"Mày dừng lại đi đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm gì được đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết vì mày"; "Mày nên nhớ cả nhà mày sẽ chết nếu cố tình chọc bọn tao", đối tượng đe dọa.
Đe dọa cả gia đình
Loạt bài về "bảo kê" tại chợ Long Biên phản ánh việc một số cá nhân, tổ chức đứng ra thu tiền bến bãi của các tiểu thương trái pháp luật của PV Nguyễn Thị Liên (Đài Truyền hình Việt Nam) và PV Nguyễn Thu Trang (Báo Phụ nữ TP.HCM) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian qua. Sau đó, nhiều đối tượng cộm cán thu tiền bến bãi trái phép đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan chức năng. Vụ việc được Công an TP. Hà Nội khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” để điều tra làm rõ.
Khi các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc thì khoảng 22 giờ 23 phút ngày 2/12, PV Nguyễn Thị Liên (Liên Liên - PV) nhận được 2 tin nhắn từ số máy lạ với nội dung: "Mày dừng lại đi đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm gì được đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết vì mày"; "Mày nên nhớ cả nhà mày sẽ chết nếu cố tình chọc bọn tao".
Cũng vào thời điểm này, các tin nhắn nêu trên được gửi tới số máy điện thoại cá nhân của PV Nguyễn Thu Trang.
Nói về nguyên nhân của vụ việc chị Thu Trang cho biết, sau khi nhận được tin nhắn đe dọa từ các đối tượng, bản thân chị đã tìm hiểu nguyên nhân thì được biết chính ngày xảy ra việc các đối tượng nhắn tin đe dọa một số tiểu thương ở chợ có dùng điện thoại quay lại hình ảnh một số đối tượng thu tiền bến bãi trái phép.
Cũng theo phóng viên Thu Trang, trước đó quá trình điều tra các hoạt động thu tiền bến bãi trái phép ở chợ bản thân chị và PV Liên Liên còn gặp nhiều khó khăn, áp lực nghiêm trọng hơn rất nhiều.
“Tôi lo cho sự an toàn của tiểu thương còn hơn chính mình. Tôi lo lắng cho bạn đọc, tiểu thương - những người cung cấp thông tin, tố cáo cho báo chí. Tôi sợ người ta bị cô lập, bị trừng phạt bằng nhiều cách từ các đối tượng mà chúng ta khó có thể biết trước được. Những tiểu thương trước giờ thường xuyên nộp tiền, nhưng có thái độ chống đối thì chúng đe dọa bằng nhiều cách. Đấy là áp lực rất lớn đối với tôi…”, PV Thu Trang nói.
Nữ nhà báo Thu Trang cho biết chị lo cho sự an toàn của tiểu thương còn hơn chính mình. Ảnh: Soha
Trước đó, trong quá trình tác nghiệp PV Thu Trang và Liên Liên nhận được nguồn tin rất tin cậy rằng các đối tượng xã hội đã sắp xếp 1 đối tượng ngáo đá có bệnh án tâm thần sẵn sàng xử lý khi phóng viên xuất hiện ở chợ. Phải rất khó khăn chị và PV Liên Liên mới đảm bảo được sự an toàn của mình khi tác nghiệp.
Liên quan đến thông tin hai nữ phóng viên thực hiện điều tra tình trạng bảo kê ở chợ Long Biên bị nhắn tin dọa giết, Chánh văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang cho biết, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội điều tra, làm rõ thông tin.
Đối tượng đe dọa đối mặt mức hình phạt 7 năm tù
Sự manh động của các đối tượng nhắn tin đe dọa hai nữ phóng viên đã gây bất bình trong dư luận và xã hội. Theo Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, hành vi các đối tượng nhắn tin đe dọa phóng viên khi các phóng viên này tác nghiệp tại khu vực chợ Long Biên thể hiện sự manh động của các đối tượng.
Việc các nhà báo, phóng viên bị đánh, bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của bản thân cũng như gia đình không còn là chuyện hiếm gặp trong một vài năm gần đây. Thế nhưng, với hành vi dùng hàng loạt tin nhắn với những nội dung nhằm đe dọa giết người trong vụ việc này thể hiện tính manh động, côn đồ, bất chấp, thách thức pháp luật của nhóm đối tượng. Việc này không chỉ gây hoang mang lo sợ cho người trong cuộc mà còn gây lo sợ, hoang mang cho tất cả các phóng viên, nhà báo khi thực hiện công việc, nhiệm vụ của mình nhằm phản ánh những vấn đề bất cập trong đời sống xã hội.
Dưới góc độ pháp lý, với hành vi dùng tin nhắn với những nội dung thể hiện việc đe dọa giết người hoặc sẽ tước đoạt tính mạng của người nhận tin hoặc người thân thích của họ thì có thể coi là hành vi đe dọa giết người. Nội dung tin nhắn có thể không đề cập đến cách thức, phương thức sẽ giết người như thế nào song làm người bị đe dọa lo sợ rằng việc này sẽ được thực hiện thì đối tượng thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu về tội “Đe dọa giết người” theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất đến 07 năm tù.
Theo luật sư Cường, để bảo vệ mình cũng như người thân trong trường hợp bị đe dọa, các phóng viên nên trình báo với các cơ quan Công an để bảo vệ sự an toàn cho người bị đe dọa cũng như xử lý các đối tượng. Đây cũng là sự việc cần có sự phối hợp của cơ quan báo chí cũng như các đơn vị khác nhằm đảm bảo sự an toàn cho các phóng viên, nhà báo trong quá trình đưa tin, làm nhiệm vụ.
"Bộ Công an đã nhận được công văn của cơ quan các phóng viên gửi đến và đang giao cho các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội tiến hành điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định", Thiếu tường Lương Tam Quang - Chánh văn phòng Bộ Công an. |