Dù không thuộc danh mục động vật được phép nuôi tại Việt Nam nhưng gián đất, loài côn trùng gây hại đã “lọt cửa” sinh sôi nảy nở tại nhiều địa phương trên cả nước tự bao giờ.
Những ổ gián chui sinh sôi
Đại diện UBND xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, vào khoảng gần cuối năm 2013, khi được người dân báo ở địa phương có xuất hiện một hộ dân nuôi gián đất, xã đã cử đoàn xuống kiểm tra. Tại cuộc kiểm tra ngày 31-12-2013, cán bộ xã đã phát hiện tại hộ ông Nguyễn Xuân Đ. ở thôn Phú Thọ - chủ Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh ĐT có treo biển ngoài cổng: “Chuyên bán buôn gián đất”. Theo giới thiệu, nơi cung cấp giống từ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang cho ấp nở tới hơn 150kg trứng gián.
Theo ông Nguyễn Xuân Đ., nuôi gián đất tương đối đơn giản, chi phí nuôi rất thấp, để nuôi một kg gián đất chỉ tốn khoảng 12.000 đến 15.000 đồng tiền thức ăn mà giá bán gián đất trên thị trường rơi vào khoảng từ 120.000 đến 160.000 đ/kg.
Gián đất có thể nói là loài côn trùng dễ nuôi nhất, vì nuôi gián đất không cần ấp trứng như dế hoặc sâu mà gián đất sẽ tự sinh ra con, con tự ăn tự phát triển. Tốc độ sinh trưởng của gián đất lại rất cao, một con bố mẹ có thể sinh được khoảng 400 con gián đất con. Sau 30 ngày chúng có thể đạt trọng lượng từ 800 đến 100 con/kg.
Gián đất sinh sổi nảy nở “chóng mặt”
Sau khi phát hiện sự việc, xã Xuân Lai không biết xử lý ra sao đã có văn bản xin ý kiến Sở NN&PTNT tỉnh này. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh đến lúc này cũng “bó tay” với loài côn trùng “lạ” này đã phải xin ý kiến của Bộ NN&PTNT. Sở NN&PTNT Bắc Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh này hiện có 3 “mô hình” nuôi gián đất ở các xã Xuân Lai (huyện Gia Bình), Quảng Phú, thị trấn Thứa (huyện Lương Tài).
Cấm nuôi nhưng vẫn tràn lan
Ngày 8-1-2014, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh có công văn xin ý kiến Bộ NN&PTNT về việc xử lý các mô hình nuôi gián đất trên địa bàn tỉnh này. Cũng đến lúc này, các ngành cũng như Bộ NN&PTNT mới “giật mình”, gián đất dù thuộc loại côn trùng cấm nuôi tại Việt Nam (không có trong danh mục được nuôi) nhưng đã có mặt ở Việt Nam từ bao giờ mà không ai hay.
Tại công văn trả lời ngày 7-3 của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám ký khẳng định: “Việc người dân tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm”. Cũng theo Bộ này, gián đất là loài côn trùng trung gian truyền nhiều loại bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, dịch tả. Hơn nữa, các hóa chất diệt côn trùng theo danh mục của Bộ Y tế cũng có đến 4/10 chế phẩm dùng để diệt gián.
Bộ NN&PTNT cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất trên địa bàn, đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý của các cá nhân có liên quan.
Chưa có tài liệu chứng minh công dụng chữa bệnh của gián đất
Tuy nhiên, đến ngày 17-3, phía Sở NN&PTNT Bắc Ninh vẫn chưa có động thái gì để xử lý số gián nói trên cũng như kiểm điểm trách nhiệm quản lý các cá nhân liên quan. Trả lời từ Sở này vẫn cho biết, Sở chưa nhận được ý kiến của Bộ NN&PTNT!.
Song, không chỉ ở Bắc Ninh mà loài côn trùng này thực chất đã “chui” về nước tự bao giờ. Trên các trang mạng, gián đất được rao bán như rau. Liên hệ với một người phụ nữ tên Lan trên trang rao bán, chị cho biết: “Giá bán là 1.000 đồng/1 con giống, nếu mua với số tiền 2 triệu đồng trở lên sẽ được hỗ trợ cả tiền gửi từ trong miền Nam ra...Tôi cũng vừa bán cho một trang trại ở Hải Phòng”. Cũng theo người bán tên Lan này, gián đất đẻ nhanh nên thời gian đầu chỉ cần mua 2 triệu đồng tiền giống nuôi cho đẻ tiếp là đủ. …
Nguy cơ rình rập
Theo một người chăn nuôi, cứ mỗi 1kg trứng gián có tương đương 2.000 kén trứng. Mỗi kén sẽ nở ra được 8 con, như vậy mỗi kg trứng gián có khả năng sinh sôi ra tới 16.000 con gián đất. Và từ mỗi kg trứng gián đó có thể thu được tới 40-50kg gián khô. Gián đất có 3 giai đoạn sinh trưởng như loại hình hạt vừng; loại có hình hạt đậu tương và loại hạt đậu côve là gián trưởng thành.
TS Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương) phân tích, gián đất là loại côn trùng chân đốt, có vỏ cứng nên tiêu diệt rất khó. Một số tài liệu Trung Quốc có nói gián đất có tác dụng trong Đông y để chữa bệnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. “Cũng giống như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, khi nhập vào không lường hết được tác hại sau này. Vì vậy, cơ quan kiểm dịch của Việt Nam cần phải kiểm soát chặt chẽ đối với loại gián đất”.
Còn PGS-TS Khuất Đăng Long, Phòng Sinh thái Côn trùng, Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật chia sẻ: “Gián là loại côn trùng thường có mầm bệnh không thể kiểm soát. Người dân có thể chạy theo lợi nhuận trước mắt, cái lợi chưa thấy đâu, nhưng cái hại luôn tiềm ẩn nguy cơ rình rập”.