Trước quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường có học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện tới trường thì hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm phải chịu trách nhiệm, lãnh đạo nhiều trường cho biết, rất khó để kiểm soát hành vi này.
Trường than khó
Cuối tháng 3 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn tới phòng GD&ĐT các quận, huyện trên địa bàn thành phố yêu cầu tăng cường công tác nhắc nhở quy định áp dụng xử lý các trường hợp học sinh ngồi trên xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm. Trong đó, Sở cũng lưu ý tới trách nhiệm của nhà trường, giáo viên nếu để xảy ra vi phạm.
Dù đồng tình, ủng hộ nhưng lãnh đạo một số trường học cho rằng sẽ rất khó quản lý tình trạng học sinh vi phạm đội mũ bảo hiểm ở bên ngoài nhà trường. Ảnh: Q.Anh
Chia sẻ về công tác tuyên truyền, quản lý học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, bà Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B cho biết, mấy năm trở lại đây, nhà trường đã tuyên truyền về việc học sinh bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, vì việc này ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe, tính mạng của học sinh. Nhà trường cũng đã tăng cường tuyên truyền thường xuyên, dưới nhiều hình thức để học sinh, phụ huynh nắm rõ chủ trương này.
Tuy nhiên, bà Yến cho biết thêm: “Nếu chỉ tuyên truyền thì hiệu quả sẽ không cao, phụ huynh cũng có một số người có ý thức chưa cao. Nhà trường đã tiến hành khảo sát về tỷ lệ học sinh của trường đội mũ bảo hiểm. Năm 2013, tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm khi tới trường là dưới 50%, nhưng năm ngoái đã tăng lên gần 75%.
Dù đã có sự chuyển biến tích cực, song nếu đảm bảo tất cả học sinh trong trường đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện thì nhà trường còn phải quyết tâm hơn nữa. Để đạt được mục tiêu đề ra, nhà trường cũng rất mong có sự ủng hộ của toàn thể phụ huynh trong trường”.
Đồng tình với chủ trương của ngành GD&ĐT Hà Nội, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cho biết: “Tôi rất tán thành chủ trương học sinh ngồi trên xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm. Từ đầu năm học, nhà trường cũng đã tăng cường tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Trường cũng đã áp dụng biện pháp không cho học sinh không đội mũ bảo hiểm vào trong trường. Để thực hiện sự an toàn cho học sinh, nhà trường cần phải nâng cao vai trò của mình trong nhắc nhở, thậm chí xử phạt học sinh vi phạm”.
Giáo viên có bị oan?
Cũng theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, trường nào để xảy ra tình trạng học sinh vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện thì hiệu trưởng, giáo viên phải chịu trách nhiệm, đồng thời nhà trường cũng bị xem xét cắt thi đua trong năm học. Tuy nhiên, quy định này đang khiến nhiều nhà quản lý giáo dục, giáo viên băn khoăn vì việc vi phạm này thường xảy ra ở phạm vi ngoài nhà trường.
PGS Văn Như Cương cho rằng: “Tôi thấy hơi buồn cười khi xem xét trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm trong trường hợp có học sinh vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Không hiểu cắt thi đua để giải quyết gì? Điều này có lợi gì? Nhiều trường đâu có “ham hố” tới thi đua. Tuy nhiên, cần xem xét trách nhiệm của nhà trường, bởi nếu không quản lý chặt, không quan tâm, giáo dục ý thức cho phụ huynh, học sinh thì chuyện này lại tái diễn. Trường sẽ xử lý học sinh vi phạm trên danh sách của công an cung cấp, nhắc nhở trước toàn trường, hạ hạnh kiểm theo quy định, nhưng cũng chỉ đến thế. Học sinh, phụ huynh vi phạm vấn đề vẫn chỉ là ý thức, nhà trường cũng không thể xử lý hơn”.
Quy định mới của ngành GD&ĐT Hà Nội đặt trách nhiệm và cũng sẽ “nặng tay” đối với giáo viên chủ nhiệm có học sinh vi phạm. Một giáo viên tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa (không tiện nêu tên) chia sẻ: “Giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học giờ rất vất vả, ngoài quản lý học sinh trên lớp, còn rất nhiều công việc ngoài giờ như nhận xét học sinh, soạn giáo án... nên hàng ngày đã quá áp lực rồi. Giờ thêm cả nhiệm vụ nhắc nhở phụ huynh, học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nữa. Chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền, chứ nếu chẳng may có học sinh vi phạm, rồi bị cắt hết danh hiệu thi đua của năm thì chúng tôi biết phấn đấu thế nào”.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, từ ngày 10/4 tới, học sinh các trường từ tiểu học, trung học trên địa bàn Hà Nội phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Sở cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra lưu động, không báo trước, tập trung vào giờ cao điểm ở khu vực có trường học. Sở sẽ có biện pháp “rắn” với không chỉ học sinh mà cả Ban giám hiệu trường nếu có học sinh vi phạm. Trước đó, tại TPHCM, hàng tháng Sở GD&ĐT thành phố đều có công văn gửi tới các trường danh sách học sinh vi phạm giao thông trong tháng do Công an thành phố gửi sang. Các hình thức phê bình, nhắc nhở và hạ hạnh kiểm học sinh được Sở đề nghị theo mức độ vi phạm. Các trường phải thực hiện và báo cáo lại cho Sở.
Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an TP Hà Nội), Phòng sẽ thành lập các tổ công tác tuần lưu trên đường, kịp thời phát hiện và xử phạt đối với các trường hợp học sinh, sinh viên và nhất là trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện. Theo quy định, mức phạt đối với học sinh từ 6 tuổi trở lên ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm là 150.000 đồng. Những trường hợp vi phạm sẽ bị lập biên bản, gửi thông báo đến nhà trường, các bậc phụ huynh để phối hợp tuyên truyền, giáo dục, xử lý. |