Quy định về độ tuổi tối đa của lái xe theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có điểm gì mới so với quy định cũ? Dưới đây là các thông tin chi tiết.
Từ 1/1/2025, độ tuổi tối đa của người lái xe là bao nhiêu?
Theo Khoản 1, Khoản 3 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, từ 1/1/2025, độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
- Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
- Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Theo quy định nêu trên, trong tất cả các loại xe thì chỉ có xe ô tô chở người trên 29 chỗ mới có giới hạn độ tuổi tối đa lái xe.
Theo quy định cũ tại Điểm e Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ.
Như vậy, độ tuổi tối đa của người lái xe chở người trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) của nam tăng thêm 2 tuổi và của nữ tăng thêm 5 tuổi so với hiện hành.
Theo quy định tuổi tối đa của người lái xe ô tô trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ. Ảnh minh họa: TL
Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ
Theo Điều 35. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ được quy định như sau:
- Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải đáp ứng các điều kiện:
+ Được cấp chứng nhận đăng ký xe và gắn biển số xe theo quy định của pháp luật;
+ Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
- Phương tiện giao thông thông minh bảo đảm các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
- Phương tiện gắn biển số xe nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật này.
- Chính phủ quy định chi tiết Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, quy định điều kiện hoạt động của xe thô sơ.
- UBND cấp tỉnh quy định phạm vi hoạt động của xe thô sơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ tại địa phương.
Quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
Người lái xe tham gia giao thông cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
- Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
+ Đăng ký xe;
+ Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định.
+ Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định.
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.