Sét liên tục giáng xuống các vùng quê nghèo gây thiệt hại về người và của. Người dân tự đặt ra những câu chuyện nhuốm màu thần thoại để lý giải.
Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 44 người bị sét đánh, tập trung nhiều nhất vẫn là huyện Tháp Mười.
Không chừa ai
Nhiều bạn bè, người thân lần lượt ra đi sau những lần sét đánh gây nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với ông Trần Văn Hiền ở ấp 3, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Khu nhà của hợp tác xã tại thôn Tân Hiệp, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa bị sét đánh nứt toác Ảnh: KỲ NAM
Ông Hiền cách đây không lâu đã chứng kiến cha con ông Út Điệp (người cùng xóm) đi phát dọn cỏ thuê kiếm sống bên bờ kênh Gió Giáp thuộc ấp 3 thì bị sét đánh chết. Một lần khác, gần tối, ông phát hiện 1 thanh niên khoảng 30 tuổi bị sét đánh cháy nám nửa cơ thể với vết rách trải dài từ đầu đến mông. Cũng tại khu vực này, ông từng nhìn thấy 1 thanh niên khác bị sét đánh rơi xuống kênh chết thảm. Hầu hết những người chết chủ yếu là dân nghèo từ tỉnh Bến Tre hoặc Tiền Giang đến đây làm thuê.
Chính anh rể của ông là Nguyễn Văn Phúc cũng bị sét đánh chết khi cùng gia đình đi cắt lúa thuê tại địa phương. Ông Phúc nghiện rượu nên đi đến đâu cũng mang theo một số cần câu để nhử bắt chim cò làm mồi nhậu. Vào buổi sáng định mệnh, ông Phúc đi cắm câu thì cơn mưa kèm theo sấm sét ập đến. Khoảng 1 giờ sau, người đi cùng với ông Phúc mới bò về báo tin ông Phúc đã qua đời trong sấm sét. "Qua mấy vụ sét đánh kinh hoàng mà tôi từng chứng kiến mới ngẫm ra rằng ông "thiên lôi" không chừa một ai, kể cả những người sống đàng hoàng, tử tế" - ông Hiền nói.
Nhà bà Âu Thị Đẫm ở ấp 3, xã Hưng Thạnh trước đây có 2 máy tuốt lúa nên cần 15 người phụ giúp. Chiều 31-3-2006, sau khi tuốt lúa xong thì trời đổ mưa. 15 người chia làm 3 nhóm chui vào tấm bạt nhựa dùng để che lúa và máy móc tránh mưa. Một lúc sau, những người có mặt trên các ghe chở lúa gần đó nghe tiếng sét đánh rồi phát hiện 5 người chết tại chỗ.
Theo ông Lê Văn Hiền (chồng bà Đẫm), nếu vụ mùa năm đó không xảy ra vụ sét đánh tập thể làm chết nhiều người như vậy thì gia đình kiếm không dưới 4.000 giạ lúa. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh đó đã làm vợ chồng ông suy sụp. Họ quyết định tháo bỏ cả 2 máy tuốt lúa đem bán sắt vụn. Thế mà chỉ 1 năm sau, bà Đẫm còn chứng kiến 1 thanh niên bị sét đánh chết đứng trên máy tuốt lúa cũng ở cánh đồng này.
"Khu vực này trước đây người ta gọi là hầm cá sấu. Không biết ở dưới mặt đất có gì phía dưới mà sét cứ tìm đánh hoài. Ông dượng của vợ tôi và người con trai cũng đã chết do sét đánh trong lúc đi dọn cỏ thuê. Những người đó đều là dân làm ăn đàng hoàng mà ông trời cũng nỡ lòng nào cướp đi mạng sống của họ" - ông Hiền nghẹn ngào nói.
Chưa rõ lý do
Còn tại UBND xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, nhiều thiết bị điện, máy tính ở trụ sở xã bị sét đánh cháy. Vì thế, mỗi khi nghe giông sét là tất cả phòng, ban UBND xã A Dơi đều tắt hết các thiết bị điện để giữ gìn tài sản.
"Chúng tôi không hiểu lý do gì khiến vùng đất này bị sét đánh nhiều đến vậy. Từ hiện tượng này, thời gian qua, một số người phỏng đoán rằng do địa bàn A Dơi chứa mỏ khoáng sản gì đó hoặc do địa hình nằm cao hơn các địa phương khác. Nói chung đến nay vẫn chưa có gì rõ ràng về tình trạng trên" - một lãnh đạo UBND xã A Dơi nói.
Ông Võ Văn Ẩn, Trưởng thôn Tân Hiệp, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cho biết những trận sét kinh hồn thường xảy ra từ tháng 4 kéo dài đến tháng 9 âm lịch hằng năm, cao điểm cứ 2-3 ngày có 1 đợt. Có những trận mưa dài, sấm sét đánh liên tục 4-5 lần, còn bình thường thì đánh 1-2 cột sét. Nhà cửa, vật dụng của người dân không năm nào là không hư hỏng.
Theo ông Ngô Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thượng, không chỉ Tân Hiệp, sét đánh thường xuyên xuống cả 7 thôn trong xã, làm chết hàng chục người. Đa số đều xảy ra ngoài đồng. Từ sau vụ sét đánh chết người tập thể làm 12 người thương vong ngay sân phơi lúa ở Tân Hiệp, xã đã yêu cầu người dân thấy giông đến phải bỏ về ngay, nhờ vậy không xảy ra chết người nữa. "Tuy nhiên, ở các xã giáp ranh, chung cánh đồng với Ninh Thượng lại xảy ra nhiều vụ sét đánh chết người, như ở xã Ninh Sim mới có vụ sét đánh chết 1 người đàn ông, xã Ninh Xuân sét đánh 2 vợ chồng, xã Ninh Trung cũng có nhiều người chết vì sét" - ông Đại cho biết.
Nhiều người lý giải khu vực này có mỏ, người thì cho rằng do sử dụng điện thoại di động. Một số người khác lại cho biết vùng đất này tựa như một lòng chảo, phía Tây Bắc có núi Vọng Phu án ngữ, phía Đông Nam là núi Ổ Gà. Cánh đồng cũng đặc biệt với những tảng đá mồ côi rất lớn. Việc sét đánh chết người ở vùng này được bà Nguyễn Thị Xàng - ở thôn Đồng Xuân, xã Ninh Thượng - cho biết người dân truyền tai nhau một câu chuyện nhuốm màu thần thoại về thần sét.
Theo đó, thôn Đồng Xuân trước đây mang tên "Hòn đá vàng" vì trên đường vào thôn có một hòn đá rất lớn nằm ở bên đường cái. Tương truyền ngày xưa, có ông khổng lồ đã gánh 2 quả núi đi ngang qua thôn này nhưng không may bị đứt gánh, một quả núi rơi xuống rồi để lại "Hòn đá vàng". Kể từ đó, vùng đất này bị sét đánh liên miên.
Về các cơ sở khoa học, theo ông Ngô Xuân Đại, UBND xã Ninh Thượng đã nhiều lần đề nghị cấp trên vào cuộc khảo sát, điều tra. Nhưng đến nay, chưa có đơn vị nào lý giải được lý do vì sao ở đây lại hay bị sét đánh. Hiện nay, UBND thị xã Ninh Hòa giao cho công ty điện lực nghiên cứu, xem xét cách phòng tránh sét cho người dân.
Kỳ tới: Sai lầm chết người khi sét đánh
Mua bảo hiểm tai nạn điện Ông Lê Thanh Tùng, chồng một nạn nhân của vụ sét đánh ở thôn Tân Hiệp, cho biết người dân rất hoang mang vì sét nhưng không biết cách làm cột thu lôi. Gia đình ông đành mua bảo hiểm tai nạn điện. Mới đây, bảo hiểm không chịu trả cho mấy người bị sét đánh vì lý do là điện trời. Mọi người cũng đấu tranh nên sau đó bảo hiểm bán thêm gói bảo hiểm sét đánh mà tiền thì tăng từ 50.000 đồng lên 250.000 đồng/hộ. Giá tăng cao nhưng cả thôn này ai cũng mua bảo hiểm. K.NAM |