ĐBQH cho biết, trong khi chúng ta dùng các biện pháp hành chính để “siết” dân nhập cư vào nội đô thì việc quản lý lao động di dân khá lỏng lẻo.
Hôm qua, thảo luận về Luật Cư trú, nhiều đại biểu đã nêu bất cập của Dự án Luật Cư trú sửa đổi.
ĐBQH cho biết, trong khi chúng ta dùng các biện pháp hành chính để “siết” dân nhập cư vào nội đô thì việc quản lý lao động di dân khá lỏng lẻo.
Tại các vũ trường, quán bar, karaoke... sử dụng lao động trẻ em bất hợp pháp, không có hợp đồng lao động, không có đăng ký tạm trú, nhưng rất ít bị xử lý. Theo ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thì chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke lại nhận các trẻ này là con cháu.
Từ bất cập trên dẫn đến tình trạng lạm dụng tình dục, bạo lực trẻ em khá phổ biến. Do vậy, cần sửa luật càng nhanh càng tốt. “Đề nghị bổ sung quy định đối với người dưới 18 tuổi phải có người giám hộ, bảo lãnh và phải chứng minh được quan hệ họ hàng như thế nào khi đăng ký nhân khẩu...” - bà Minh kiến nghị.
Nhiều trẻ em bị bóc lột sức lao động vô cùng thương tâm (Ảnh minh họa)
ĐB Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) cho biết, bất cập của Dự án luật là việc xác định diện tích nhà ở và ai sẽ là người đi xác minh đo diện tích nhà ở để được nhập cư? Nếu thực hiện điều này, sẽ phát sinh khó khăn thậm trí tiêu cực.
Cụ thể, không nên quy định việc xác minh diện tích cư trú cho thuê, mượn, ở nhờ. Việc kiểm tra cư trú của người dân phải do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lo ngại, việc di cư vào các thành phố trực thuộc Trung ương ngày càng tăng, đặc biệt là vào những thời điểm nông nhàn.
Có ĐB cho rằng, việc Luật Cư trú không quy định thu hồi sổ tạm trú nên tạo cho nhiều trường hợp có nhiều sổ tạm trú cũng gây khó khăn cho quản lý.