Nhiều năm qua, mọi người đã quá quen với người phụ nữ sửa xe máy ở góc ngã tư Lê Văn Sỹ - Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận (TP HCM). Nhưng, ít ai biết được, bà có một tấm lòng tử hiếm có.
Người phụ nữ làm nghề đàn ông
Kết hôn chưa lâu, năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, bà Phạm Thúy Hằng tiễn chồng là Đỗ Chí Cường, lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Đơn vị chồng bà nhận nhiệm vụ tiến sâu vào Campuchia để tiêu diệt Pôn – Pốt nhằm thực hiện nghĩa cử cao đẹp đối với nước bạn. Cũng là lần cuối cùng vợ chồng đoàn tụ.
Những tháng ngày không có chồng bên cạnh, bà Hằng một mình vượt cạn. Bà hạ sinh cô con gái Đỗ Phạm Thu Nga. Một mình nuôi con nhỏ và cha mẹ già, bà phải làm đủ thứ nghề, từ công việc giặt mướn, rửa chén hay đi phụ hồ. “Những khó khăn, gian khổ đó, nguồn sức mạnh để tôi vượt qua là nuôi con thật tốt và chờ chồng trở về”, bà Hằng cho biết.
20 năm qua, bà Hằng sửa xe ở góc ngã tư.
Trước đây, thỉnh thoảng, bà vẫn nhận được tin tức chồng. Nhưng, từ 1982, thông tin về người chung chăn gối bặt tăm. Chiến tranh, loạn ly luôn ẩn chứa đầy chết chóc bi thương. Bà lo lắng cho chồng nên quyết định khăn gói đi tìm bằng những chuyến đi buôn sang đất nước bạn. Những chuyến buôn nối dài nhưng bà vẫn không tìm được bất kì thông tin gì về chồng.
Ngày chiến tranh kết thúc, những người đi chiến trận lần lượt trở về. Mỗi tối, bà lại trước ngõ ngóng chồng nhưng vô vọng. Một hôm, bà nhận được hung tin, ông đã hy sinh. Người phụ nữ khóc miết. “Con và cha mẹ chính là động lực, là chỗ dựa để tôi bấu víu mà sống”, bà nói.
Đứng dậy sau nỗi đau quá lớn, bà quyết định học nghề sửa xe. Đây là công việc dành cho nam giới. Nhưng, đối với bà, phải cố gắng để kiếm tiền nuôi con và cha mẹ chồng già yếu. Bà cho rằng, bất kì công việc gì, ai cũng có thể làm được, trừ khi việc đó là trái pháp luật.
Từ đó, sáng sáng, bà mang bơm xe, ra ngã tư hành nghề. Những đồng bạc lẻ kiếm được, bà dành dụm mưu sinh. Thời gian trôi qua, người dân dần quen với bóng dáng một người phụ nữ cặm cụi ở vỉa hè từ sáng đến tối mịt.
Cạnh chỗ sửa xe của bà có một cựu chiến binh chạy xe ôm. Mỗi khi rảnh rỗi, họ lại trò chuyện. Bà kể về người chồng đã mất. Ông kể về những tháng ngày ở chiến trận. Cứ thế, họ cảm nhau từ lúc nào không hay.
Ngày ông ngỏ ý: “Bà về sống cùng tôi để chia sẻ lúc về già”. Bà nghĩ suy nhiều. Con gái biết chuyện, thấu hiểu nỗi khổ của mẹ nên động viên. Có động lực từ người thân, bà chấp nhận gợi ý của ông. Cuộc hôn nhân muộn màng vẫn mang lại cho bà lắm hạnh phúc. Bà hạ sinh cho ông một cậu con trai kháu khỉnh.
Bình trà đá miễn phí và tấm lòng nhân hậu
Bao nhiêu năm qua, bà vẫn ngồi ở góc ngã tư. Hàng ngày, bà thấy nhiều lao động nghèo đi giữa trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại mà không có tiền mua nước uống. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà bỏ tiền túi mua bình và nước, để cho người đi đường lỡ khát thì uống. Sợ nước máy không đủ vệ sinh, buổi tối, bà đun sôi, đến sáng lại mang nước ra góc ngã tư pha trà, thêm đá.
Thấu hiểu, được tấm lòng của bà Hằng, nhiều người dân ở gần nhà thờ, cạnh nơi đặt bình nước miễn phí, chung tay góp ít tiền, mua cái bình inox mới giữ lạnh lâu hơn. Ngày nối tiếp ngày, người thợ sửa xe lại lo nước, trà và đá lạnh bỏ vào thùng. Tối đến, bà mang bình về nhà giữ để ngày mai tiếp tục.
Dù gãy chân, hàng ngày, bà Hằng vẫn mưu sinh
Chị Nguyễn Thị Hồng (43 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Từ ngày, cô Hằng đặt bình nước trà miễn phí ở chỗ này. Người lao động chúng tôi, đỡ đi phần nào mệt nhọc, vì lúc nào cũng có bình trà đá, mát lạnh đặt sẵn nơi đây ai khát thì đến uống. Chúng tôi tiết kiệm một số tiền mua nước”.
Bình trà đá miễn phí lúc nào cũng đầy nước, uống một ngụm mát cả ruột gan bao người lao động cực khổ khi qua đây. Việc làm tuy nhỏ bé nhưng rất cao quý của bà Hằng, bình dị nhưng chan chứa, tình cảm của những người lao động với nhau.
Trong cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng, bà di chuyển một cách khó nhọc. Dường như hiểu được thắc mắc của người đối diện, bà cho hay: “Cách đây không lâu, tôi bị té nên gãy chân. Nhưng, vì mưu sinh, vì thùng trà đá tôi vẫn ra đây ngồi. Vả lại, ở đây lâu quen rồi, giờ ở nhà lại nhớ và không chịu nỗi”.
“Thấy học sinh đi xe đạp trên đường không may bị xì lốp, bà Hằng mang vào vá mà không lấy một đồng nào. Nhiều lần trông thấy bọn cướp chạy qua, bà Hằng thường tri hô để người đi đường cùng bắt. Gặp nhiều người đi đường để túi xách trên xe hớ hên, bà hay nhắc nhở mọi người cẩn thận coi chừng bị cướp”, một người dân gần nơi bà Hằng sửa xe chia sẻ. |