Ngày ấy, dù đã lựa chọn công việc bán hàng online nhưng cô gái 31 tuổi luôn thường trực suy nghĩ sợ nhân viên, đồng nghiệp ở tòa soạn cũ, các tờ báo khác, các sếp, đối tác đọc được bài viết bán hàng của chị trên Facebook.
Trước năm 2019, Lê Loan (sinh năm 1990, TP.HCM) đảm nhiệm vị trí Thư ký tòa soạn của một tạp chí về Khoa học và Công nghệ tại Sài Gòn. Sau đó vì vài lý do cá nhân, chị quyết định dừng làm báo, ở nhà tìm kiếm sự “tươi mới” cho cuộc sống.
Từ đó, bạn bè lẫn đồng nghiệp không thấy Lê Loan xuất hiện trên mạng xã hội với tần suất liên tục như hồi còn làm báo. Họ băn khoăn, tò mò không biết chị đang làm gì, cuộc sống ra sao?...
Bẵng đi một thời gian, Lê Loan bất ngờ quay trở lại mạng xã hội với hàng loạt chiếc bánh ngọt tự làm, mỹ phẩm, bánh kẹo… Lúc này, mọi người mới hay, nữ nhà báo đã chuyển sang một công việc mới mẻ - kinh doanh online.
Lê Loan từng đảm nhiệm vị trí Thư ký tòa soạn của một tạp chí về Khoa học và Công nghệ tại Sài Gòn.
Từng tự ti, xấu hổ với đồng nghiệp cũ khi bán hàng online
Lê Loan đấu tranh tư tưởng rất nhiều để trở thành “con buôn” trên mạng. Chị tâm sự: “Cái sĩ diện trong tôi rất lớn. Lúc làm Thư ký tòa soạn, tôi từng nghĩ thử đăng bán cái gì đó trên Facebook xem có duyên buôn bán không vì ở quê trồng được hạt điều, bơ, sầu riêng… nhưng lại ngại nên thôi.
Sau đó, tôi nghỉ làm báo, đi du lịch nhiều nước rồi quay về thử sức với đam mê – làm bánh. Tôi đăng lên trang cá nhân khoe với bạn bè rồi nhận được nhiều lời hỏi mua. Thấy được thì tôi nhận. Nhưng nó là bánh trái, đôi khi nướng được mẻ đẹp, chụp được bức hình lung linh nên vừa khoe tay nghề vừa “rủ rê” người mua cũng đỡ ngại. Còn bán hàng online lại khác, phải viết bài giới thiệu sản phẩm mỗi ngày nên thấy khó và xấu hổ lắm”.
Ngày ấy, dù đã lựa chọn công việc bán hàng online nhưng cô gái 31 tuổi luôn thường trực suy nghĩ sợ đồng nghiệp ở tòa soạn cũ, các tờ báo khác, các sếp, đối tác đọc được bài viết bán hàng của chị trên Facebook. Chị sợ bị mọi người chê viết dở, sợ mọi người nghĩ mình từng quản lý bao nhiêu phóng viên, biên tập viên mà giờ bán hàng online, sợ mất sĩ diện… Vì thế, muốn giới thiệu món hàng nào, chị cũng phải cân nhắc đi cân nhắc lại.
“Có nhiều thứ tôi thấy hay, thấy tiềm năng mà vì quá mắc cỡ đã bỏ qua. Lâu dần tôi tập trung nhiều hơn vào khách hàng, nhu cầu của người mua nên bớt chú tâm đến chuyện mọi người nghĩ gì về mình.
Khi có ai đó hỏi mua các sản phẩm đặc thù hoặc đôi lúc cần số lượng lớn để giảm chi phí vận chuyển cần đăng bài rủ thêm nhiều người, tôi lại lần nữa phải vượt ngại viết lên Facebook”, chị chia sẻ.
“Có ngày tôi không kịp ăn gì, suy sụp khi bị bùng cả chục triệu đồng”
“Vượt ngại” chỉ là một điểm nhỏ trong hành trình khó khăn khi Lê Loan đặt chân vào nghề bán hàng online. Chị bảo sau ngại chính là khổ – “tận cùng cam lai” mà cuộc đời chị khi ấy chưa bao giờ phải nếm trải. “Tôi từng nghĩ bán hàng ở nhà sẽ không mấy vất vả, được sống thư thái… Nhưng tôi đã nhầm… nhầm rất lớn.
Thời kỳ đầu, tôi dốc toàn bộ tiền tích cóp trong 7 năm làm báo để ôm rất nhiều hàng ở nước ngoài về Việt Nam với hi vọng “thắng lớn”. Ngờ đâu, tôi tính không bằng trời tính, hàng về mới biết mình đã mua sai hàng (nhầm size, nhầm màu…) nên đọng vốn một chỗ. Tôi tìm đủ mọi cách để giải quyết nhưng càng nghĩ càng rơi vào thế bí. Tôi không dám chia sẻ với người thân hay chồng. Tôi sợ mọi người lo lắng hoặc trách cứ “đang yên đang lành” bỏ công việc bao người mơ ước để đi con đường không tương lai”, chị tâm sự.
Phi vụ đầu tiên “thất bại”, Lê Loan nhất định không chùn bước và khuất phục. Chị dành thời gian tự xem xét bản thân, cách thức kinh doanh,… từ đó vạch ra chiến lược cụ thể, rõ ràng. Đó cũng là lúc công việc có khởi sắc – chị bắt đầu bước vào “bể khổ”.
Khi xưa, chị được ngồi văn phòng máy lạnh để làm việc, đi tham dự sự kiện ở những nơi sang trọng. Còn giờ chị phải làm cả những công việc tay chân, thậm chí khá nặng nhọc. Mỗi đợt hàng về, chị phải bê những thùng hàng 25-30kg, phải chở những thùng to hơn người. Có khi, còn bị đổ xe, rơi hàng phải bê lên buộc lại, những lúc đó chị cảm thấy tủi thân ghê gớm. “Nhiều hôm tôi nhịn ăn dành toàn bộ thời gian cho việc săn hàng giảm giá rồi nhanh nhanh chóng chóng xuống nhà vác đồ nặng đến mức phát khóc… Có bữa, tôi vừa pha xong gói mì ăn liền thì hàng tới, phải xuống nhận, lúc lên nhà thì đống mì trong bát đã nở toét nhưng vẫn cố gắng nuốt. Hôm nào số đen, tôi tự nhiên bị khách hủy đơn không hoàn lại tiền, mất gần chục triệu đồng.
Chưa kể đến thời gian dịch bệnh vừa qua, bên giao hàng quá tải khiến lịch bị chậm gấp đôi gấp ba thời gian, phát sinh thêm các loại phụ phí mà giá hàng đã báo thì mình phải giữ, tự chịu với khách. Những lúc ấy, tâm trạng của tôi tệ lắm, hoang mang không biết mình có thể tiếp tục hay không?”, cô gái 31 tuổi tâm sự.
Để giải quyết những khó khăn đó, Lê Loan đã dùng đến ý chí, sự bền bỉ, thích nghi với rủi ro. Chị lấy cái này bù cái kia, mất thì làm lại... Chị chú ý đến bản thân để có sức khỏe tiếp tục làm việc. Dần dà mọi thứ với chị cũng ổn. Và sau cùng, điều chị không bao giờ nghĩ tới khi “xê dịch” sang công việc này chính là được sếp cũ, đồng nghiệp, nhân viên, đối tác, bạn bè… đặt mua hàng ủng hộ nhiệt tình, thậm chí còn trở thành khách “ruột”. Đó là động lực giúp chị cảm thấy tự tin, yêu công việc, sẵn sàng đối diện với cái khổ cái khó.
“Tôi làm việc tại nhà chứ không “ăn bám” chồng”
Chồng của Lê Loan hiện là Manager của một tập đoàn lớn tại Việt Nam. Khi được hỏi ở nhà bán hàng qua mạng có cảm thấy “lép vế”, lo lắng khi gặp bạn bè của chồng hay không? Chị thẳng thắn: "Với tôi, làm một việc mà mình không thích, không vui, suốt ngày than vãn về nó mà vẫn cố bám trụ thì chẳng có hay gì. Nhưng làm công việc có thể chia sẻ giá trị với mọi người mà bản thân thực sự yêu thích, đầu tư tâm huyết vào đó. Ngày ngày bận nỗ lực, vượt qua các thử thách bản thân đặt ra để không ngừng phát triển thì sẽ không có thời gian nghĩ tới khái niệm “lép vế” nữa.
Vả lại, chồng luôn ủng hộ tôi làm điều tôi thích, không bao giờ khiến tôi áp lực. Chỉ là thi thoảng tôi chợt áy náy khi chồng đi làm về chưa kịp cơm nước, thậm chí phải ra ngoài ăn. Nhưng tôi tự củng cố lại rằng mình làm việc tại nhà, chứ không “ăn bám”. Chồng bận, tôi cũng bận nên chỉ cần chia sẻ và thông cảm cho nhau.
Còn với bạn bè, đồng nghiệp của chồng, hồi xưa, trước khi gặp, tôi phần nào thấy lo lắng vì sẽ tiếp xúc với nhiều người làm ở các lĩnh vực khác nhau, từ phi công, tiếp viên hàng không, luật sư, chủ doanh nghiệp đến đại sứ, lãnh sự quán... Sau đó tôi tự trấn an bản thân mỗi người một công việc và chưa bao giờ thể hiện sự yếu thế”.
Lê Loan cũng không ngần ngại đáp trả khi ai đó dè bỉu, chê bai công việc chị đang làm. Chị bảo nếu ai đó trực tiếp đánh giá công việc, chị sẽ lên tiếng, còn không sẽ mặc kệ và vẫn tiếp tục công việc đang làm miễn là yêu thích nó.
“Tôi có một chị bạn là vợ của bác sĩ sản nổi tiếng. Chị ấy bán đồ ăn vặt online, vé máy bay… rồi bị bệnh nhân của chồng mỉa mai rất thậm tệ. Họ bảo chị ấy làm công việc này ảnh hưởng đến uy tín của chồng. Chị ấy khóc, tâm sự với tôi kiếm tiền nuôi con bằng chính sức lao động của mình thì có tội tình gì? Khi ấy tôi đã khuyên chị ấy cứ làm việc nghiêm túc, không chạy theo lợi nhuận, không làm việc trái lương tâm thì sẽ không có ai dè bỉu, không sợ bị dè bỉu”, Lê Loan kể.
Nhắc đến thu nhập khi bán hàng online, cựu nhà báo chia sẻ chị là người ưa thử thách, khi còn làm báo cũng luôn đặt ra các nhiệm vụ phải làm dù không ai yêu cầu. Vì thế bước chân vào giới bán hàng, chị ngầm đặt đề bài đầu tiên là phải bằng thu nhập trước đây. Đạt được rồi, chị lại tiến lên con số mới, gấp rưỡi, gấp đôi, gấp ba...
“Nói vậy nhưng với lĩnh vực bán hàng để duy trì doanh thu ổn định hàng ngày, hay hàng tháng tăng trưởng lên các con số cao hơn nó không hề đơn giản. Nhất là với người mang tính cách lơ thơ, ngẫu hứng lại có nguyên tắc riêng như tôi thì càng cần nhiều nỗ lực và sự bền bỉ. Ví dụ như biết sản phẩm đó không ổn thì dù hot đến mấy, tôi cũng không bán. Vì sau cùng, cái tôi cần là được làm việc, làm thứ mình thích và tự tìm thấy niềm vui”, người phụ nữ 31 tuổi chia sẻ.
Hiện Lê Loan đang dần khẳng định bản thân trong công việc kinh doanh online. Nhưng trong chị luôn có tình yêu với công việc viết lách. Chị bảo nếu trong tương lai có công việc thú vị với thử thách đáng giá và phù hợp, chị vẫn sẽ cân nhắc quay lại với nghề.