Năm 2014 sắp qua đi và để lại ấn tượng với ngành y tế là một năm đầy “sóng gió” khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và những sự cố gây xôn xao dư luận.
Dịch sởi hoành hành, 146 trẻ tử vong
Năm 2014 dịch sởi hoành hành ở nước ta khiến dư luận người dân hoang mang cực độ. Dịch sởi diễn biến từ tháng 12/2013 và đỉnh của dịch sởi vào tháng 4. Tính từ đầu năm đến hết tháng 6 vừa qua cả nước có 146 trẻ tử vong có liên quan đến sởi.
Con số tử vong đó khiến người ta ám ảnh, nhất là khi dư luận đặt câu hỏi vì sao hơn 100 trẻ tử vong nhưng Bộ Y tế vẫn không công bố dịch mà chỉ thông báo dịch nằm trong tấm kiểm soát?
Trẻ điều trị sởi tại bệnh viện
Hồi tháng 4, nước mắt đã rơi không biết chừng nào ở tâm của dịch sởi. Nhiều bác sĩ chứng kiến các thiên thần không qua khỏi đã phải rơi nước mắt.
Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã khóc khi đón một vị lãnh đạo cao cấp tới thăm và thị sát tình hình khám, chữa bệnh sởi trong những ngày đỉnh dịch. Những giọt nước mắt ấy và quang cảnh đau đớn trong những phòng bệnh không chỉ của riêng người nhà bệnh nhi mà có cả của bác sĩ.
Tiêm nhầm vắc xin cho 31 sản phụ
Vụ tiêm nhầm vắc xin cho 31 sản phụ xảy ra tại Trạm Y tế xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông Nguyễn Hạnh Chung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, thẳng thắn thừa nhậnsai sót trong việc tiêm vắc-xin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) thay vì tiêm chủng vắc-xin AT (uốn ván) cho phụ nữ có thai.
GS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và PGS.TS. Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, tiêm chủng vắc xin DPT không ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi vì đây là vắc xin bất hoạt và không gây dị dạng cho thai nhi. Phản ứng nếu có thể xảy ra đối với bà mẹ chủ yếu là phản ứng tại chỗ như sưng, nóng đỏ đau.
Ảnh minh họa
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lý giải, vắc xin DPT là vắc xin bất hoạt, không gây dị dạng cho thai nhi. Phản ứng nếu có thể xảy ra đối với bà mẹ chủ yếu là phản ứng tại chỗ như: Sưng, nóng đỏ đau.
Do đó, để xử lý nghiêm sai sót trên, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xử lý vụ việc và xử lý nghiêm các cán bộ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sai sót này.
Nghi án quan chức y tế nhận hối lộ
Tháng 11/2014, báo chí nước ngoài phản ánh Công ty Bio-rad Laboratories Inc của Mỹ bị cáo buộc giả mạo chứng từ để che giấu các khoản thanh toán. Công ty này đã trả 7,5 triệu USD tiền hối lộ cho quan chức 3 quốc gia trong đó Việt Nam là 2,2 triệu USD để giành hợp đồng.
Bio-Rad đặt trụ sở chính tại Hercules, California, Mỹ với gần 8.000 nhân viên, giám đốc điều hành là ông Norman D.Schwartz.
Đến nay, Bộ Y tế đã xác định được 52 đơn vị mua sản phẩm của Công ty Biorad Laboratorie, Mỹ. Tuy nhiên, tên của các đơn vị mua sản phẩm, công ty nhập khẩu vẫn chưa được công bố.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Hoa Kỳ phối hợp điều tra thông tin nạn “hoa hồng” trong y tế nhưng sau gần 2 tháng vẫn chưa có kết quả.
3 trẻ tử vong sau phẫu thuật từ thiện ở Khánh Hòa
Tháng 8/2014, 11 trẻ ở Khánh Hòa được mổ hở hàm ếch từ thiện do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA) thực hiện hôm 23/8 tại bệnh viện Quân y 87 (Khánh Hòa).
Trong quá trình gây mê, phẫu thuật cho 11 cháu thì có 3 cháu có triệu chứng bất thường, sau đó được đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để cấp cứu nhưng cả 3 cháu đều không qua khỏi.
Danh tính 3 cháu là: Nguyễn Ngọc Tuyết Vân (sinh ngày 24/8/2013, quê Diên Phú, Diên Khánh, Khánh Hòa); Nguyễn Quang Minh (sinh ngày 21/6/2013, quê TP Nha Trang) và Pi Năng Tuấn Hữu (sinh ngày 30/4/2013, quê Khánh Bình, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa).
Ông Lê Tấn Phùng - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Khánh Hòa), Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cho rằng, nguyên nhân chính gây tử vong cho 3 cháu bé liên quan đến quá trình gây mê. Nhưng cụ thể như thế nào thì cần có thêm bằng chứng giám định pháp y và kết quả giám định, kiểm định thuốc và trang thiết bị gây mê của một cơ quan độc lập khác.