Ông lão viết thư thuê xuyên thế kỷ: Sáng mở hàng trưa về với vợ, cả tuần có 1 khách vẫn hạnh phúc

Bảo Bảo - Ngày 21/05/2024 00:00 AM (GMT+7)

Từng là công việc phụ đem lại nguồn thu nhập chính song giờ đây việc viết thư thuê với ông Ge mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn. Với ông, đó là một phần quan trọng của cuộc đời mình, ông sẽ viết đến khi nào còn có thể.

Lóe lên cơ hội kinh doanh ở quận đông dân 

Ge Ming là người gốc thị trấn Tongchuan, quận Santai, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ông là một trong số ít những người có học thức ở quê hương thời bấy giờ, thường giúp những người già mù chữ đọc và viết thư.

Sau khi tốt nghiệp, Ge Ming trở thành nhân viên trong một công ty vận tải. Một ngày nọ vào năm 1989, khi đến bưu điện để gửi thư, ông nhìn thấy rất nhiều người đang xếp hàng trong con hẻm gần đó để chờ đến lượt viết thư. Santai bấy giờ là quận đông dân nhất cả nước, lượng lao động nhập cư ngày một tăng. Vào thời điểm đó, phương thức liên lạc chính là thư tay, người ra vào bưu điện rất đông đúc. 

Ge Ming lúc đó 40 tuổi, đã phát hiện ra cơ hội kinh doanh. Sau đó, ông mua một cây bút và một chồng giấy viết thư, tan làm là ôm bàn gỗ nhỏ ra khỏi nhà, dựng một quầy viết thư. Lúc đó có tới 6-7 người cùng làm công việc này trong ngõ, cạnh tranh rất khốc liệt nhưng ông không bận tâm mà tập trung vào việc phục vụ khách hàng trước tiên.

Nhớ lại chuyện đã qua, ông Ge Ming nhoẻn miệng cười với vẻ tự hào. Để thu hút khách hàng, trước tiên ông nhận đọc thư cho những khách hàng viết thư và tặng phong bì miễn phí.

“Một phong bì tuy không đáng là bao nhưng cũng có thể giúp khách hàng tiết kiệm được chút ít. Hơn nữa, việc tôi giúp khách đọc thư cũng giúp họ hạn chế việc để người quen biết chuyện riêng tư của mình", ông kể lại.

Chiến lược này đã giúp ông nhanh chóng thu hút được nhiều khách hàng, tạo dựng danh tiếng. Với tài viết chữ đẹp của mình, công việc kinh doanh của ông ngày càng thuận lợi hơn. 

Thu nhập phụ còn cao hơn thu nhập chính 

Gia đình ông Ge Ming khi đó không đến mức nghèo nhưng cuộc sống cũng còn nhiều chật vật. Gia đình 3 người họ phụ thuộc cả vào mức lương hàng tháng hơn 30 nhân dân tệ của ông. Để lo cho vợ con cuộc sống tốt hơn, mỗi lúc được nghỉ trưa hay tan làm, ông đều nhanh chóng ra con ngõ gần bưu điện để mở "quán".

Ông Ge Ming đang luyện viết thư pháp.

Ông Ge Ming đang luyện viết thư pháp.

Ông Ge Ming kể rằng, khách hàng lúc đó chủ yếu là những người già mù chữ, đến bưu điện để kiểm tra xem có thư của con cái họ đi làm xa gửi về không, sau đó nhờ người đọc giúp rồi thuê viết thư trả lời. Vì còn bận đi làm công ty nên ông thường mở hàng muộn song với tài viết chữ đẹp lại khéo léo sắp xếp câu chữ, "quán" của ông rất đắt hàng.

"Thời điểm đó, lúc thuận lợi tôi viết được hơn 10 lá thư mỗi ngày, ít cũng 5-6 lá. Trong tháng đầu tiên, tôi đã kiếm được 40-50 nhân dân tệ từ công việc này, trong khi lương công ty chỉ là 34 nhân dân tệ”, ông giải thích.

Với thu nhập từ việc viết thư thuê, điều kiện sống của gia đình ông được cải thiện rất nhiều. Vào cuối tháng đầu tiên có thêm nguồn thu nhập mới, ông Ge Ming mua cho con gái chiếc xe đạp mà cô bé thích đã lâu. Một năm sau, ông chi ra 500 nhân dân tệ để mua chiếc TV đen trắng, cuối cùng cũng có được một “thiết bị điện hữu ích” ở nhà.

Thời bấy giờ, khách hàng có nhu cầu gửi thư đi khắp cả nước, người làm nghề như ông Ge không chỉ viết thư mà còn phải viết cả phong bì. Nếu mỗi lần viết thư lại đến bưu điện để kiểm tra mã bưu chính thì vừa mất thời gian lại còn phiền phức. Nghĩ vậy, ông "bạo tay" chi 25 nhân dân tệ, một số tiền không nhỏ khi đó để nhờ người mua cuốn “Bản đồ mã bưu chính Trung Quốc”. Nhờ vậy, không chỉ công việc của ông nâng cao hiệu quả mà còn thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Sau đó, giá viết thư tay tăng dần, từ 2 xu, 5 xu lên 1 nhân dân tệ, rồi lên 2 nhân dân tệ sau năm 2006. Năm 2005, ông Ge sau khi nghỉ hưu đã dành toàn bộ tâm huyết cho công việc viết thư tay này. Vào thời điểm đó, sự cạnh tranh trong ngành vẫn rất khốc liệt, trong ngõ có gần 10 người viết thư như ông.

Nhưng những thay đổi rồi cũng đến. Trong vòng vài năm sau đó, khi điện thoại di động dần trở nên phổ biến và Internet cũng xuất hiện, công việc kinh doanh của ông ngày càng khó khăn hơn. 10 năm trở lại đây, ông là người viết thư thuê duy nhất còn sót lại trong con ngõ. Bưu điện cũng chuyển sang phố khác nên dòng người càng thưa thớt hơn. Nhưng ông vẫn ở đó bởi theo ông, việc tìm người viết thư ở con ngõ này đã trở thành thói quen từ hàng chục năm nay.

Không có khách mấy nhưng sẽ tiếp tục viết đến hết cuộc đời

Ở tuổi 75, ông Ge vẫn ngày ngày dọn hàng như thường lệ nhưng công việc được mở rộng hơn trước. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, ông đã cung cấp thêm dịch vụ viết đơn xin trợ cấp sinh hoạt với giá 5 nhân dân tệ, thỏa thuận ly hôn với giá 20 nhân dân tệ và đơn ly hôn với giá 40 nhân dân tệ. 

Khoảng 10 giờ sáng ngày 9/5, một người đàn ông 80 tuổi đến gặp ông Ge Ming và bỏ ra 5 nhân dân tệ để viết đơn với mong muốn được rời viện dưỡng lão về nhà sinh sống. Đây cũng là công việc kinh doanh đầu tiên của ông trong một tuần nhưng điều đó không khiến người đàn ông phiền lòng. 

“Tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng tôi rất hạnh phúc”, ông nói. 

Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, ông Ge mở rộng các dịch vụ cung cấp đa dạng hơn.

Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, ông Ge mở rộng các dịch vụ cung cấp đa dạng hơn. 

Nhà ông Ge chỉ cách con hẻm 1 km. Ông thuê góc cầu thang ở tầng một của ngôi nhà nọ để kê bàn ghế cho quầy hàng của mình với giá 180 nhân dân tệ/năm. Sau khi nghỉ hưu, chỉ cần trời không mưa, ông sẽ dựng sạp hàng đúng 9 giờ mỗi sáng, đi bộ về nhà mỗi buổi trưa để ăn cơm với vợ, tiếp tục làm việc cho đến 4, 5 giờ chiều.

Con gái duy nhất của ông hiện đã lập gia đình, ông cũng không phải lo lắng chuyện chăm sóc con cái. Ông không có sở thích chơi bài hay ngồi quán trà nên dành chủ yếu thời gian cho quầy hàng nhỏ. Mỗi lúc rảnh rỗi, ông sẽ lấy bút giấy ra để luyện tập thư pháp.

Cuối năm ngoái, vợ ông qua đời. Người đàn ông này vẫn tiếp tục công việc của mình. Ông cho biết sẽ tiếp tục viết cho đến hết cuộc đời. 35 năm làm nghề viết thư thuê đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời ông.

Ông lão viết thư thuê xuyên thế kỷ: Sáng mở hàng trưa về với vợ, cả tuần có 1 khách vẫn hạnh phúc - 3

Nữ tỷ phú đi lên từ rửa bát thuê, khởi nghiệp ở lề đường với vỏn vẹn 7 triệu đồng tiền vốn
Người phụ nữ được mệnh danh giàu nhất Quảng Châu, Trung Quốc kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ công việc rửa bát thuê, sau đó bắt đầu sự nghiệp...

Tin tốt sáng nay

Theo Bảo Bảo
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tốt sáng nay