Đó là nhận định của TS Nguyễn Thanh Phong tại Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm chức năng, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Một nửa doanh nghiệp sẽ rời cuộc chơi
Theo TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), trong thời gian tới nếu việc áp dụng GMP đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, thì số doanh nghiệp tồn tại được chỉ 50/50, tức khoảng một nửa doanh nghiệp chân chính đầu tư bài bản mới tồn tại được trên thị trường.
“Chúng ta không thể đánh đồng cơ sở đầu tư hàng chục tỷ đồng sản xuất thực phẩm chức năng với cơ sở bỏ ra vài trăm triệu đồng. Chắc chắn nếu cùng sản xuất một mặt hàng, điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn không thể bằng doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng với trang thiết bị, công nghệ và quy trình hiện đại. Ngoài vấn đề chất lượng, nếu tình trạng trên kéo dài sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh”, TS Phong thông tin.
TS Nguyễn Thanh Phong thông tin tại Hội thảo.
Để làm được điều đó thì vấn đề đặt ra lúc này là phải nhanh chóng hoàn thiện các hệ thống văn bản, trong đó đầu tiên là các tiêu chuẩn GMP, qua đó sẽ góp phần đưa ra tiêu chuẩn trong sản xuất thực phẩm chức năng, tránh tình trạng chỗ nào cũng sản xuất thực phẩm chức năng, doanh nghiệp nào sản xuất thực phẩm chức năng.
“Nếu không có một chế tài quản lý tốt, đặc biệt là quản lý điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng sẽ gây ra hậu quả: Thứ nhất người tiêu dùng quay lưng tẩy chay; Thứ hai doanh nghiệp làm ăn chân chính chịu thiệt. Vì thế, việc áp dụng GMP không chỉ đưa ra tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm chức năng đảm bảo tính hiệu quả, mà còn góp phần siết chặt quản lý nhập khẩu thực phẩm chức năng”, TS Phong cho biết.
Cuối cùng, TS Phong thông tin: “Sau khi giới thiệu tài liệu GMP thực phẩm chức năng và xin ý kiến các bộ ban ngành, doanh nghiệp và địa phương, Ban soạn thảo sẽ giới thiệu tài liệu hướng dẫn thực phẩm chức năng. Nếu được sau khi tham khảo sẽ cố gắng áp dụng năm 2018”.
Siết chặt sẽ là tạo được cơ hội phát triển
Đó là nhận định của PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam. Theo PGS Đáng, Hiệp hội TPCN Việt Nam rất hoan nghênh động thái xiết chặt quản lý TPCN của Cục ATTP. Vì, đây là cơ hội để ngành kinh tế y tế này phát triển theo định hướng thực chất và bền vững.
Đồng thời, ông Đáng cho biết thêm, trước đó Hiệp hội từng kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất TPCN thực hiện lộ trình GMP-HS giai đoạn 2015-2020. Để chuẩn bị cho lộ trình này, năm 2010, Hiệp hội đã giao Viện Thực phẩm chức năng nhiệm vụ triển khai đánh giá GMP - TPCN cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng.
PGS.TS Trần Đáng mong muốn GMP - TPCN nhanh chóng được triển khai.
“Từ năm 2014, Công ty TNHH MTV Chứng nhận Chất lượng AsiaCert (thuộc Viện Thực phẩm chức năng) có chức năng đánh giá, chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất thực phẩm chức năng” cho các Nhà máy, tổ chức đánh giá hiệu quả sản phẩm TPCN… Đến thời điểm này, Công ty AsiaCert đã đánh giá, chứng nhận GMP TPCN cho 04 Nhà máy theo tiêu chuẩn “GMP - TPCN” của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam và của hòa hợp ASEAN. Đồng thời, triển khai đánh giá hiệu quả 07 sản phẩm TPCN cho các doanh nghiệp”, PGS Đáng thông tin.
Cuối cùng, khi bàn về việc áp dụng GMP đối với TPCN, các doanh nghiệp tham gia Hội thảo đều chung quan điểm, việc áp dụng thực hành sản xuất tốt TPCN sẽ tạo ra các sản phẩm TPCN có chất lượng, an toàn và hiệu quả, đây sẽ là cơ sở cho sự phát triển bền vững không chỉ với doanh nghiệp mà còn cho cả ngành TPCN của Việt Nam, hướng tới mục tiêu cuối cùng là vì sức khỏe của cộng đồng.
Đồng thời, đây còn là biện pháp sàng lọc loại bỏ các cơ sở sản xuất TPCN không đủ điều kiện, sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường Thực phẩm chức năng thành một ngành kinh tế - y tế vững mạnh.
Không những thế, việc áp dụng GMP với TPCN còn đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, bởi họ không chỉ được sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng, hiệu quả mà còn tăng nhận thức về vệ sinh cơ bản, tăng tin cậy vào cung cấp thực phẩm của doanh nghiệp và Nhà nước, cải thiện chất lượng cuộc sống.