Dù mắc căn bệnh ung thư xương và phải cắt mất một bên chân nhưng cô nữ sinh quê Thanh Hóa vẫn luôn thể hiện niềm tin, sự lạc quan vào cuộc sống.
Sinh năm 2000, em Nguyễn Thị Như Quỳnh phải tạm gác lại “bút nghiên” để điều trị căn bệnh ung thư xương quái ác. Nằm trên giường bệnh, Quỳnh lạc quan cho rằng, ung thư cũng như căn bệnh khác, đã mắc bệnh thì phải điều trị, bao giờ điều trị khỏi em tiếp tục quay về hoàn thành chương trình học phổ thông.
Trong suốt cuộc gặp mặp và nói chuyện với những người thân của Quỳnh, dù còn rất đau và hụt hẫng vì một bên chân vừa bị cắt cụt, nhưng thỉnh thoảng Quỳnh lại nhoẻn miệng cười với chúng tôi.
Quỳnh đang được bố chăm sóc bên giường bệnh.
Bác Nguyễn Lương Duyên (phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa), bố Quỳnh cho biết, so với những người khác cùng điều trị, dù bị mất một phần cơ thể nhưng Quỳnh luôn lạc quan, nhiều lúc đau quá Quỳnh lại cất cao giọng hát để át đi những nỗi đau đang dày vò thể xác.
Theo chia sẻ của bác Duyên, con gái bác từ khi sinh ra cho đến khi phát hiện bệnh hoàn toàn bình thường, đi khám định kỳ cũng không hề phát hiện ra điều gì bất thường. “Cho đến tháng 11/2016, con tôi thấy đau ở chân, sờ vào thấy có cục nhỏ, đi khám thì các bác sĩ nói có khối u.
Sau đó, gia đình chuyển ra Hà Nội sinh thiết thì phát hiện cháu mắc bệnh ung thư xương và phải truyền hóa chất. Sau 3 đợt truyền hóa chất, các bác sĩ nói cháu phải cắt bỏ đoạn dưới chi. Lúc đó gia đình tôi vô cùng sốc vì không nghĩ mọi chuyện diễn ra nhanh như vậy.
Do chưa chuẩn bị tâm lý, gia đình xin cháu về quê để suy nghĩ thêm. Ở quê một thời gian, khối u phát triển nhanh bất thường, đến khi đưa cháu ra Hà Nội để làm phẫu thuật khối u đã to bằng quả mít và phải cắt cụt toàn bộ một bên chân”, bác Duyên kể lại.
Khối u trước khi được cắt bỏ. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Theo chia sẻ của bố Quỳnh, từ thời gian phát hiện ra bệnh cho đến nay đã hơn nửa năm, nhưng chưa khi nào nhìn thấy con khóc, chưa khi nào nhìn thấy con tuyệt vọng. “Trước mặt bố mẹ, con tôi luôn vui vẻ, thể hiện như không có chuyện gì xảy ra, có lẽ con tôi không muốn bố mẹ lo lắng nên vậy”, Bác Duyên nói.
Tuy nhiên, cũng đã có lúc chính Quỳnh cũng cảm thấy hụt hẫng khi bị mất đi một phần cơ thể. Đó là khi Quỳnh mới phẫu thuật xong, vẫn quen như hồi chưa bị cắt chân nên bảo mẹ xoa bóp. Mẹ Quỳnh làm theo quán tính, đưa tay xuống để xoa bóp chân cho con thì chẳng thấy chân đâu.
“Lúc đó, mẹ cháu đã rơi nước mắt, chính Quỳnh cũng cảm thấy hụt hẫng nhưng cháu không khóc mà quay mặt đi chỗ khác như để giấu đi nỗi buồn”, bác Duyên chia sẻ.
Do chưa quen nên nhiều lúc Quỳnh thấy hụt hẫng vì mất đi một phần cơ thể.
Khi được hỏi về định hướng tương lại, Quỳnh cho biết, chỉ muốn chữa khỏi bệnh để bố mẹ đỡ khổ. Sau đó về tiếp tục theo học và tìm ngành nghề gì đó phù hợp với bản thân để làm chứ không muốn mình là gánh nặng cho gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi, TS.BS Phạm Thị Việt Hương (Bệnh viện K Trung ương) cho biết, u xương là căn bệnh hay gặp ở độ tuổi thanh, thiếu niên.
Biểu hiện của bệnh u xương thường là đau ở một điểm xương nhất định và đau tăng lên khi vận động. Kèm với những cơn đau đó là có khối u nổi lên.
“Khi mắc u xương, nếu không điều trị kịp thời thì nó dễ xâm lấn ra những bộ phận khác, đặc biệt là ở phần mềm, sau đó là phổi, não…”, TS Hương cho biết.
Theo TS Hương, nếu phát hiện sớm, người bệnh mắc u xương hoàn toàn có thể bảo tồn được. Còn nếu phát hiện muộn thì phải cắt bỏ chi.
“Thông thường, những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn tiên lượng sống thấp. Nếu điều trị bài bản, đúng phác đồ có thể duy trì được 5-6 năm”, TS Hương nói.
Cuối cùng, TS Hương cảnh báo, u xương thường xảy ra ở độ tuổi thanh thiếu niên, với những người có sự tăng trưởng xương nhanh bất thường trong thời gian ngắn (ví dụ cao nhanh bất thường) và thường xảy ra ở những đoạn xương thẳng (chân, tay).
“Khi thấy có những dấu hiệu bất thường về phát triển xương, đau một điểm xương, có sờ thấy u…thì cần đi khám để được phát hiện kịp thời”, TS Hương cho biết.