Đi qua khu Đồng Vòng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) khoảng 200m, chúng tôi bỗng ngộp thở bởi mùi xú uế.
Cùng lúc đó, khu tập kết rác đập vào mắt chúng tôi với hình ảnh hai người phụ nữ đang miệt mài bới rác lo cho cuộc mưu sinh của mình.
Dẫm phải kim tiêm, sắt nhọn là chuyện thường
Chúng tôi bắt chuyện với chị Phạm Thị Mây (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng) đang tìm kiếm những gì có thể thành tiền được từ bãi rác. Chị Mây tâm sự: “Chồng tôi bị liệt nửa người, đau yếu quanh năm. Một mình tôi phải nuôi 2 đứa con (một lên 7, một lên 3) nên ngoài thời gian làm đồng là tôi lại có mặt ở bãi rác để tìm phế liệu mang đi bán. Sau khi nhặt được phải phân loại nhựa, bao ni lon, sắt, đồng… Mỗi loại bỏ vào một bao, gom được nhiều thì chở đi bán. Chăm chỉ bới một ngày cũng kiếm được 30.000- 50.000 đồng, ngày nào trúng đậm thì được cả trăm nghìn đồng. Biết là hôi hám, bẩn thỉu, bệnh tật nhưng bỏ thì chẳng biết làm thêm gì để kiếm sống”.
Theo chị Phượng, muốn có thu nhập từ gom phế liệu không thể chỉ trông chờ vào bãi rác này mà phải đi đến nhiều các bãi rác khác trên Hà Nội để tìm kiếm. Ở quanh đây, không phải có mình chị bới rác tìm phế liệu mà có thêm 3 phụ nữ nữa cũng làm việc này nên ai nhanh tay, đi sớm thì kiếm được nhiều.
“Bới rác kiếm được cơm cho chồng con nên tôi cũng nghiện, rảnh việc đồng áng là tôi đạp xe nhanh ra các bãi rác ở xã bên, không từ mùa đông hay mùa hè, trời mưa hay nắng. Tôi biết rất rõ giờ đổ rác ở các bãi rác gần đây nên cứ đến giờ đó là có mặt để bới. Càng nhiều rác về càng thích vì mình có nhiều cơ hội kiếm cơm”, chị Mây chia sẻ.
Chị Mây đang cặm cụi tìm phế liệu trong bãi rác ở khu Đồng Vòng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: M.H
Chị Mây cho biết, bạn thân bới rác cùng chị là bà Nguyễn Thị Nhự, hôm nay là một trong những ngày hiếm hoi chị không gặp bà ấy ở bãi rác. “Tôi còn có đồng ruộng chứ như bà ấy không có ruộng nên chuyên tâm cho rác lắm. Chắc bà ấy đi đến các bãi rác ở xã bên hoặc chẳng may bị ốm nên hôm nay mới không có mặt. Chúng tôi cũng biết là trong rác có động vật chết, mảnh chai, kim tiêm, nhiều dịch bệnh… nhưng vì cuộc sống mà phải làm. Nhiều khi dẫm phải kim tiêm, sắt nhọn là chuyện thường nhưng được cái da lành, xoa ít dầu hỏa là khỏi ngay. Giờ mà bỏ việc thì mấy đứa nhỏ không biết lấy gì mà ăn chứ đừng nói đến học hành”, chị Mây tâm sự.
Vừa nói chuyện với chúng tôi, mắt chị Mây sáng lên chỉ tay về phía người phụ nữ khoảng trên 50 tuổi dáng người nhỏ thó, thân hình gày gò, da đen sạm đang đạp xe trên đê: “Bà Nhự đấy, thiêng thế không biết, vừa nhắc đã có mặt”. Nhưng người phụ nữ đó không dừng lại ở bãi rác mà vừa đạp xe vừa nói với chị Mây: “Khách nào mà tiếp ở bãi rác thế? Chị lên Sơn Tây đây, sắp đến giờ đổ rồi, em có đi không?”. Nhìn với theo bà Nhự, chị Mây nói: “Bà ấy gày gò nhưng nhanh nhẹn lắm, mò bới suốt ngày chẳng mấy khi kêu nhọc mệt đâu. Bây giờ mà lên Sơn Tây thì phải 8-9h tối mới về đến nhà, tôi không đi được tiếc lắm vì phải về lo cơm nước cho chồng con nữa”.
Ước mơ nhỏ nhoi của người sống nhờ rác
“Người ta ước cao sang, còn tôi chỉ ước có nhiều phế liệu trong rác để bới”, chị Mây thổ lộ. Trả lời câu hỏi đã bao giờ chị nghĩ có ngày mình sẽ đổi nghề làm thêm khác để kiếm sống không? chị Mây buồn rầu: “Trước đây, tôi cũng đã làm nhiều việc rồi, đi rửa bát thuê, bưng bê cho các quán nhậu. Làm những việc đó tiền chẳng được là bao, lại xa chồng con nên đi không yên tâm. Cũng có đợt tôi đi bế con cho nhà người ta nhưng nghĩ xót xa lắm. Con mình còn bé cũng cần được chăm ẵm lại bỏ bê ở nhà cho mẹ già để đi nâng niu con nhà khác. Thương con không chịu được tôi đành về. Đến giờ cũng muốn được làm nghề gì đó sạch sẽ hơn nhưng hiện tại chưa nghĩ ra làm nghề gì cả, vì vốn liếng mình không có”.
Xong câu chuyện với chúng tôi, chị Mây vác trên vai chiếc cào sắt, tay cầm bao nilon to thẳng tiến về phía bãi rác. Chốc chốc, chị lại cúi người xuống nhặt chai nhựa, bao nilon, đôi giày, dép nhựa đứt... cho vào bao. Phía bên kia bãi rác cũng có một phụ nữ nữa đang miệt mài với công việc của mình. Nhưng người phụ nữ đó dường như không muốn tiếp chuyện với chúng tôi, có thể chị mặc cảm với chính mình hoặc không muốn trò chuyện với người đi đường làm giảm năng suất công việc.
Nhìn những người phụ nữ, cụm cụi tảo tần bên đống rác nồng nặc mùi hôi thối, nhặt đồ phế liệu đến đâu thì ruồi muỗi bay đến đó như một đàn ong vừa vỡ tổ, khiến chúng tôi cảm thấy bùi ngùi. Những mảnh đời sống trên rác kia không dám ước cao, mơ sang để rồi trút thêm buồn khổ vì phận nhỏ nhoi của họ không bao giờ với tới.
Mơ ước của chị Mây là dành dụm cho mình được một khoản tiền nho nhỏ để chuyển sang nghề khác làm ăn. Nhưng niềm mong ước ấy không biết đến bao giờ mới trở thành sự thật, khi mà việc kiếm cơm từ rác, quần quật đào bới cả ngày cũng chỉ đủ để chị lo cơm gạo cho chồng, cho con sống một cách xoàng xĩnh, qua ngày đoạn tháng.
Chị Mây cười buồn: “Ai cũng có ước mơ nhưng những người bới rác như chúng tôi, ước mong nhỏ lắm. Chị Nhự nhiều lúc ngồi tán chuyện chỉ ước mơ là nhà hàng, khách sạn, quán nhậu xả ve chai, phế liệu không có ai nhặt mà để chúng tôi nhặt, dành dụm ít tiền để già, đau ốm còn có chỗ “nhìn” vào. Chị Minh thì ước vui là ngày nào đó bới rác, bới được ít tiền “tươi”…”. |