Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực, trong đó quy định độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng. Người dân cần lưu ý những gì?
Quy định độ tuổi được cấp giấy phép lái xe từng hạng
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 ngày 27/6/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trong đó quy định độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được cấp giấy phép lái xe.
Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
+ Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
+ Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
+ Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
+ Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
+ Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
+ Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định độ tuổi của người lái xe trong lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Từ ngày 1/1/2025, độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh minh họa: TL
Vì sao giấy phép lái xe là giấy tờ bắt buộc với lái xe tham gia giao thông?
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hợp nhất năm 2018 về điều kiện tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông như sau:
Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe (bằng lái xe) phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Căn cứ theo Điều 58 Luật Giao thông đường bộ hợp nhất năm 2018, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải có bằng lái xe. Giấy phép lái xe phải phù hợp với loại phương tiện điều khiển. Đây là điều kiện cần, bên cạnh các biện pháp tuân thủ quy định giao thông đường bộ khác.
Hay nói cách khác, cá nhân khi muốn điều khiển phương tiện giao thông bắt buộc phải có bằng lái xe hợp lệ. Trừ các phương tiện không yêu cầu có bằng lái, quy định về độ tuổi được điều khiển phương tiện khác.
Nếu chưa đủ tuổi lái xe phạt bao nhiêu?
Theo Điểm a, Khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019NĐ-CP, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.
Điểm đ, Khoản 5, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).
Theo đó, chủ sở hữu xe cũng sẽ bị xử phạt nếu giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Trong một số trường hợp, nếu gây thiệt hại về tài sản, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng đối với hành vi vi phạm.