Khoảng 7h ngày 3/8 (chậm hơn dự báo trước đó), bão số 5 sẽ vào vịnh Bắc bộ, cách đất liền khoảng 120m sau đó tiến vào đất liền các tỉnh Đông Bắc bộ. Các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng đang cấp tập chuẩn bị chống bão.
Bão tiếp tục mạnh thêm
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lúc 7h ngày 1/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quẩn đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 7h ngày 3/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Ảnh hưởng của bão sẽ làm vùng biển giữa khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Từ đêm mai (2/8), vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Từ sáng 3/8, vùng ven biển các tỉnh phía Đông Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.
Đường đi của bão số 5 lúc 7h ngày 1/8 (Nguồn: TTDBKTTV)
Từ ngày 3/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn, bão số 5 di chuyển nhanh, có khả năng mạnh thêm và diễn biến phức tạp.
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, hiện vẫn có rất nhiều phương án dự báo bão khác nhau. Tuy nhiên, để phòng chống bão, tốt nhất nên cấm tàu thuyền trên vịnh Bắc bộ trước trưa 2/8, còn trên bờ, mọi công tác phòng chống nên hoàn tất trước tối 2/8.
Chưa nắm được vị trí 8 tàu ở Hoàng Sa
Theo báo cáo số 317/BC-CQTT ngày 1/8 của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB), Tìm kiếm cứu nạn (TKCN/BĐBP), tính đến 6h sáng nay (1/8) Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 35.174 phương tiện/160.817 người biết diễn biễn của bão để chủ động phòng tránh.
Cụ thể, 13 phương tiện/155 người hoạt động ở khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam). Trong đó, Quảng Ngãi có 12 tàu/148 người. Tuy nhiên, hiện tại trong 12 tàu này có 8 tàu tại khu vực Hoàng Sa chưa nắm được vị trí.
Quảng Bình có 1 tàu với 7 người ở khu vực đảo Hải Nam là tàu QB 93452 bị chết máy lúc 14h30 ngày 30/7 ở tọa độ 18010’ độ vĩ Bắc, 109010’ độ kinh Đông. Đến 16h chiều qua (31/7) đã khắc phục được sự cố và đang đề nghị vào trú tránh tại đảo Hải Nam, Trung Quốc. Hiện Bộ Ngoại giao đang đề nghị phía Trung Quốc về việc này.
Còn tàu QB 93792 có 7 người bị hỏng máy lúc 14h30 ngày 30/7 ở tọa độ 17045’ độ vĩ Bắc, 108041’ độ kinh Đông, chiều qua cũng đã sửa được máy và đang chạy về bờ với vận tốc 4 hải lý/giờ.
Hơn 1.300 phương tiện/ hơn 13 ngàn người hoạt động ở khu vực giữa biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa). Gần 44 ngàn phương tiện/ hơn 147 ngàn người hoạt động ở ven bờ, khu vực khác và neo đậu tại bến.
Hiện, tàu cá QB 93792/7 người do ông Lê Trung Kiên làm thuyền trưởng ở tọa độ 17045’ độ vĩ Bắc, 108041’ độ kinh Đông bị hỏng máy cũng đã tạm khắc phục được sự cố máy, đang chạy về hướng Bắc Tây Bắc với vận tốc khoảng 4 hải lý/giờ để nhờ các tàu bạn hỗ trợ kéo về bờ kịp trú bão.
Sẵn sàng sơ tán dân
Nhận định về khả năng chống chịu bão của hệ thống đê biển các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay: “Đê biển của mình chỉ chịu được cấp 8, cấp 9. Nếu không chuẩn bị phương án để sẵn sàng sơ tán dân là rất nguy hiểm”.
Theo dự báo sáng nay của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, khi vào vịnh Bắc bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 5 mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, 12.
Tối qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã ký công điện số 2 về cơn bão số 5 điện Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các tỉnh Bắc bộ cùng các ngành có liên quan.
Công điện yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên tiếp tục thông báo và hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm hiện đang được xác định là vùng biển phía Bắc Vĩ tuyến 14, vị trí vùng nguy hiểm tiếp theo sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của bão.
Các tỉnh chủ động xác định thời điểm cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu nhỏ hoạt động ven bờ; kiểm tra và có phương án bảo vệ an toàn người dân sinh sống ven sông, ven biển, lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy sản, các hầm lò, cầu tàu, bến cảng, các tàu vận tải, tàu thuyền du lịch.
Các tỉnh phía Bắc sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy ơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lo khai thác khoáng sản.
Chỉ đạo vận hành các hồ chứa, có phương án xử lý đảm bảo an toàn cộng trình và hạ du, đặc biệc các hồ đang có sự cố, không tích nước đối với các hồ chưa không đảm bảo an toàn, nhất là các hồ nhỏ.
Hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ rà soát và có phương án tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn gây gập úng.
Đồng bằng Bắc bộ đang tiêu úng nước đệm
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB trung ương, hiện các hồ chứa ở khu vực Ninh Bình trở ra vẫn hoạt động bình thường và đang cấp nước tưới phục vụ gieo cấy vụ Mùa 2013 theo yêu cầu. Mực nước của hầu hết các hồ chứa vừa và lớn ở mức dưới thiết kế từ 1-7m.
Cần đề phòng phương án ngập lụt do mưa trong và sau bão
Riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 2 hồ chứa đang xả qua tràn là hồ Vân Trục tràn 6cm, Suối Sải tràn 4cm. Tỉnh Quảng Ninh có 2 hồ chứa đang xả qua tràn là hồ Khe Chè tràn 35cm; hồ Bến Chân tràn 10cm.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, hiện các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đang gấp rút tiêu úng nước đệm. Hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà đang vận hành trên 50% số máy. Bắc Đuống đang vận hành trạm bơm Đặng Xá. Bắc Hưng Hải đang mở tiêu tự chảy cống Cầu Xe, An Thổ và vận hành trạm bơm My Động với 6/7 máy loại 8.000m3/h. Sông Nhuệ đang mở tiêu tự chảy và vận hành 321 máy bơm.