Lớn lên trong “gia đình im lặng”, đến Trịnh Châu học đại học, rồi được bảo đảm thẳng vào chương trình tiến sĩ tại đại học danh tiếng Trung Quốc Thanh Hoa, con đường tuy gập ghềnh nhưng cuối cùng cậu cũng đến đích.
Gia đình không tiếng nói đã dạy tôi sự tự lập và kiên cường
Shi Xiangli sinh ra ở Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc. Cha mẹ cậu đều khiếm thính và trong nhà còn một em gái. Lớn lên trong môi trường không có âm thanh, Shi Xiangli ít giao tiếp với người khác. Khi nhận ra gia đình mình khác biệt với những người xung quanh, cậu càng trở nên trầm lặng, nhút nhát và tự ti hơn.
Năm học trung học, lần đầu tiên cậu chủ động chào hỏi người khác, trong lòng rất căng thẳng, lo người khác không đáp lại. May mắn thay, Shi Xiangli đã nhận được phản hồi tích cực. "Lần đầu tiên chào hỏi, tôi nhận ra điều đó khá tuyệt vời". Kỷ niệm này càng ngày càng rõ nét trong tâm trí chàng trai.
Đến khi cấp 3, Shi Xiangli lần đầu tiên chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình và dỡ bỏ được gánh nặng tâm lý trong lòng. Lần đó, cô giáo ngữ văn yêu cầu mỗi tuần học sinh tự chuẩn bị và thuyết trình trên lớp.
"Cha tôi chưa bao giờ đi học nhưng rất giỏi sửa chữa đồ điện gia dụng".
Shi Xiangli bước lên bục với tâm trạng hồi hộp, không khỏi nói lắp bắp, thậm chí có lúc im lặng đến mười mấy giây. Được cả lớp vỗ tay nhiệt tình ủng hộ, cậu đã lấy lại tinh thần và tiếp tục buổi thuyết trình. Trải nghiệm này như một tia sáng chiếu rọi vào tâm hồn của cậu.
"Lên lớp 12, tôi đã hoàn toàn hòa hợp với gia đình mình, không còn cảm thấy bị người khác khinh thường hay thương hại vì hoàn cảnh gia đình. Tôi nhận ra rằng chia sẻ không có gì đáng sợ, gia đình cũng không có gì phải giấu giếm", Shi Xiangli nói.
Trong lòng Shi Xiangli, hình ảnh người cha luôn hiện lên một cách vĩ đại. Tinh thần của cha đã truyền cảm hứng cho cậu vượt qua khó khăn, dũng cảm tiến về phía trước và chiến thắng sự tự ti trong quá khứ.
Shi Xiangli nhớ lại, do hoàn cảnh đặc biệt, từ nhỏ, cha cậu đã theo ông nội đi khắp nơi để học nghề nhưng đều bị từ chối, không có cơ hội đi học. Vì vậy, cha cậu đã quyết tâm tự học sửa chữa đồ điện gia dụng. Để có thể đọc hiểu sơ đồ mạch điện, ông ngồi dưới đất, dùng cành cây vẽ theo từng nét, bắt chước người ta. Khi đã nhận biết được một số chữ, ông bắt đầu tháo rời các đồ điện gia dụng cũ, đối chiếu với sơ đồ mạch điện, nhìn vào bảng mạch, lặp đi lặp lại việc nối dây, lắp ráp và thử nghiệm.
Cuối cùng, ông đã tự học thành tài, mở một cửa hàng nhỏ và trở nên nổi tiếng khắp vùng. Shi Xiangli nhớ có lần đi taxi về nhà, nhìn thấy địa chỉ trên GPS, tài xế taxi nói: "Ở đây có một người sửa đồ điện rất nổi tiếng". Lúc đó, Shi Xiangli cảm thấy rất tự hào.
"Tôi rất ngưỡng mộ cha mẹ. Họ tự lập, chăm chỉ làm việc. Trải qua rất nhiều khó khăn vì cái nghèo, cha mẹ không muốn tôi đi lại con đường ấy nên luôn động viên tôi học hành. Đó chính là động lực để tôi nỗ lực, không ngừng vượt qua bản thân", cậu nói.
“Người dũng cảm sẽ tận hưởng cuộc sống trước tiên"
Năm 2021, Shi Xiangli thi đỗ vào Khoa Toán và Thống kê, Đại học Trịnh Châu. Lúc đầu, anh duy trì thói quen học tập ở cấp 3 và cuối học kỳ đầu tiên, anh đạt hạng nhì của lớp. Lúc này, anh nhận ra mình rất quan tâm đến máy tính nên đã chuyển sang ngành Khoa học máy tính vào học kỳ hai năm nhất.
Trong một lần trò chuyện cùng bạn, anh nghe nói phòng thí nghiệm của khoa đang tuyển thành viên. Sau khi hoàn thành các bài kiểm tra, anh chính thức vào phòng thí nghiệm và bắt đầu tham gia nhóm nghiên cứu.
"Mọi người đều rất chăm chỉ, cùng nhau trao đổi ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi khi có cuộc thi, mọi người đều vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cùng nhau hợp tác vì dự án chung", Shi Xiangli nhớ lại.
Sáng tạo khoa học công nghệ không tránh khỏi thất bại, Shi Xiangli thừa nhận đôi khi anh cũng nản lòng. Một lần, khi làm dự án sáng tạo của sinh viên, anh cố gắng tạo ra một robot đa chức năng. Vì đề tài rất mới nên anh cảm thấy lo lắng: "Nếu khó làm thì sao? Nếu không làm được thì sao?"
Thế rồi, Shi Xiangli dựa vào tường, lấy lại bình tĩnh, từng bước giải quyết các mô-đun của robot, cẩn thận lắp ráp chúng lại với nhau, dần dần hình dạng của robot đã xuất hiện. Lần thử nghiệm này như một tia sáng, khích lệ cậu rất nhiều.
"Tôi chợt nhận ra mình cần thử những điều mới, không bị giới hạn bởi những suy nghĩ quá mức của bản thân. Hãy cứ mạnh dạn làm, không thành công cũng không sao, thành công thì càng tốt", Shi Xiangli nói.
Dự án của nhóm cậu sau đó còn giành giải Nhất quốc gia tại cuộc thi Sáng tạo Trí tuệ nhân tạo cho sinh viên đại học Trung Quốc. Trong nhóm, Shi Xiangli cũng trở nên tự tin và cởi mở hơn. Là trưởng nhóm, cậu đã nhiều lần dẫn dắt đội tham gia các cuộc thi khác nhau, tự tin giới thiệu và trình bày kết quả nghiên cứu của đội.
"Cuộc sống nhất định phải dám thử, những người dũng cảm sẽ tận hưởng cuộc sống trước tiên", Shi Xiangli nói.
Sau khi đạt được suất nghiên cứu sinh trực tiếp với kết quả cao nhất chuyên ngành, anh ấy đã nỗ lực tìm kiếm và sắp xếp thông tin, muốn thử những khả năng khác nhau và tìm kiếm hướng đi phù hợp với mình. Shi Xiangli đã gửi sơ yếu lý lịch của mình đến địa chỉ email của người hướng dẫn cậu luôn ngưỡng mộ. Và sau khi thực hiện các bài kiểm tra liên quan rồi phỏng vấn, cậu cuối cùng đã trở thành một nghiên cứu sinh tiến sĩ trực tiếp tại trường Cao học Quốc tế Thanh Hoa Thâm Quyến.
Với Shi Xiangli, kết giao với những người tài giỏi giống như cơn gió xuân thổi qua tâm hồn, làm tươi mát những vùng đất khô cằn. Tất cả trải nghiệm đó đều trở thành những ngôi sao sáng trong cuộc đời cậu, tỏa sáng rực rỡ, giúp Shi Xiangli cảm nhận được mọi vẻ đẹp của cuộc sống.
"Mỗi người muốn trở nên xuất sắc đều phải có mục tiêu phấn đấu, chỉ khi hướng tới ánh sáng, theo đuổi ánh sáng, chúng ta mới có thể trở thành ánh sáng và tỏa sáng. Hãy nỗ lực để trở nên xuất sắc hơn, trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình", Shi Xiangli tràn đầy niềm tin vào tương lai.
Chàng trai cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực mình đang theo đuổi, mang theo những kỳ vọng của gia đình và trải nghiệm trưởng thành trong quá khứ để tiếp tục dũng cảm tiến về phía trước!