“Nhiều người nói với em những câu như “bị ảo tưởng à, người mắt sáng chưa chắc đã theo được trường đó”, nhưng em không muốn sống co cụm. Em muốn bước ra cuộc sống bên ngoài..."
Clip: Hương Giang động viên các bạn khuyết tật cố gắng vươn lên
Có thể bạn chưa biết: Lê Hương Giang (SN 1995, tại Hà Nội) là MC khiếm thị đầu tiên của chương trình “Café sáng với VTV3”. Câu chuyện của Giang cũng được phát trên chương trình “Điều ước thứ 7” khiến nhiều người rơi nước mắt xúc động. Giang hiện đang là sinh viên ngành Tâm lý học, đồng thời cũng đang học ngành Báo chí của trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân Văn. |
Một chiều tháng 6 đầy nắng, tôi đến gặp Giang tại quán cà phê trên phố Xã Đàn. Nghe em nói sẽ đợi trên tầng 4, một suy nghĩ thoáng qua trong tôi: "Không biết một người không nhìn thấy gì sẽ leo lên đó bằng cách nào?".
Bước vào phòng, tiếng nhạc khe khẽ vang lên, suy nghĩ ban nãy chợt tan biến khi tôi nhìn thấy em. Hóa ra em mạnh mẽ, tự tin hơn tôi tưởng rất nhiều.
Ngồi đối diện Giang, lúc này, tôi mới nhìn rõ em. Cao ráo, khá bầu bĩnh, mái tóc đen dài, Giang trang điểm nhẹ nhàng, có hai chiếc răng khểnh duyên dáng. Đặc biệt là đôi mắt em, nếu không biết trước em bị khiếm thị, có lẽ tôi không thể nhận ra vì đôi mắt ấy hoàn toàn không có gì khác người bình thường.
Nghe tôi nói, qua cảm nhận của đôi tai, em hướng ánh mắt về tôi. Em rất thân thiện, và đầy năng lượng. Tiếp xúc với Giang, tôi như đang nói chuyện với một người bạn cũ lâu ngày không gặp.
Giang cười tươi bảo “Em hẹn chị trên này để có không gian riêng tư, thoải mái nói chuyện vì tầng trên cao mọi người sẽ ngại lên hơn”.
Giang bảo, 23 năm qua, em chưa bao giờ cảm thấy buồn vì là một người khiếm thị, em còn cảm thấy mình tự tin với việc mình là người khuyết tật bởi ai cũng sẽ gặp phải những khó khăn, nỗi đau riêng. Người khuyết tật chẳng qua là người đối diện với nó sớm hơn mà thôi.
Tuy nhiên, điều khiến em cảm thấy tồi tệ chính là định kiến của mọi người.
“Em cũng có khoảng thời gian cảm thấy cô đơn” – Giang tâm sự.
“Đó là năm em học lớp 6 – năm học đầu cấp, tất cả đều mới mẻ nhưng trong lớp không có ai chơi cùng em, thậm chí em còn bị trêu chọc. Vì thế, em không biết làm cách nào để kết nối với các bạn. Còn thầy cô, có người nói em khiếm thị thế này chắc sẽ không học được những môn như Toán, Lý, Hóa nên mặc định em ngồi trong lớp chỉ dự giờ thôi.
Nhưng sau này, dù biết hề không dễ dàng, em nghĩ mình sẽ không lựa chọn một cuộc sống tối tăm. Em lắng nghe những chia sẻ của thầy cô và các câu chuyện của anh chị sinh viên tình nguyện đến dạy thêm, về chuyện được đi học đại học, đi Mùa Hè Xanh…, em nghĩ một ngày nào đó nhất định sẽ được khoác lên người chiếc áo xanh tình nguyện”.
Năm lên cấp 3, Giang thi đỗ vào trường THPT Thăng Long - một trong những ngôi trường có điểm đầu vào cao nhất nhì Hà Nội. Đây cũng là quyết định táo bạo, trái với suy nghĩ của mọi người xung quanh.
“Nhiều người khi đó vẫn còn nói những câu như “bị ảo tưởng à, người mắt sáng chưa chắc đã theo được trường đó”, nhưng em không muốn sống co cụm. Em muốn bước ra cuộc sống bên ngoài. Vì thế, không còn cách nào khác, em phải ép mình vào một ngôi trường chỉ có một mình mình là người khuyết tật” – Giang nói.
Nhắc về những kỷ niệm dưới mái trường cấp 3, khuôn mặt em sáng ngời lên hạnh phúc.
Ngày mới vào trường, Giang mang theo biết bao lo lắng. Sợ thầy cô sẽ khắt khe, sợ không theo kịp bạn bè... nhưng bất ngờ thay, chính nơi đó lại là cánh cửa thay đổi cuộc đời em.
“Em bất ngờ vì ở đó mọi người trò chuyện và cười với mình. Cùng nhau nói về sở thích, về clip nhạc của các ca sĩ nổi tiếng, về những bộ phim hot và điều quan trọng nhất là giữa em và các bạn bắt đầu tìm thấy điểm chung”.
Giang tươi cười khi nhắc lại những kỷ niệm cấp 3. Nhờ có các bạn và thầy cô, em đã tham gia vào nhiều hoạt động trong trường. Các thầy cô cũng đưa em tham gia vào các cuộc thi trong nước và quốc tế. Điều này làm em tự tin hơn và thoải mái hơn rất nhiều.
Giang tự hào chia sẻ em có một gia đình tuyệt vời. Bố mẹ là người luôn tiếp sức mạnh cho Giang phía sau mỗi thành công mà em gặt hái được.
Từ nhỏ, bố mẹ đã dạy cho Giang làm những việc như một người bình thường. Bố mẹ luôn hỏi “Con có muốn được làm cái này không?” và nói cho con biết cảm xúc của mình. Nhờ thế, trong sinh hoạt hàng ngày, em vẫn có thể tự cắm cơm, nấu ăn… mà không phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.
“Mới đầu em cũng vụng rơi vụng vãi chị ạ, chuyện đánh rơi và làm vỡ đồ xảy ra thường xuyên. Nhưng dần dần, em tự làm được mọi việc mà không cần sự trợ giúp của bố mẹ nữa. Bố mẹ luôn tin em sẽ làm được ngay kể cả điều mà bản thân em không tin là mình làm được” – Giang cười nói.
Bố mẹ Giang cũng đưa em đi nhiều nơi để cảm nhận cuộc sống, đi đến đâu bố mẹ cũng tả ở đó khung cảnh thế nào, trang trí thế nào để em có thể cảm nhận và tưởng tượng được.
"Bước chân vào quán cà phê, bố sẽ nói với em không gian của quán, ánh sáng và cả cách họ trang trí những chiếc bóng đèn, thậm chí bây giờ ngồi đây em cũng có thể cảm nhận ánh nắng ngoài kia lung linh thế nào" - Giang tâm sự.
Giang kể, sau mỗi chuyến đi em đã được gặp gỡ với nhiều bạn bè đồng cảnh ngộ, nhưng em cảm thấy buồn vì chính bố mẹ các bạn lại tự khép lại cánh cửa để con mình hòa nhập với cuộc sống và mọi người xung quanh. Nói đến đây, em thoáng buồn: “Có bậc phụ huynh họ coi đứa con khuyết tật của mình là món nợ từ kiếp trước, thậm chí xa lánh và cho rằng tốt nhất con nên ngồi im một chỗ, đừng làm gì cả để mọi người chăm sóc và cũng không cần phải nói chuyện với ai. Chính điều này đã làm các bạn ngày càng khép kín và cô đơn” .
Nhớ lại câu chuyện trong một lần đi phỏng vấn bố mẹ của một bạn khuyết tật, Giang nói họ là giảng viên đại học nhưng không muốn lên báo và không muốn người khác nhìn con mình bằng ánh mắt thương hại.
“Chính các bậc phụ huynh cần phải can đảm công nhận con mình là trẻ khuyết tật bởi như vậy đứa con của họ mới phát triển đúng bản chất và họ phải chấp nhận việc sẽ đồng hành với con rất nhiều”- Giang khẳng định.
Đó cũng là lý do Giang đã theo đuổi con đường trở thành một nhà tâm lý học để phá bỏ những rào cản tâm lý, trước tiên là cho phụ huynh, sau đó là cho các bạn khuyết tật giống như em để có thể bước ra một cánh cổng tốt đẹp hơn.
Phút thảnh thơi của Giang
Chia tay Giang, tôi có cảm giác không phải vừa được nghe một câu chuyện vượt qua số phận, mà giống như mình - một người bình thường vừa được tiếp thêm sức mạnh từ cô gái trẻ tràn đầy năng lượng.
Suy nghĩ của Giang, mơ ước của em tựa như cơn gió mát xua tan cái oi bức của mùa hè. Tôi biết rằng, từ giờ cho đến sau này, mỗi khi đối diện với khó khăn, chỉ cần nghĩ đến Giang, tôi sẽ có thêm niềm tin để vượt qua nỗi sợ, để có thể giống như cô gái ấy tâm niệm: "Bạn sẽ bước đến cánh cổng mới tốt đẹp hơn."
Cùng ngắm một số bức ảnh đời thường của Hương Giang:
Giang có thể tự làm mọi việc
Em gái luôn là người bạn thân thiết của Giang
Bén duyên với nghề MC Năm 2012, Giang tham dự cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin thanh niên khuyết tật toàn cầu” ở Incheo Hàn Quốc giành được huy chương Đồng. Nhờ sự động viên của thầy cô em đã viết tác phẩm “Sức sống bùng cháy từ những ngọn nến cong” và bén duyên với chương trình VOV Giao thông trong vai trò người dẫn chương trình và phóng viên “Niềm tin ánh sáng” suốt 3 năm. Năm 2016, Giang tiếp tục đăng quang The Next MC Hà Nội, Giang cũng là MC trẻ khiếm thị đầu tiên trên sóng truyền hình, cộng tác với chương trình "Cuộc sống vẫn hạnh phúc" (VTV4). Mới đây nhất Giang được thử sức trong vai trò MC chương trình "Café sáng với VTV3". Giang còn cho ra đời chương trình “Cửa không cánh” – sản phẩm truyền hình đầu tiên phát trên kênh Youtube của nhóm Studio do Giang đồng sáng lập, bên cạnh đó Giang còn là chủ biên sách và làm đạo diễn phim ngắn "Khi bạn tin bạn có thể - Bạn có thể" đã được Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng bằng khen. |