Ngày cưới, anh chị nắm tay nhau mà không cầm được nước mắt. Từ trước đến nay, cả hai đều chưa một lần dám ước mơ sẽ có một đám cưới như thế này.
Anh Nguyễn Văn Lượng (SN 1991, tỉnh Đồng Tháp) sinh ra trong gia đình có 5 anh em. Điều đáng nói, ngoài Lượng, còn có hai người khác cùng bị tuyến yên không phát triển hoặc phát triển ít nên bị lùn. Cha Lượng mất khi các con còn nhỏ. Cuộc sống mưu sinh đổ dồn lên đôi vai người mẹ. Làm lụng suốt ngày đêm, nhọc nhằn lắm bà mới kiếm đủ ngày hai bữa cho đàn con thơ. Do đó, việc học hành trở thành xa xỉ đối với anh em của Lượng.
10 tuổi, Lượng theo chân người quen vào TP HCM với hy vọng xin việc làm có thể tự nuôi sống mình. Cậu bé tí hon, đến đâu cũng đều bị từ chối. Một người cùng quê thấy hoàn cảnh của anh quá đáng thương nên bảo lãnh làm thuê tại một quán ăn ở bến xe Miền Tây. Làm việc được hơn một tháng, do không chịu được công việc quá sức, anh đành quay trở về quê.
Chuyện tình của cặp đôi tí hon đã có hồi kết đẹp
Ở nhà, thấy mẹ lưng còng, gầy guộc vẫn phải mưu sinh, Lượng xót xa. Suy đi, tính lại và được nhiều người mách nước, một lần nữa, anh vào Sài Gòn. Lần này, anh chọn bán vé số làm nghề mưu sinh. “Đây là nghề không kén chọn người. Chỉ cần ai siêng năng là có thể làm được”, anh chia sẻ. Số tiền kiếm được không chỉ nuôi đủ bản thân, hàng tháng, anh còn tích cóp gửi về nhà cho mẹ.
Những ngày lang bạt thành phố, Lượng gặp gỡ một cô gái lành lặn, bình thường. Hai người nảy sinh tình cảm nam nữ. Cô dẫn Lượng về nhà. Anh bất ngờ khi gia đình cô làm nghề kinh doanh khá giả, lại không phản đối cuộc tình đũa lệch của con gái. Gia đình ấy yêu thương anh như chính con trai.
Lượng cũng từng nghĩ đến đưa cô gái này về ra mắt gia đình. Tuy nhiên, nhiều đêm trằn trọc, anh thấy, hoàn cảnh của hai gia đình quá khác nhau, liệu rằng tương lai có được hạnh phúc? Sau cùng, anh quyết định chia tay.
Một chiều đi bán về gần khu vực cầu An Sương (quận 12, TP HCM), Lượng thấy cô gái có hình dáng giống mình bước thật vội để tránh ánh nắng. Anh vội đuổi theo hỏi nhẹ: “Ở đâu? Có cần tôi đèo về giúp không?”. Người con gái từ chối, nhưng khi chị quay lại, đã bất ngờ khi trước mặt cũng là một người lùn như mình, từ đó họ quen nhau.
Người con gái ấy là Nguyễn Thị Thu Đào (SN 1992, tỉnh Bình Định). Ngay từ khi lọt lòng, tuyến yên của chị cũng phát triển ít nên “không chịu lớn”. May mắn hơn Lượng, chị được gia đình cho ăn học đàng hoàng. Tốt nghiệp phổ thông nhưng chị không vượt qua được kỳ thi đại học. Thất bại đầu đời khiến bao suy tính của người con gái mới lớn đổ vỡ.
Mẹ khuyên chị nên ôn luyện để sang năm thi lại. Qúa hụt hẫng, chị chỉ chôn chân trong bốn bức tường và không thi lại. Một năm sau, chị nghĩ không thể cứ ở mãi trong xó nhà, như thế chẳng khác gì đạp đổ cuộc sống của chính mình. Chị xin mẹ được lên TP HCM với lời hứa: “Con sẽ tự nuôi sống được bản thân, không phải trở thành gánh nặng của người thân”.
Chị xin vào làm công nhân trong một khu công nghiệp. Sức lực yếu, chị tự đào thải sau hai tháng. Trong lúc khó khăn vì không còn túi sạch tiền, chị chấp nhận đi bán vé số. Những ngày đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ, chị ngại ngùng khi mời chào. Sau đó, chị nhận thấy: “Đây là công việc phù hợp với mình. Vả lại, kiếm tiền bằng chính công sức của mình thì không có gì phải ngại ngùng”. Với ý nghĩ này, chị tự tin hơn, không còn dị dột khi mời chào khách mua vé số.
Sau lần gặp gỡ đầu tiên, anh Lượng thường xuyên nhắn tin, gọi điện trò chuyện với chị Đào. Chiều chiều, anh lại “tháp tùng” chị từ quận 1 về quận 12. Con đường dài trở nên ngắn lại nhờ những câu chuyện không đầu không cuối.
Tình yêu của anh Lượng và chị Đào bị cả hai gia đình ngăn cản. Mẹ anh Lượng không muốn, con trai kết hôn với một người phụ nữ sẽ trở thành gánh nặng cho con trai trong tương lai. Gia đình chị Đào lại không muốn con gái gắn kết với một người cùng hoàn cảnh.
Chị Đào buồn bã, suy sụp nhiều, lắm khi, có ý định chia tay. Trong khi đó, anh Lượng lại có sự trải đời hơn. Anh thường xuyên động viên chị không nên quá buồn bã mà hành động dại dột. Bất kể ra sao, cả hai cũng phải bảo vệ tình cảm của mình. Sau một năm thuyết phục, gia đình anh chấp nhận mối tình này. Đồng thời, gia đình chị cũng không còn ngăn cấm kịch liệt như trước.
Anh Lượng sinh hoạt trong trung tâm thể thao quận Tân Bình, tình cờ biết Hội từ thiện nghề nghiệp tại TP HCM có kế hoạch tổ chức lễ cưới cho 40 cặp đôi khuyết tật. Anh bàn tính với chị rồi đăng ký. Anh chị thông báo về cho cả hai gia đình. Thế nhưng, ngày cưới, do hoàn cảnh quá khó khăn, bố mẹ cả hai bên đều không đến được.
Nụ cười hạnh phúc, mãn nguyện của anh chị Lương - Đào
Hôm cưới, anh chị nắm tay nhau, nước mắt dàn dụa vì hạnh phúc. “Từ khi còn nhỏ, tôi luôn nhận lấy sự thương hại của mọi người. Tôi chưa một lần dám nghĩ đến có một mái ấm hạnh phúc. Thế nhưng, gặp anh Lượng, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi”, chị Đào chia sẻ.
Chị Đào vẫn còn băn khoăn về chuyện con cái. Bởi, chị sợ, con sinh ra, lỡ bị lùn như bố mẹ thì biết phải làm sao? Trong khi đó, anh Lượng lại có suy nghĩ khác: “Tôi hy vọng vợ sẽ sinh một đứa con, trai cũng tốt mà gái cũng hay. Con sinh ra, có bị lùn cũng chẳng sao. Người lùn vẫn có thể sống tốt, cống hiến tốt cho xã hội này mà”.