Những ngư dân sinh sống trên dòng sông Gâm huyền thoại, đoạn chảy qua địa phận hai huyện Bảo Lạc – Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) lâu nay vẫn rỉ tai nhau về nghề săn những “thủy quái sông Gâm” vốn là chúa tể của dòng sông này.
Ẩn mình dưới dòng sông sâu
Sông Gâm được mệnh danh là nơi sống của của “tứ quý hà thủy” và cá Chiên chính là một trong số loài thủy quái đó. Với hình thù giống như một con “quái vật”, đầu cá nham nhở như một khúc gỗ mục, toàn thân trơn nhẵn không vảy, nhưng xù và có màu sắc loang lổ. Bản tính loài cá này dữ dằn và hung ác. Muốn săn được loài cá này phải có lòng dũng cảm, sự kiên trì và sức khỏe.
Với thâm niên hơn 30 năm săn cá Chiên, "thợ săn" Lương Văn Vàng 60 tuổi sống bên bờ sông Gâm, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng hồ hởi kể về chiến tích săn cá của mình: "Tôi không nhớ nổi mình đã bắt được bao nhiêu con cá Chiên nữa. Con cá nặng nhất tôi bắt được là khoảng 60kg".
Cá Chiên có đặc điểm là sinh sống tại các khu vực nước sâu có hang đá, khe đá và đặc biệt là vị trí nước chảy xiết. Chúng nằm sát đáy sông, ẩn mình trong hốc đá khiến thân hình khổng lồ không bị dòng nước cuốn đi và tạo thành nơi ngụy trang, trú ẩn lý tưởng để đón lõng con mồi đi qua. Quan trọng hơn đó là cách nguy trạng tránh được bẫy của các thợ săn đang giăng sẵn khắp dòng sông.
Một thợ săn tại huyện Bảo Lạc bắt được một con cá Chiên khổng lồ tại sông Gâm ảnh chụp 15/5/2014.
"Có một điều đặc biệt ở cá Chiên, không ai nhìn thấy chúng tung tăng bơi lội như những loài cá khác cá Chiên chỉ nằm một chỗ, ẩn mình một góc khuất tối tăm kiên nhẫn chờ và săn đón con mồi đi qua. Chỉ đến khi chập tối, cá Chiên nổi lên một thời gian ngắn rồi biến mất hòa vào dòng nước", ông Vàng thổ lộ.
Với kinh nghiệm của một thợ săn kì cựu, ông Vàng chia sẻ: “Cá Chiên có kích thước rất to, bình thường bắt đã rất khó, đặc biệt khi bị dính bẫy chúng càng trở nên hung dữ, liều lĩnh hơn. Chúng sẵn sàng đâm vào bè mảng và người để thoát thân. Để bắt được loài cá này cần ít nhất 3 người và dùng dây thừng kéo vào bờ vì không thể đưa lên bè mảng do trọng lượng cá này rất nặng dễ làm lật bè”.
Thời kỳ trước đây, cá Chiên còn nhiều không có giá trị kinh tế cao nên hễ có thợ săn nào bắt được là đem cá về mổ thịt khao cả làng và coi như đó là “lộc trời” ban tặng và đầu cá Chiên thường được thợ săn đem làm lễ cúng thần linh để tỏ lòng thành kính của mình”.
Theo chân thợ săn bắt “thủy quái” sông Gâm
Để bắt được loài “thủy quái” khổng lồ vốn được mệnh danh là “chúa tể” sông Gâm, khi các “cần thủ” đi câu thường không đi riêng lẻ mà phải có 2 – 3 người. Dụng cụ săn cá là những can nhựa, phao, xăm xe máy được buộc vào những cây lao sắc nhọn. Khi cá Chiên dính bẫy câu, mắc lưới thì phóng lao thẳng vào đầu thì mới bắt được cá Chiên.
Một thợ săn giết mổ một con cá Chiên
T (26 tuổi) một tay săn cá Chiên có tiếng ở Bảo Lạc. T có trong tay bộ cần câu nhập nguyên bản từ Nhật có thể chịu được trọng lượng 50kg. Để chứng minh khả năng đi săn loài “thủy quái” bậc nhất sông Gâm của mình, “cần thủ” T đưa tôi xuôi theo dòng sông Gâm hướng huyện Bảo Lâm, cách thị trấn Bảo Lạc áng chừng 10 – 15km. Đây là vị trí quen thuộc mà “cần thủ” này thường hay lui tới, nơi đây không chỉ hoang vắng, mà theo “cần thủ” T thì đây là vị trí đắc địa có khe nước sâu, dòng nước chảy xiết là điều kiện cơ bản có loài cá Chiên ẩn náu.
Ngồi hơn 2h đồng hồ ba chiếc cần câu không hề nhúc nhích, T phân trần: “Trước đây các “cần thủ” hoặc “thợ săn” một ngày câu và bắt được vài con cá Chiên là chuyện quá bình thường, nhưng bây giờ loài cá này chỉ còn trên đầu ngón tay, may mắn mới câu được cá.
Người dân đang quăng chài trên dòng sông Gâm đoạn chảy qua huyện Bảo Lâm.
Và cũng từ lúc này “cần thủ” T bắt đầu kể về chuyến săn “một mất, một còn”. Nếu vào mùa khô, nước nông và trong vắt các thợ săn thường đi săn vào ban đêm đồng thời tránh cơ quan chức năng phát hiện, thợ săn thường mang theo những cây lao đầu sắt sắc nhọn, phao, bao tải…khi phát hiện cá chiên cây lao trong tay các cần thủ phóng thẳng vào đầu cá và ít nhất phải 2 – 3 người cùng lao vào bắt kéo vào bờ.
Tần ngần một lúc, T bắt đầu kể về cuộc chạm trán mà suýt nữa đã phải bỏ mạng vì loài “thủy quái” này: "Có một lần đi câu, ngồi từ sáng đến chập tối cần và dây câu mới bắt đầu có sự dịch chuyển khác thường. Bất ngờ dưới dòng nước chảy xiết một con cá khổng lồ giống như cá mập đang mắc câu, lao đi lao lại như một con thú dữ hòng thoát thân. Sau khi dùng đèn pin soi và với kinh nghiệm của mình tôi phát hiện đây là cá Chiên nên để bắt gọn, dây câu bắt đầu được thả ra để cá Chiên vùng vẫy, đến khi mệt sẽ kéo vào bờ. Sau hơn 1h đồng hồ thấy cá Chiên không động đậy và nổi lềnh bềnh trên mặt nước, tôi từ từ kéo và rút ngắn dây câu vào bờ để tóm gọn cá".
Khi chỉ còn cách bờ 2 mét con cá Chiên bất ngờ tung mình nhảy vọt ra ra giữa dòng sông chảy xiết: “Lúc đó dây câu buộc vào tay, trời lại tối con cá Chiên quá khỏe cú giật mạnh lôi hẳn tôi lao xuống sông, may mắn dây câu không chịu được nên bị đứt chứ nếu không lúc đó, trời tối và vị trí câu dòng nước chảy xiết mà kéo ra sông mất mạng như chơi rồi”, T kể lại.
Kết thúc buổi đi câu với T, tôi cũng hiểu được phần nào về loài cá Chiên được mệnh danh là “thủy quái” sông Gâm. “Cần thủ” T cũng “bật mí” lợi dụng việc câu cá, quăng chài để che mắt cơ quan chức năng nhiều thợ săn khi bắt được cá Chiên thường cho vào bao tải đem về nhà và gọi điện thoại cho các con buôn, nhà hàng… đến tận nhà để lấy nên thường ai phát hiện.
Loại cá này bị nhiều ngư dân truy bắt bởi có giá rất đắt, giá mua tại chỗ không dưới 400.000 đồng/kg và khi chuyển về những nơi tại Hà Nội thì giá đắt gấp nhiều lần.
Sương khói màn đêm bắt đầu dần buông xuống, cũng là chúng tôi chuẩn bị rời ngút ngàn nơi đây với một nỗi lòng trĩu nặng trước sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên. Trong đó, vấn nạn săn bắt cá Chiên trái phép là một ví dụ điển hình mà chúng tôi được chứng kiến.
Cá chiên có tên khoa học là Bagarius, thuộc cấp độ V - nhóm nguy cơ có thể bị tuyệt chủng. Đây là một trong 4 giống cá nước ngọt quý hiếm được coi là "Tứ quý hà thuỷ" gồm cá anh vũ, cá chiên, cá lăng và cá bống sinh sống trên dòng sông Gâm. |