Tết gần đến, nhu cầu mua sắm và cúng lễ tăng cao, làng nghề làm vàng mã ở Bắc Ninh được dịp chạy đua với Tết, nhà nào cũng hối hả đóng gói hàng lên xe tải chở đi khắp vùng miền đất nước.
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, làng Đạo Tú (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) được biết tới như một xưởng sản xuất hàng mã lớn nhất cả nước. Những ngày cận Tết, không khí chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên Đán đã cực kỳ nhộn nhịp và tấp nập.
Không chỉ sản xuất đồ mã phục vụ cho các tỉnh trong nước, đồ mã của làng Đạo Tú còn được xuất sang các nước lân cận như Trung Quốc, Lào... Để cung cấp cho nhu cầu khổng lồ của khách hàng, xe tải chở hàng hóa ra vào làng Đạo Tú luôn tấp nập. Hiện tại, những chuyến hàng cuối cùng đang được hối hả chở đi, gửi đến hàng nghìn đại lý lớn nhỏ khác.
Nguyên liệu chủ yếu của vàng mã là giấy bồi, bột màu, keo hồ... nên mỗi khâu để làm ra sản phẩm đều phải tốn thời gian phơi khô, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu trời nắng thì chỉ cần phơi 30 phút, những nếu ẩm trời thì mất hàng tiếng đồng hồ cho đến vài ngày.
Thời điểm này gia đình anh Tuấn đang phải tất bật làm đồ ông Công ông Táo cả ngày lẫn đêm để kịp có hàng đi giao cho khách. Cả gia đình đều chung tay mỗi người một việc để hoàn thiện hàng sớm nhất. Anh cho biết: "Ngày trước ai cũng đều có việc cả, nhưng giờ có máy móc nên không cần nhiều nhân lực nữa. Giờ nhà tôi cũng chỉ làm thủ công một vài mặt hàng. Còn lại thì đều nhập cả."
"Nghề này cũng vất vả lắm. Nhà nào có vốn nhiều thì thu nhập tốt hơn. Như nhà tôi thì cũng chỉ bình thường thôi." - Anh cho biết thêm.
Tại làng Đạo Tú, việc làm đồ mã thực hiện theo một cách chuyên môn hóa, mỗi gia đình chỉ làm từ 1 đến 2 món đồ chuyên biệt. Ví dụ, có nhà chỉ thực hiện công đoạn ghép đồ và đóng gói, còn công đoạn làm mũ và làm giày lại của một gia đình khác.
Hiện nay, kỹ thuật làm vàng mã ở đây cũng được cải tiến nhiều, từ chất liệu cho đến mẫu mã. Có những bộ váy áo nhìn và sờ vào rất tinh xảo, giống hệt đồ thật. Hoa văn thì đủ cả, thậm chí là chất liệu ren cũng được làm rất giống, cũng là bởi quan niệm "trần sao âm vậy".
Những bộ đồ mã phục vụ Tết Nguyên Đán đã được bày bán khắp nơi trong làng, theo anh Duẩn - một người làm nghề trong làng cho biết, "mỗi bộ có giá từ 20.000 đồng, bộ đẹp nhất là 80.000 đồng. Khi tới tay người tiêu dùng, vì qua nhiều cửa hàng trung gian nên giá có thể đội lên tới 200.000 đồng/bộ".