Để ngăn chặn nạn buôn bán bào thai, Công an tỉnh Nghệ An và chính quyền sở tại đã tuyên truyền vận động, xử lý. Tuy nhiên, cái khó đang gặp phải là chế tài xử lý còn gặp nhiều vướng mắc.
‘‘Canh’’ phụ nữ mang thai
Ở Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chuyện phụ nữ mang thai đi Trung Quốc đẻ rồi đem bán con như một thứ dịch lây lan. Ban đầu chỉ xuất hiện vài trường hợp ở bản Đỉnh Sơn 1, sau đó lan dần đến Đỉnh Sơn 2, Huồi Thợ và nay còn đến một số bản khác. Riêng tại Hữu Kiệm, qua thống kê có ít nhất 22 phụ nữ vượt biên sang Trung Quốc bán con. Tại hai bản Đỉnh Sơn, năm 2019 không phát hiện thêm trường hợp nào bán con như các năm trước, do nhận thức của các bà mẹ đã phần nào thay đổi. Họ đã dần nhận thức được việc làm đó là trái với luân thường đạo lý.
Một góc ở Đỉnh Sơn 2, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị S đã được tu sửa sau khi có tiền bán con trở về
“Những phụ nữ mang thai chúng tôi đều phải giám sát chặt chẽ trong vòng 9 tháng, vài ngày lại đến nhà một lần xem thế nào. Nhiều người từng bán con vẫn có ý định bán tiếp, nhưng giám sát chặt họ không đi nữa. Chúng tôi bắt họ viết bản cam kết, nếu bán con sẽ bị đi tù nên họ cũng sợ”, ông Cụt Văn Thuận, công an viên bản Đỉnh Sơn cho hay.
Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm Nguyễn Hữu Lượng cho rằng, việc buôn bán bào thai là loại tội phạm mới, những phụ nữ đi bán con đều thuộc diện khó khăn, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của địa phương. Theo lời chủ tịch xã Hữu Kiệm, những đứa trẻ được bán với giá khác nhau, tuy nhiên giới tính nữ sẽ cao hơn nam, dao động từ 45-80 triệu đồng. Riêng trong năm 2018 được xem là năm đáng báo động tình trạng này khi những người phụ nữ mang thai thay phiên nhau vượt biên sang xứ người bán con. Họ mặc nhiên định đoạt số phận của những đứa trẻ khi chưa lọt lòng.
“Không ít người mẹ thiếu tình mẫu tử, bán con chỉ vì cần tiền. Họ đưa ra cái lý vì nghèo đói, không đủ ăn, nhưng ở đây họ muốn đổi đời, sắm xe máy, làm nhà chứ không hẳn muốn có cái ăn. Phần nữa, những đối tượng dụ dỗ bảo bán cho người khác nuôi những đứa con ấy sẽ có cuộc sống tốt hơn nên người mẹ tin”, ông Lượng nói.
Chủ tịch xã Hữu Kiệm tiếp tục chia sẻ, khi phát hiện ra những trường hợp buôn bán bào thai, huyện, xã đã họp lên phương án tìm mọi cách ngăn chặn. Lực lượng công an địa phương phối hợp cùng cán bộ được cử đến giám sát rất chặt chẽ từ khi thai phụ mang thai ở tháng đầu cho đến khi sinh. Nhiều người có dấu hiệu muốn đi bán con là công an sẽ đến để kiểm tra và tuyên truyền.
Tuy biết là trái luân thường đạo lý nhưng nếu lơ là một chút, phụ nữ lại tiếp tục đi bán con. Chính quyền địa phương đưa ra nguyên nhân khiến tình trạng buôn bán bào thai có giai đoạn nóng lên. Đó là do nhận thức, đạo lý, lương tâm của người mẹ còn hạn chế, phần nữa do cuộc sống khó khăn và chưa có chế tài xử lý triệt để. Do đó, công tác tuyên truyền vận động phải duy trì thường xuyên, liên tục nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này.
“Tuyên truyền tốt, kiên trì họ sẽ phần nào thay đổi được nhận thức, tuy nhiên cái khó là hiện tại luật chưa có quy định để xử lý. Có những trường hợp bị bắt, họ thừa nhận móc nối đưa phụ nữ đi sang Trung Quốc bán con, nhưng công an chỉ có thể khởi tố về tội đưa người trốn đi nước ngoài trái phép”, chủ tịch xã Hữu Kiệm nói. Ông Lượng lý giải, những người phụ nữ đi bán con thường đi ở tháng thứ 7 đến tháng thứ 9, khi ấy bào thai chưa biết có được sinh ra hay không và quan trọng nhất là không được khai sinh ở Việt Nam, chưa được công nhận là công dân Việt Nam nên rất khó xử lý.
“Sang biên giới, họ không mang người sang mà chỉ mang bào thai sang nên cũng không thể quy vào tội buôn bán người”, ông Lượng trầm tư. Đó cũng là lý do để hơn 22 người phụ nữ ở Hữu Kiệm mặc dù thừa nhận đã mang con sang bên kia bán nhưng vẫn "bình yên vô sự" trở về và sống tiếp như chưa có chuyện gì xảy ra. Hiện tại cách làm tốt nhất là tuyên truyền, giám sát, nhưng cần đưa hành vi buôn bán bào thai vào một loại hình tội phạm, lúc đó người dân mới không thể, không dám bán con.
Vướng quy định cụ thể
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Sỹ Thắng, Chánh văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết nạn buôn bán bào thai xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây và là một loại hình tội phạm mới. Tuy năm 2019 giảm nhưng chưa hẳn đã chấm dứt. “Công an đã bắt và khởi tố nhiều vụ việc liên quan đến mua bán bào thai qua Trung Quốc. Những đối tượng đưa người đi bán bào thai chủ yếu là người ở địa phương, thậm chí từng là nạn nhân trong vụ buôn người. Khi họ trở về nước móc nối với bên kia để đưa phụ nữ mang thai vượt biên sang sinh rồi bán con”, ông Thắng nói.
Những bà mẹ nơi đây đã ý thức được phần nào bi kịch của việc bán con
Một cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cung cấp thông tin, trong thời gian gần đây, công an huyện đã thành lập 11 tổ công tác, mỗi tổ gồm 5 người đến tại các bản có người Khơ Mú để tuyên truyền, vận động. Đa phần, những bà mẹ đi bán con đều rất kín đáo, khi đi thai kỳ đang còn nhỏ, lúc trở về cũng bình thường nên việc phát hiện rất khó. Theo lãnh đạo Công an huyện Kỳ Sơn, dù vấn nạn này đã giảm, năm 2019 chưa phát hiện trường hợp nào nhưng cái khó là chưa có chế tài xử lý các đối tượng liên quan tới mua bán bào thai.
“Công an đã xử lý nhiều vụ, nhưng chỉ dựa vào tội tổ chức đưa người đi ra nước ngoài trái phép chứ không thể quy vào tội buôn bán người. Mặc dù chúng tôi đã đề xuất nhiều rồi nhưng chưa có quy định nào xử lý cho đúng luật”, lãnh đạo này cho hay. Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 25-27 vụ buôn bán bào thai. Riêng trong năm 2018, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em; tiếp nhận hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan.
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 tại chương XIV nêu 5 tội danh: Mua bán người; Mua bán người dưới 16 tuổi; Đánh tráo người dưới 1 tuổi; Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi và Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, trong 5 tội danh, chưa có điều luật, chế tài nào liên quan đến hành vi đưa người vượt biên đi bán bào thai. Đây chính là một kẽ hở của pháp luật, nên để xử lý các đối tượng liên quan đến nạn buôn bán bào thai chỉ dựa trên tội danh “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại Điều 349, Bộ luật Hình sự”. |