Tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 23/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ ra nghị quyết về tình hình Biển Đông.
Theo chương trình làm việc của quốc hội Mỹ, nhiều khả năng nghị quyết này sẽ được thông qua trước ngày 26/5/2014.
Ông Bình cũng xác nhận lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về chuyến thăm Washington trong thời gian tới. Dự kiến nội dung của cuộc gặp giữa hai bộ trưởng sẽ tập trung vào các vấn đề nâng cao mối quan hệ song phương, chương trình đàm phán xây dựng Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình.
Một nội dung khác cũng sẽ trở thành đề tài chính trong cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng là vấn đề Biển Đông.
Trước đó, ngày 22/5, Nhà Trắng tuyên bố sẽ ủng hộ việc Việt Nam sử dụng hành động pháp lý đối với Trung Quốc để giải quyết việc Bắc Kinh đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Theo đánh giá của hãng tin Reuters, sự ủng hộ này của Washington có thể sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.
Kể từ khi Trung Quốc tiến hành đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các nghị sỹ Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động này của phía Trung Quốc và ủng hộ thái độ kiên trì, các biện pháp hòa bình của Việt Nam.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain là một trong các nghị sĩ đầu tiên lên tiếng. Ông John McCain cho biết: “Quyết định của Trung Quốc khi đặt giàn khoan dầu ngoài khơi bờ biển Việt Nam và triển khai hàng chục tàu hải quân hỗ trợ là hành động khiêu khích, có liên quan sâu sắc và làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Tàu Trung Quốc đã bao vây và đâm vào tàu kiểm ngư Việt Nam, thể hiện sự quấy rối và hung hăng trên biển. Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đầy đủ cho nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực này”.
Ông Mc Cain khẳng định, những hành động của Trung Quốc khi tuyên bố chủ quyền đối với phần còn lại của vùng biển (Biển Đông) không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Trong thực tế, giàn khoan của Trung Quốc đang gây ra thẳng trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, điều đã được xác định rõ ràng theo luật quốc tế. Bổn phận của tất cả các quốc gia có liên quan là nên thúc giục lãnh đạo Trung Quốc hãy nhanh chóng làm giảm căng thẳng và đưa hiện trạng khu vực trở lại bình thường.