Hiện tại, toàn bộ nhà máy Z121 đã được phong tỏa, quây kín bằng bạt, bên trong lực lượng chức năng đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, khắc phục hậu quả.
Quan sát từ bên ngoài, khu vực nhà xưởng giờ chỉ còn là đống đổ nát, hệ thống tường rào xây bằng gạch bị phá hủy hoàn toàn, nhiều nhà dân bị hư hỏng nặng.
Tan hoang nhà cửa
Theo ghi nhận của phóng viên Báo GĐ&XH sáng ngày 15/10, nhiều người dân bị ảnh hưởng của vụ nổ kho pháo hoa tại Nhà máy Z121 (nằm trên địa bàn 2 xã Khải Xuân và Võ Lao, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) đi sơ tán đã trở về nhà, dần ổn định lại cuộc sống.
Đứng trước căn nhà bị đổ nát, chị Nguyễn Thị Luân (58 tuổi, nhà cách nhà máy khoảng 500m) kể lại: “Khoảng 8 giờ, một tiếng nổ lớn phát ra từ phía nhà máy khiến con gái của tôi đang ngồi ăn ngã ngửa ra phía sau. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình vặn mình kêu răng rắc, bụi bay mù mịt khắp nhà. Nhìn ra phía nhà máy, một cột khói mù mịt kèm các tia lửa chói lòa bốc cao, mùi khét lẹt, kèm theo đó những tiếng nổ lớn. Tôi cùng các con chạy ra khỏi ngôi nhà mong bảo toàn tính mạng. Bây giờ trở về, thấy nhà cửa tan hoang, mấy mẹ con không biết những ngày tới sống như thế nào nữa”, chị Luân ngậm ngùi.
Nạn nhân Trần Thị Liễu đang điều trị tại BV Việt Đức. Ảnh: Võ Thu
Đang thu dọn đồ trong ngôi nhà đổ nát, anh Phùng Hưng (34 tuổi, trú tại xã Võ Lao) cho biết, toàn bộ căn nhà của gia đình anh đã bị phá hủy hoàn toàn, nhiều đồ đạc trong nhà hư hỏng nặng, không thể khắc phục. “Do nhà chính bị hư hỏng, nhà bếp sập hoàn toàn nên những ngày qua gia đình tôi phải đi ở nhờ người thân ở xã bên. Chúng tôi mong nhà máy có trách nhiệm hỗ trợ xây lại căn nhà để có chỗ trú mưa, trú nắng”, anh Hưng nói.
Căn nhà của anh Trần Văn Phong (SN 1975, trú tại khu 17, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba) mặc dù ở khá xa tâm chấn của vụ nổ nhưng cũng bị hư hỏng khá nhiều. “Cột khói cao hàng trăm mét, khói bụi cũng khiến nhiều trẻ nhỏ, người già khốn khổ. Cháu Vi Thị Oanh (7 tuổi, cháu họ anh Phong - PV) và các cháu nhỏ khác phải nhập viện vì nhiễm khí độc”, anh Phong kể.
Người chết cũng không yên
Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 24 nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ nổ (gồm 1 dân thường và 23 công nhân), gần 100 người bị thương. Theo đó, người dân bị thiệt mạng là anh Đào Viết Thương (SN 1965, trú tại xã Võ Lao). Thời điểm ấy, anh Thương đang đi làm giúp một người quen ở xã bên, nghe tin vụ nổ đã vội trở về đón vợ con đi sơ tán. Khi cách nhà khoảng 200m, anh Thương không may bị thanh sắt từ vụ nổ kho thuốc pháo hoa văng vào người, tử vong tại chỗ. Anh Thương có hai người con đã trưởng thành nhưng vẫn chưa có công ăn việc làm.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Ngời (em rể anh Thương) cho biết, khi vụ nổ xảy ra anh nấp ở một bờ mương cách nhà anh Thương khoảng 200m và phát hiện chị Hoàng Thị Mị (SN 1970, vợ anh Thương) đang ngồi ôm chồng khóc. “Khi tôi đến hiện trường thì anh rể đã tử vong, gần đấy có một thanh thép dài khoảng 1,2m, rộng khoảng 15cm, dày khoảng 2cm văng ra từ nhà máy đập vào đầu anh ấy. Lúc này, phía nhà máy vẫn đang phát nổ, biết không thể cứu được anh rể nên tôi đã lôi chị Mị xuống cái mương cạnh đó để nấp cho an toàn”, anh Ngời nhớ lại.
Trong vụ “chạy loạn”, để lại ám ảnh nhất có lẽ là đám tang của ông Hoàng Văn Dương (49 tuổi, ở khu 17 xã Đông Thành, huyện Thanh Ba). Thời điểm người thân đưa tang ông Dương cũng là lúc vụ nổ xảy ra, đám tang chỉ cách vụ nổ chưa đầy 1km, những cột khói bụi như muốn nhấn chìm tất cả. Những người đang khiêng linh cữu đành để quan tài xuống chạy đi tìm chỗ lánh nạn. Một số người dân địa phương cho biết, quan tài nằm đó hơn nửa ngày mới có người đến đưa ra nghĩa địa.
Ký ức kinh hoàng
“Sáng ngày 13/10, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên dẫn đầu đã đến thăm, tặng quà một số bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện huyện Thanh Ba và Bệnh viện thị xã Phú Thọ. Thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã khen ngợi và tặng thưởng các cán bộ y tế của 3 bệnh viện đã tích cực cấp cứu, thu dung kịp thời bệnh nhân bị tai nạn do vụ cháy nổ tại nhà máy Z121. |
Đang điều trị tại Bệnh viện 103 (quận Hà Đông, Hà Nội), anh Nguyễn Trung Đức cho biết, cả hai vợ chồng anh làm cùng nhà máy Z121 nhưng khác tổ. Anh Đức làm được 3 năm, vợ anh công tác được 2 năm. Khi tiếng nổ phát ra, hai vợ chồng cùng chạy về một hướng. Do hoảng sợ, bụng bầu to nên chị Mai (vợ anh Đức) luôn bị vấp ngã (chị Mai đang mang bầu 8 tháng). Chị Mai cho biết, đây là lần mang thai đầu tiên, chị thấy rất lo cho con. “Tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều các đồng nghiệp. May mắn hơn cả là em bé trong bụng an toàn”, chị Mai nói.
Đang chăm vợ tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), anh Đinh Hữu Đạo (công nhân nhà máy Z121) cho biết, vợ chồng anh đều là công nhân của nhà máy được 8 năm. Buổi sáng hôm xảy ra vụ nổ, hai vợ chồng đều đi làm nên cả hai đều bị thương. Tuy nhiên, vợ anh là chị Trần Thị Liễu (SN 1983) bị nặng hơn nên chiều ngày 12/10, chị Liễu phải chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức chữa trị. Đến 20 giờ cùng ngày, chị Liễu được các bác sĩ mổ sọ não và mổ xương cẳng chân. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức để bảo tồn hai chân không phải cắt cụt. Sau 3 ngày, chị đã tỉnh táo hoàn toàn, hoạt động của não nhìn chung có thể hồi phục trở lại, thị lực bị ảnh hưởng khiến chị chưa thể nhìn rõ. Các bác sĩ cho hay, riêng phần chân, do phải theo dõi dài ngày nên chưa thể kết luận khả năng hồi phục chức năng.
Hiện chị Liễu đang nằm điều trị ở buồng bệnh 15, Khoa Phẫu thuật thần kinh (1A), phần mặt ít bị xây xát, hai chân vẫn bó cố định. Chị chỉ ăn được sữa và một ít cháo, mọi giao tiếp bị hạn chế để tránh ảnh hưởng đến não. “Chiều ngày 14/10, đại diện lãnh đạo nhà máy đã tới thăm hỏi, động viên bệnh nhân và gia đình tại bệnh viện”, anh Đạo cho biết. |