Việc sản xuất phi thuyền hoàn toàn ở Việt Nam cho thấy nước ta có khả năng xuất khẩu những sáng chế công nghệ bay ra nước ngoài.
Phi thuyền không gian đầu tiên của Việt Nam sẽ bay thử nghiệm tại Bình Dương vào cuối năm nay. Sau đó phi thuyền này sẽ đưa con người bay vào không gian từ thị trấn Alice Springs, Úc. Đằng sau thành quả chế tạo thành công phi thuyền là công sức của một nhóm kỹ sư điều khiển tự động, đứng đầu là chàng trai 32 tuổi - thạc sĩ chuyên ngành điều khiển tự động Phạm Gia Vinh.
Bay cao hơn cả máy bay dân dụng
Được biết sau khi tốt nghiệp tại Pháp anh đã nhận được rất nhiều lời mời ở lại, tại sao anh lại về Việt Nam và dấn thân vào lĩnh vực mới mẻ này?
ThS Phạm Gia Vinh: Tôi quyết định về nước vì tại thời điểm đó máy bay không người lái còn rất mới mẻ đối với người trong nước. Hơn nữa tôi nhận định máy bay không người lái sẽ là một lựa chọn phù hợp với Việt Nam trong phát triển kinh tế cũng như an ninh-quốc phòng. Nó phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện địa hình của nước ta và phù hợp với xu hướng phát triển chung của khu vực và thế giới.
Ý tưởng của anh trong việc chế tạo một thiết bị bay xuất phát từ đâu?
Chúng tôi tiến hành chế tạo “khí cụ bay tầng bình lưu” đáp ứng yêu cầu của một đối tác nước ngoài. Chúng tôi đã tham gia đấu thầu và được đối tác lựa chọn để thực hiện việc nghiên cứu, chế tạo thiết bị này.
Anh có thể nói rõ hơn về các thí nghiệm cũng như độ trần cao 30-50 km mà loại khí cụ bay do anh và các cộng sự chế tạo đã đạt tới?
Sau khi chế tạo thành công, chúng tôi phối hợp với một công ty công nghệ của Singapore, trường ĐH và viện nghiên cứu của nước này tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Ngoài việc bay thử thiết bị, chúng tôi còn kết hợp với bệnh viện ở Singapore thí nghiệm trên chuột bạch. Chúng tôi cho ba con chuột bạch bay cùng thiết bị bay nhằm kiểm tra biến đổi ở cấp độ tế bào của chuột bạch trên môi trường cận vũ trụ để tiến tới bào chế thuốc.
Sản phẩm của chúng tôi đạt 80% yêu cầu, được các đối tác và khách hàng đánh giá rất cao. Trong đó, trần bay của thiết bị này đạt được tới 29,5 km với bán kính bay là 150 km. Độ cao này đã vượt xa tầm hoạt động của các máy bay dân dụng đang có trên thị trường thế giới.
Phi thuyền đầu tiên của Việt Nam do ThS Phạm Gia Vinh và các cộng sự chế tạo thành công, được trưng bày tại Singapore.
Người Việt sẽ du lịch bằng… phi thuyền?
Được biết phi thuyền của các anh sẽ bay thử nghiệm tại Bình Dương vào cuối năm nay, sau đó sẽ đưa con người bay vào tầng bình lưu từ thị trấn Alice Springs, Úc. Anh có thể chia sẻ thêm về kế hoạch trên?
Sau khi được lựa chọn nghiên cứu và phát triển thiết bị bay tầng bình lưu, tôi và đối tác nhận thấy việc đưa người lên tầng bình lưu hoàn toàn khả thi nên nhóm đã quyết định sẽ tiếp tục phát triển thế hệ tiếp theo có khả năng đưa người lên độ cao 30 km hoặc cao hơn để phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch.
Việc triển khai dự án đang được tiến hành với sự tham gia của một số viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Như bạn đã biết công ty sẽ tiến hành kết hợp với một công ty con của NASA, viện nghiên cứu của Singapore và Ấn Độ để triển khai bay thử nghiệm tại Alice Springs vào đầu tháng 11.
Ngay sau đó sẽ chuyển thiết bị về Việt Nam và triển khai bay giới thiệu. Việc sản xuất phi thuyền hoàn toàn ở Việt Nam cho thấy nước ta có khả năng xuất khẩu những sáng chế công nghệ bay ra nước ngoài.
Đừng phê bình môi trường làm việc
Thành công rất nhiều, vậy anh đã từng thất bại chưa?
Tôi nghĩ đã hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ, việc thất bại là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, quan trọng là ta đối đầu và nhìn nhận việc thất bại đó như thế nào.
Có ý kiến cho rằng môi trường nghiên cứu khoa học ở nước ta khó tạo điều kiện để người tài phát triển. Từ câu chuyện của mình, anh nghĩ như thế nào về nhận định này?
Môi trường do những cá nhân trong môi trường đó tạo ra. Tôi nghĩ rằng đã là nhà khoa học thì cần đưa ra giải pháp để tạo được môi trường làm việc cho mình và cho cộng đồng thay vì chỉ phê bình. Những nhà khoa học tiên phong vĩ đại đều phải tự tạo ra môi trường làm việc và nghiên cứu cho mình đấy thôi.
Từ thành quả của mình, tôi không chỉ tạo dựng được niềm tin nơi các đối tác mà còn khẳng định được khả năng tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học quốc tế của người Việt Nam. Chính trong nước nhà khoa học hay doanh nghiệp vẫn có cơ hội khẳng định mình ở môi trường lớn hơn ngoài lãnh thổ.
Vậy anh có kinh nghiệm gì của bản thân để chia sẻ với người đam mê nghiên cứu khoa học?
Trong nghiên cứu khoa học, theo tôi, điều quan trọng đó là đặt ra câu hỏi đúng. Câu hỏi cho bản thân, cho vấn đề cần giải quyết. Bên cạnh đó không thể không tự rèn tính kiên trì và kiên định. Muốn có được sự nhạy bén và tính kiên trì thì mọi hành động đều cần xuất phát từ đam mê. Nếu ta thành công tức ta đã đến đích và nếu ta hài lòng thì ta sẽ không thể đi tiếp.
Xin cảm ơn anh.
Thu hồi được chính xác sau khi bay Ngoài độ trần bay cao, phi thuyền đầu tiên của Việt Nam còn được đối tác nước ngoài ưng ý ở khâu kiểm soát được vị trí hạ cánh của khoang đổ bộ. Đây cũng là yếu tố quan trọng khiến nhóm nghiên cứu giành chiến thắng trong dự án này. Phi thuyền có khả năng được thu hồi chính xác sau khi bay. Nó có thể được điều khiển để hạ cánh trong phạm vi 50-80 km với sai số dưới 50 m. Vì vậy khoang đổ bộ hạ xuống đất sẽ không ảnh hưởng tới người, nhà và các công trình dưới mặt đất, cũng như các thiết bị nghiên cứu đắt tiền sẽ được thu hồi. |