra sau khi cưới, công việc hàng ngày của chị Nhuần không chỉ là chăm sóc cho người chồng tàn tật mà còn phải phục vụ cho 7 miệng ăn trong gia đình chồng. Khi chị mang thai vừa được 2 tháng, phần vì bệnh tật đau yếu, phần vì ốm nghén không ăn uống, chị không còn sức làm việc. Gia đình nhà chồng đã có những đối xử không tốt với chị. Sau đúng 98 ngày tủi nhục, chị lặng lẽ bỏ về quê để nương tựa vào người mẹ đẻ già yếu.
Những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi của chị Nhuần. Ảnh TG
… Thấm thía nỗi đau
Bất hạnh chồng lên bất hạnh, đứa con trong bụng còn chưa kịp cất tiếng khóc chào đời thì chị Nhuần mất mẹ. Cũng từ đây, chị sống thui thủi một mình trong căn nhà tình thương được Nhà nước trao tặng. Trước đây khi phát hiện có thai, bác sĩ đã khuyên chị không nên giữ lại vì căn bệnh tim, sức khỏe lại quá yếu. Nếu giữ lại đứa bé sẽ nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con. Vì khao khát được làm mẹ bấy lâu, chị Nhuần bất chấp lời khuyên của bác sĩ, ngày đêm mong chờ con cất tiếng khóc chào đời. Đầu tháng 3/2013, sau một cơn đau bụng dữ dội, chị Nhuần được bà con lối xóm tức tốc đưa đi bệnh viện. Tại đây, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành đã đề nghị chuyển chị lên bệnh viện viện tuyến trên để theo dõi, chờ ngày sinh nở. Đến ngày sinh, vì lý do sức khỏe, các bác sĩ đã quyết định mổ để đảm bảo tính mạng cho cả hai mẹ con. Một bé trai kháu khỉnh, nặng 2,6 kg chào đời. Chị vui sướng đặt tên con là Nguyễn Duy Anh. Sau quá nhiều bất hạnh, buồn tủi, niềm hi vọng duy nhất chị Nhuần đặt trọn cho đứa con trai. Đứa bé là niềm vui, niềm an ủi đối với chị.
Tưởng chừng như nỗi đau đã dừng lại ở đó, nào ngờ, đứa con duy nhất của chị đang khỏe mạnh đột nhiên lên cơn co giật, khó thở. Sợ có chuyện chẳng lành, chị vội ôm con đi bệnh viện. Tại đây, tai chị như ù đi khi nghe bác sĩ kết luận Duy Anh bị bệnh tim bẩm sinh và đang trong tình trạng nguy kịch. Chị Nhuần quyết định cầm cố căn nhà tình thương Nhà nước trao tặng, mong giúp con níu kéo hy vọng sống sót.
Đau đớn thay, dù có cố gắng chữa trị đến đâu, dù chị có ngày đêm nguyện cầu, hi vọng, đứa bé cũng chỉ sống bên chị được 6 tháng thì ra đi. Ngày con mất, niềm hi vọng cuối cùng bị dập tắt, chị Nhuần như người mất hồn, ngày đêm cầm di ảnh gào khóc: “Tôi đã mong có một ngày được nghe con gọi hai tiếng “mẹ ơi”. Vậy mà, mới ở bên cạnh được vài tháng, nó đã vội bỏ tôi ra đi. Con tôi có tội tình gì cơ chứ. Vậy mà từ lúc chào đời đến khi ra đi, nó chưa một lần được gặp mặt bố, cũng chưa một lần được bố quan tâm, hỏi thăm, dù chỉ là một cuộc điện thoại. Đời tôi đã bất hạnh, tôi chỉ có mình nó là niềm hi vọng duy nhất để cố gắng sống. Vậy mà ông trời cũng bắt nó đi. Giờ còn một mình, tôi biết sống sao đây.”
Nhắc đến cuộc đời bất hạnh của chị Nhuần, bà Nguyễn Thị Tám(Cán bộ Hội Phụ nữ xã Tây Thành) lắc đầu thở dài: “Từ ngày con mất, Nhuần thường lặng lẽ ngồi trước bàn thờ con. Nhuần sống thui thủi một mình, lại bệnh nặng nên chẳng làm được gì cả. Không biết rồi nay mai, nỗi đau trong lòng có nguôi ngoai hay không, số phận có đồng cảm với Nhuần hay không. Nhưng hiện tại, nhìn Nhuần ai cũng thương cảm. Bên Hội phụ nữ xã cũng đã lên kế hoạch thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ”.
Lá lành đùm lá rách Từ khi con mất, nỗi đau nối tiếp nỗi đau như vắt kiệt sức lực, tâm can người phụ nữ vốn đã ốm yếu. Giờ đây, trong căn nhà hai gian nằm trơ trọi giữa cánh đồng, chỉ một mình chị Nhuần thui thủi. May mắn, chị được bà con hàng xóm thương cảm với nỗi đau, thỉnh thoảng lại cho chị cân gạo, bó rau, con cá. Lúc rảnh rỗi, họ lại qua nhà nói chuyện với chị cho khuây khỏa nỗi đau. Những lúc chị Nhuần đau ốm, nằm liệt giường, mọi chi phí thuốc thang, cơm cháo cũng do chính người dân nơi đây quyên góp. |