Để kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, những người phụ nữ ở huyện Bình Chánh, TP.HCM làm nghề nhặt rau nhút (rau rút) thuê. Công việc kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác như một sợi dây định mệnh không thể tách rời trong cái khốn khó cạnh chốn phồn hoa.
Nằm sâu trong một con hẻm thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. HCM, làng nhặt rau nhút thuê đã hình thành cách đây hơn 10 năm. Đa phần, người tham gia công việc này chỉ là phụ nữ luống tuổi và thuộc thành phần có kinh tế gia đình khó khăn, thu nhập rất thấp.
Công việc hằng ngày của những người phụ nữ bị xoay vòng hệt như một cái kim trong chiếc đồng hồ cũ kỹ. Họ thức dậy từ lúc sáng sớm và đi ngủ vào lúc trời đã tối mịt.
Sau miếng ăn lót dạ có thể chỉ là cơm nguội, tô mì gói, tiếng xe ì ạch nổ giòn ton như thúc giục công việc ngày mới chuẩn bị bắt đầu. Tốp người phụ nữ thay nhau nhận những bó rau nhút từ các tài xế xe tải rồi đem nhặt, rửa sạch, phân loại theo yêu cầu của khách hàng. Và họ thường về nhà vào lúc… tối mịt nhưng không cố định tùy theo số lượng hàng cần làm.
Chị Hương cùng một số phụ nữ đang nhặt rau nhút
“Tôi đã nhặt rau nhút thuê này cách đây 8 năm rồi. Công việc giúp mọi người trong xóm trang trải cuộc sống gia đình. Bình quân mỗi ngày một lao động có thể nhặt sạch từ 20 đến 40kg rau nhút, với giá là 3.000 đồng/kg. Nếu cần mẫn thì cũng làm được tháng khoảng 3 triệu đồng”, chị Hương (35 tuổi, xã Phong Phú, Huyện Bình Chánh) chia sẻ.
Những lao động tại đây rất đa dạng về độ tuổi, từ trung niên cho đến cụ già 80- 90 tuổi. Những đứa trẻ trong gia đình thỉnh thoảng không đi học cũng hay ra nhặt phụ mọi người để kiếm thêm thu nhập và giúp người lớn nhanh về nhà hơn.
Tuy công việc ngồi nhặt rau nhút thuê mỗi ngày không quá khó khăn, vất vả nhưng hằng ngày họ phải tiếp xúc với nước bẩn, nhựa rau nên tay chân ai nấy đều sần sùi, lở loét. Nước bẩn ăn vào tay càng làm cho những đôi tay này trở nên ngứa ngáy, thậm chí là sưng các khớp khiến họ đau nhức không thể làm việc được. Bên cạnh đó, việc ngồi quá lâu làm cho những người phụ nữ hay bị thấp khớp, tê nhức ở các vùng lưng, chân…
Những đống rau nhút to tướng được xe tải bỏ xuống chờ những người phụ nữ mang ra nhặt.
Chị Nhung ( 43 tuổi, xã Phong Phú) cho biết, làm mấy ngày đầu thì không sao. Dần dần thì tay chị bắt đầu xuất hiện các vết lở lét do nước và mủ của rau nhút. Khi trở về làm công việc nhà thì phải hạn chế động đến nước, nhất là việc giặt quần áo. Nếu để xà phòng dính vào thì tay sẽ bỏng rát vô cùng.
"Những lúc tay “bị bệnh”, phải ra tiệm thuốc tây để mua thuốc về bôi. Nếu nặng quá bôi không bớt thì chị phải mua thuốc về uống thêm. Nhưng có bị nặng lắm thì mới “dám” nghỉ vài ngày. Chứ công việc mà, không làm thì không có thu nhập. Nghĩ vài ngày là gia đình thiếu đủ thứ", chị Nhung tâm sự.
Chúng tôi rời khỏi xóm nhặt rau nhút thuê dưới ánh chiều tà, Sài Gòn vẫn còn nóng như đổ lửa, dòng người vẫn tấp nập qua lại. Ở nơi xa hoa tráng lệ, cạnh những tòa nhà cao tầng, ánh đèn lập lòe thì vẫn còn những phận người phụ nữ đang cố gắng lao động chỉ lo đủ “bữa ăn”. Thế nhưng, dù nhặt rau nhút hay bất kỳ công việc lương thiện nào khác, họ luôn là những người phụ nữ cần mẫn đến nao lòng.