Từ 1/1/2025, quy tắc bắt buộc khi tham giao thông trong hầm đường bộ là gì? Bài viết dưới đây chia sẻ thông tin liên quan để độc giả nắm rõ.
Tham gia giao thông trong hầm đường bộ phải tuân thủ điều gì?
Theo Điều 26, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tham gia giao thông trong hầm đường bộ như sau:
- Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải bật đèn chiếu gần; xe thô sơ phải bật đèn hoặc có vật phát sáng báo hiệu;
- Không dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ; trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng xe, đỗ xe, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải đưa xe vào vị trí dừng xe, đỗ xe khẩn cấp, nếu không di chuyển được, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách bảo đảm an toàn, nhanh chóng báo cho cơ quan Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến hoặc cơ quan quản lý hầm đường bộ.
Từ 1/1/2025, giao thông trong hầm đường bộ được quy định theo Điều 26, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh minh họa: TL
Thế nào là hầm đường bộ?
Theo Luật Giao thông đường bộ 2009, hầm đường bộ là một bộ phận thuộc đường bộ, bao gồm hầm qua núi, hầm ngầm qua sông, hầm chui qua đường bộ, hầm chui qua đường sắt, hầm chui qua đô thị và hầm dành cho người đi bộ.
Trong giao thông, hầm là một công trình ngầm nhằm mục đích vượt qua các địa hình bằng các chui qua nó. Công trình hầm này nằm trên tuyến đường giao thông. Hầm có thể thẳng, cong hoặc xoắn ốc. Ở đầu và cuối đường hầm đều có công trình cửa hầm với kết cấu vững chắc để chống sụt lở và bảo đảm cho tàu xe ra vào hầm an toàn.
Hầm đường bộ bao gồm hầm qua núi, hầm ngầm qua sông, hầm chui qua đường bộ, hầm chui qua đường sắt, hầm chui qua đô thị và hầm dành cho người đi bộ.
Mức phạt dành cho các vi phạm khi lưu thông trong hầm đường bộ
Người điều khiển phương tiện trong hầm đường bộ nếu vi phạm các lỗi này sẽ bị phạt theo các mức tiền như sau:- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô
+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần (Điểm r Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.
(Điểm i khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (Điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
+ Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng nếu tụ tập từ 03 xe trở lên ở trong hầm đường bộ (Điểm đ Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
+ Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần. (Điểm m, Khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Hình thức xử phạt bổ sung: Nếu hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm c, Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu:
(i) Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định;
(ii) Vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;
(Điểm b, d Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông hầm đường bộ nếu vi phạm có thể bị phạt nặng theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa: TL
- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe)
+ Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu chạy xe trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng;
(Điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Hình thức xử phạt bổ sung: Nếu hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.
(Điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu:
(i) Lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ;
(ii) Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định;
(Điểm a, c Khoản 5 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng
(Điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng nếu chạy trong hầm đường bộ không có đèn hoặc vật phát sáng báo hiệu; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;
(Điểm e Khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
Có được quay đầu xe trong hầm đường bộ không?
Theo Điều 15 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về chuyển hướng xe như sau:
Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
Theo quy định trên, người điều kiển phương tiện giao thông không được quay đầu xe trong hầm đường bộ. Do đó, lái xe không được quay đầu xe trong hầm đường bộ.