Liên tiếp những sự cố nghiêm trọng của hàng không Việt Nam trong thời gian gần đây khiến nhiều người lo lắng.
2 máy bay suýt va nhau trên bầu trời Tân Sơn Nhất
Cục hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự cố 2 máy bay suýt đâm nhau trên vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất.
Sự cố này xảy ra vào hôm 29/10 khi chuyến bay HVN 1376 (máy bay Airbus A321) của Vietnam Airlines cất cánh lên thì máy bay quân sự Mi 172/423 rẽ phải và cắt qua hướng cất cánh của máy bay Vietnam Airlines.
Máy bay Vietnam Airlines vừa cất cánh. Ảnh minh hoạ
Cụ thể, lúc 11h41 máy bay HVN 1376 đang ở vị trí chờ đường cất hạ cánh 25L nhận được huấn lệnh cắt qua đường cất hạ cánh 25L, lên đường cất hạ cánh 25R. Khi kiểm soát viên không lưu cấp huấn lệnh cho chuyến bay HVN 1376 được phép cất cánh ở đường cất hạ cánh 25R thì 9 giây sau đó, chỉ huy bay quân sự cũng cấp huấn lệnh cho máy bay trực thăng Mi 172/423 cất cánh...
Liên quan đến sự cố này, tại cuộc họp báo chiều 21/11, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, qua đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy kiểm soát viên không lưu quân sự đã không thực hiện đúng quy trình an toàn, không phối hợp hiệp đồng đúng theo quy trình.
Sân bay Tân Sơn Nhất ngưng trệ vì đài không lưu mất điện
trưa 20/11, nhiều chuyến bay từ quốc tế và trong nước đến Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đều không hạ cánh được vì hệ thống radar mất tín hiệu. Cuối giờ chiều cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vào lúc 11 giờ 5 phút, ngày 20/11/2014 đã xảy ra sự cố mất điện tại khu vực kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất. Sự cố này đã buộc Công ty Quản lý bay miền Nam phải áp dụng kế hoạch ứng phó không lưu.
Đến 12 giờ 25 phút, về cơ bản, sự cố đã được khắc phục và đến 12 giờ 40 phút cùng ngày, hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định, công tác điều hành bay trở lại bình thường.
Máy bay hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh minh họa: Người Lao Động)
“Sự cố này ảnh hưởng trực tiếp đến 3 chuyến bay quốc tế quá cảnh, 7 chuyến bay đi sân bay dự bị, một số chuyến bay phải bay chờ và chậm khởi hành từ Sân bay Tân Sơn Nhất dẫn đến một số chuyến bay bị chậm dây chuyền”, Cục hàng không cho hay.
Trong thời gian xảy ra sự cố, có trên 50 chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay TP. Hồ Chí Minh. Các chuyến bay này đều được theo dõi tại Trung tâm ứng phó của Tổng công ty tại Hà Nội thông qua hệ thống tự động quản lý không lưu của Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội.
Ngay khi xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật đã vào ngay Thành phố Hồ Chí Minh để đánh giá, xác định nguyên nhân nhằm ngăn ngừa các sự cố tương tự.
Máy bay ATR72 của Vietnam Airlines rơi lốp
Ngày 21-10, một chiếc máy bay ATR72 của Vietnam Airlines mang số hiệu VN-B219 khởi hành từ sân bay Cát Bi đi Đà Nẵng đã đáp xuống trong tình trạng rơi 1 trong 2 chiếc lốp ở càng mũi trước mà phi hành đoàn không hề hay biết. Đến ngày 25-10, chiếc lốp bị rơi tìm thấy tại khu vực giáp ranh sân bay Cát Bi nhờ giải mã kết quả từ hộp đen.
Sự cố mất bánh máy bay ATR72 của Vietnam Airlines khiến cả ngành hàng không rúng động. Chưa gây ra hậu quả nào về người và thiệt hại lớn về tài sản, nhưng sự cố này được nhà chức trách liệt vào loại nghiêm trọng, cần phải điều tra sâu.
Nhà sản xuất ATR 72 đánh giá sự cố chỉ gây ảnh hưởng nhỏ về an toàn
Cục Hàng không VN cho biết nguyên nhân dẫn đến sự cố máy bay ATR72 của Vietnam Airlines rơi lốp có thể do sử dụng vật tư, phụ tùng không đúng quy cách hoặc không đảm bảo chất lượng; lỗi chế tạo hoặc vật liệu của trục bánh xe hay vòng bi.
Trực thăng quân sự rơi khi đang bay huấn luyện
Một vụ tai nạn máy bay trực thăng nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Vĩnh Yên, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Cụ thể, lúc 7h53 phút sáng hôm 7/7, chiếc máy bay trực thăng Mi-171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, thuộc Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã gặp sự cố và rơi trong khi đang bay huấn luyện.
Hiện trường vụ máy bay rơi
Sau khi vụ tai nạn máy bay rơi, hàng chục người dân cùng thanh niên của thôn 11 xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất đã chạy ra tham gia cứu nạn. UBND huyện Thạch Thất cũng đã điều động lực lượng tìm kiếm cứu nạn lên hỗ trợ.
Vụ việc khiến 18 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 3 cán bộ, chiến sĩ bị thương nặng và được điều trị tại Viện bỏng quốc gia. Tuy nhiên, 2 trong 3 người sống sót đã qua đời sau đó.