Ngày Rằm tháng Giêng cận kề, người dân Hà Nội nô nức mua sắm đồ cúng lễ. Đầy đủ mọi mặt hàng được bày bán khắp các khu chợ với mức giá tăng cao, xấp xỉ đợt giáp Tết Nguyên đán.
Rằm tháng Giêng hay còn được gọi là Tết Nguyên tiêu, là một trong những lễ cúng quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhiều gia đình Việt. Vào ngày này, các gia đình có xu hướng làm những mâm cỗ thịnh soạn để cúng ông bà, tổ tiên với mong muốn cầu một năm mạnh khỏe, mọi việc như ý.
Với quan niệm "Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng", rất nhiều người Hà Nội đã chuẩn bị mua đồ lễ để cúng rằm tháng Giêng từ sớm. Theo ghi nhận, từ trước ngày ngày 15 tháng Giêng, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội đã nhộn nhịp người mua, người bán các đồ lễ để cúng ngày rằm đầu tiên của năm Ất Tỵ.
Người dân Hà Nội đi chợ mua sắm đồ phục vụ rằm tháng Giêng từ sớm
Tại khu phố cổ Hà Nội, lượng người và phương tiện đổ dồn về các chợ khá đông để sắm sửa thực phẩm và đồ cúng lễ, nhất là trong ngày cận kề rằm tháng Giêng. Đặc biệt tại chợ Hàng Bè, nơi thường được người dân Thủ đô gọi là "chợ nhà giàu" đông vui nhộn nhịp hơn hẳn các khu chợ khác.
Chợ Hàng Bè nhộn nhịp người đi mua sắm đồ ăn thức uống
Mọi mặt hàng đều bán chạy với mức giá “nhỉnh” hơn ngày thường
Tại đây, mặt hàng gà cánh tiên ngậm hoa hồng được quan tâm nhất. Tùy vào kích thước, trọng lượng mỗi con gà có giá khoảng 600.000 - 800.000 đồng/con, đây là mức giá vẫn duy trì từ trước Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, chim quay, xôi gấc, giò chả cũng được bày bán với mức giá “nhỉnh” hơn ngày thường: Xôi gấc 50.000 đồng/đĩa, chim quay giá 150.000 đồng/con, canh bóng bì giá 150.000 đồng/bát, nem thịt giá 120.000 đồng/10 chiếc, canh măng mọc giá 150.000 đồng/bát,...
Gà cánh tiên ngậm hoa hồng vẫn có giá gần 1 triệu đồng/con
Canh bóng cũng được bày bán sẵn, tiện lợi cho người nội trợ
Tại chợ Thanh Hà, ngõ chợ lâu đời nhất phố cổ Hà Nội cũng tấp nập người đi mua sắm đồ cúng lễ rằm tháng Giêng. Ở đây không thiếu thứ gì, người dân có thể chọn mua từ rau xanh, thịt gà, giò chả, nem rán, xôi đĩa, nguyên liệu nấu canh,... hay các món ăn được chế biến sẵn khác.
Xôi, chả nem các loại sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng dịp rằm tháng Giêng
Dạo quanh các khu chợ lớn khác trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm (Hai Bà Trưng), chợ đầu mối Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) đến các chợ dân sinh nhỏ ở khu vực Thành Công (Ba Đình), Khâm Thiên, Kim Liên, Ngã Tư Sở (Đống Đa) luôn đầy đủ các mặt hàng cúng lễ với mức giá cao hơn ngày thường.
Đủ mọi loại hoa quả tươi làm đồ cúng lễ với giá thành tăng cao
Các cửa hàng hoa quả tấp nập người mua dù mức giá tăng mạnh: Cam 90.000 đồng/kg, xoài xanh 55.000 – 80.000 đồng/kg (tùy loại), xoài cát 70.000 - 100.000 đồng/kg… Chuối là mắt hàng được nhiều người lựa chọn mua trong dịp này và vẫn đắt ngang ngửa dịp trước Tết Nguyên đán.
Theo hầu hết tiểu thương ở các khu chợ Hà Nội, giá chuối tăng khoảng 20-30% so với ngày thường. Ngoài ra, phật thủ cũng là mặt hàng được ưa chuộng và đắt hàng trong mấy ngày này. Theo đó, giá phật thủ dao động từ 90.000 - 500.000 đồng/quả, thậm chí lên tới tiền triệu mỗi quả.
Phật thủ được bày bán nhiều, cũng có giá đắt đỏ
Tại hầu hết các khu chợ, cau vẫn là mặt hàng bán chạy, đặc biệt là cau đẹp. Giá cau đã “phi mã” lên mức 20.000 - 30.000 đồng/quả, đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần ngày thường và hiện vẫn giữ nguyên trong ngày rằm tháng Giêng.
Cau vẫn là mặt hàng được săn lùng và chưa “hạ nhiệt” so với Tết Nguyên đán
Hoa tươi cũng đắt hàng, nhiều người còn chọn hoa bưởi đầu mùa để cúng lễ có giá từ 40.000 đồng/bó nhỏ. Giá hoa hồng (loại có cành lộc) dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/cành, hoa hồng loại thường 80.000 - 120.000 đồng/chục, hoa cúc đại đóa 90.000 - 120.000 đồng/chục, hoa ly 280.000 - 360.000 đồng/chục,...
Nhiều người chọn hoa bưởi thay thế hoa tươi khác để cúng lễ
Nhìn chung, mọi mặt hàng trong dịp rằm tháng Giêng tại Hà Nội đều tăng, nhất là sản phẩm phục vụ cúng lễ. Dù giá thành cao, nhưng đó đều là những món đồ không thể thiếu trên ban thờ của các gia đình vào ngày Tết Nguyên tiêu này.
Cũng tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng mỗi gia đình, mỗi vùng miền có thể khác nhau. Thế nhưng, việc sắm lễ cúng rằm tháng Giêng tươm tất đều là để thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và cầu mong một năm an lành, may mắn.