Hơn 40 năm đi bốc mộ, bà Bình đã gặp nhiều cảnh rợn người mà chỉ cần nghe lời kể lại của bà cũng cảm thấy rùng mình.
"Làm vì tâm, nếu tơ hào vàng bạc thì giàu to nhưng sau này có khi mang họa"
Bà Trần Thị Bình (ở Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) năm nay đã 66 tuổi, dù mái tóc đã lốm đốm bạc nhưng giọng nói vẫn hào sảng và rất linh hoạt trong mọi công việc, sinh hoạt hàng ngày.
Từ khi còn là một đứa trẻ cho đến tận bây giờ, nghề chính của bà Bình là đánh cá ở sông Hồng. Bà cho biết, hàng đêm bà vẫn cùng đoàn chài lưới đi dọc sông đánh cá, đến sáng về thì lại mang sản phẩm ra chợ để bán, sau đó mới về nhà ngủ.
Ngoài đánh cá, bà Bình còn được nhiều người dân trong vùng biết đến với công việc bốc mộ cho những người đã khuất. Bà cũng chẳng nhớ lần đầu bà làm công việc bốc xương người chết là từ khi nào, chỉ biết rằng lúc đó bà chưa có chồng và còn rất trẻ.
Bà Bình chẳng còn nhớ cái mộ đầu tiên mình bốc từ khi nào.
“Bố tôi cũng làm nghề chài lưới và bốc mộ. Từ nhỏ tôi theo bố và cũng chính bố là người dạy tôi làm công việc này. Nếu nhớ không nhầm thì cũng phải hơn 40 năm tôi làm công việc này rồi”, bà Bình nói.
Trước đây, khu vực dốc Chèm nơi bà ở hoang vắng chứ không tấp nập như bây giờ. Khi đó có người chết trôi sông là bà ra vớt rồi an táng họ, sau này cũng chính bà là người chuyển xương cốt của họ vào một ngôi mộ tập thể ở phía trong con đê.
Không chỉ có vậy, bà còn làm phúc đi bốc mộ cho nhiều gia đình ở dọc sông Hồng đoạn chảy qua địa phận Hà Nội. Thậm chí, có những người ở xa khi nghe tiếng bà bốc mộ giỏi, làm có tâm cũng đến đón bà đi làm.
Làm công việc bốc mộ trước hết phải xuất phát từ cái tâm.
Trong suốt quá trình làm nghề của mình, bà Bình đã gặp nhiều cảnh tượng khó tin mà nếu nổi lòng tham thì bà đã có thể trở thành một đại gia nơi dốc Chèm. Đó là câu chuyện cách đây hàng chục năm về trước, khi bốc một cho một người phụ nữ, bà phát hiện thấy có nhiều vàng bạc được chôn theo, dù trước đó người thân không hề biết việc này.
“Nếu tôi tham lấy chỗ vàng đó cũng không ai biết, số vàng đó bán đi có thể đủ mua vài cái nhà mặt phố chứ chẳng đùa. Nhưng đây là của tâm linh, tôi làm phúc nên chẳng tơ hào, biết đâu lấy được thì giàu lúc đó, nhưng lại họa về sau”, bà Bình kể.
Ngoài câu chuyện trên, bà Bình nhiều lần còn gặp phải những ngôi mộ “khó nhằn” nhưng khi đã mở nắp áo quan thì phải làm cho bằng được. Đó là ngôi mộ bà bốc cách đây khoảng gần 30 năm trước, khi đào lên vẫn chưa tiêu hết thịt, bà phải róc để lấy từng mẩu xương. Lúc đó, ngay cả người thân cũng không dám đứng gần.
Việc bốc mộ đa phần làm khi trời tối hoặc lúc rạng sáng.
Giờ đây khi đã gần 70 tuổi, bà Bình dần chuyển giao kinh nghiệm và công việc cho những “học trò” của mình, chỉ những ca khó bà mới ra tay xử lý. Bà cho rằng, ai rồi cũng đến lúc già và phải hướng dẫn lại cho những người trẻ làm, nếu ai cũng sợ không làm sau này dân biết nhờ ai.
"Hỏa táng là văn hóa, mọi người nên làm"
Dịp cuối năm, ông Hoàng Trọng Đạt (55 tuổi, ở Phú Thọ) phải gác lại nhiều công việc của gia đình vì những người mời ông đi bốc mộ rất nhiều. Mỗi mùa bốc mộ (dịp cuối năm) ông Đạt bốc đến cả chục ngôi mộ, có những người ở cách xa nhà ông vài chục cây số, nhưng khi nhận được lời mời ông chẳng nỡ từ chối.
Dáng người nhỏ thó, ông Đạt chuẩn bị những dụng cụ cơ bản để thực hiện công việc của mình. Đó là những chiếc ủng, gang tay, khẩu trang, móc sắt, dây thừng… Ông cho biết, đây là vật bất ly thân mà bất cứ khi nào làm nghề cũng phải mang theo.
Ông Đạt đang chuẩn bị những dụng cụ cho một lần đi bốc mộ.
Theo chia sẻ của ông Đạt, bây giờ số lượng mộ ông bốc đã ít đi nhiều so với khoảng 10 năm về trước vì bây giờ nhiều người hỏa táng khi người thân qua đời. Ông cho biết, hỏa táng là xu thế của thời đại và là nét văn hóa, cũng như tiết kiệm được nhiều tiền bạc cho gia đình và xã hội.
“Nếu hỏa táng sẽ chỉ phải làm 1 lần là xong, nhưng hung táng thì nhấc lên đặt xuống nhiều lần rất tốn kém, đó là chưa kể còn tốn tài nguyên đất của nhà nước”, ông Đạt nói.
Gần 30 năm làm nghề bốc mộ, ông Đạt gặp khá nhiều câu chuyện vui buồn. Đó là chuyện bốc mộ ở khu vực gần bờ nước, ông bắt được rất nhiều ca trê. Hay câu chuyện có gia đình vì kiêng khem quá kỹ mà khi bốc mộ, xếp xương chẳng có ai ở gần, chỉ có ông và một người đồng nghiệp lọ mọ làm.
Ông Đạt bắt đầu đi bốc mộ từ lúc trời còn nắng, đến đêm khuya mới về tới nhà.
Biết tiếng ông làm nghề bốc mộ, đã có không ít người đến xin ông học nghề nhưng ông đều từ chối và khuyên mọi người nên đi tìm nghề khác. Bởi làm được nghề này ngoài sự bạo dạn thì phải có duyên, hơn nữa cũng rất có hại cho sức khỏe vì phải thức khuya và mùi xú uế của tử thi không có lợi cho sức khỏe.
“Theo ý kiến của tôi, bây giờ các gia đình nếu có người không may qua đời thì nên đi hỏa táng. Đó là việc nên làm trong xã hội hiện đại này”, ông Đạt nói.