Ngày 23 tháng Chạp, các gia đình chuẩn bị lễ vật để cúng ông Táo về chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những việc tai nghe mắt thấy ở trần gian.
Trước khi thực hiện nghi thức cúng ông Táo cũng như bài khấn cúng ông Táo, chúng ta cùng tìm hiểu qua nguồn gốc của tín ngưỡng này.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh trong sách "Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam" (NXB Văn hóa Dân tộc), Táo quân nghĩa đen là "vua bếp". Táo quân thường được tôn là "đệ nhất gia chi chủ", tức là vị chủ thứ nhất của một nhà. Vì vậy, mỗi khi cúng lễ đều phải cúng Táo quân trước và xin phép để những vị được cúng lễ có thể tới thụ hưởng.
Mâm cúng trang trọng trong tết ông Công 23 tháng Chạp
Táo quân là ông "vua Táo" định phúc đức cho gia đình. Phúc đức này do sự ăn ở phải đạo hay trái đạo của gia chủ và người nhà.
Vua bếp có ba ngôi, gồm ba vị thần linh. Theo nhà nghiên cứu Toan Ánh, sự tích Vua bếp như sau:
Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia, chồng là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Vợ chồng lấy nhau đã lâu nhưng không có con, buồn phiền thường cãi cọ. Một hôm, Trọng Cao giận quá đánh vợ.
Bị chồng đánh, bực mình Thị Nhi bỏ nhà ra đi, gặp một chàng trai là Phạm Lang. Phạm Lang khéo léo nên cùng Thị Nhi ăn ở thành vợ chồng.
Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ đã bỏ đi bèn lùng kiếm khắp nơi để xin lỗi nhưng mãi không thấy. Bỏ cả công ăn việc làm, đi khắp chốn nên hết tiền, Trọng Cao phải hành khất lần hồi.
Một ngày Trọng Cao vào nhà kia ăn xin. Bà chủ nhà mang cơm ra cho, Trọng Cao nhìn chính là vợ mình. Thị Nhi cũng nhận ra chồng cũ. Đôi bên tỏ hết nỗi niềm cùng nhau. Thị Nhi cũng hối hận đã trót lấy Phạm Lang.
Đôi bên cùng nhau hàn huyên, nhưng chợt Thị Nhi nghĩ nếu bất thần Phạm Lang trở bề bắt gặp thì thật là khó ăn khó nói. Nàng liền bảo người chồng cũ hãy tạm ẩn ở đống rơm ngoài vườn để mình lo liệu sao cho mọi việc được vẹn toàn.
Hôm đó, Phạm Lang về nhà bỗng nhớ ngày mai không có tro bón ruộng, bèn châm lửa đốt đống rơm để hôm sau lấy tro. Trọng Cao lúc ấy vì ban ngày đi nhiều mỏi mệt đã ngủ say trong đống rơm và ở trong nhà Thị Nhi cũng đã ngon giấc.
Đống rơm bốc cháy phừng phừng, Trọng Cao bị đốt. Thị Nhi chạy ra, biết Trọng Cao bị đốt chết, thương quá cũng nhảy vào đống rơm và thiệt mạng.
Phạm Lang thấy Thị Nhi chết, thương xót nhảy vào đống rơm theo vợ và cũng chết cháy. Thế là cả hai ông một bà đều bị chết thiêu.
Cá chép được phóng sinh ra sông hay ao sau khi cúng lễ. Theo tín ngưỡng người Việt, cá chép sẽ hóa rồng đưa ông Công ông Táo lên chầu trời.
Cũng có sách chép hơi khác ở đoạn cuối:
Sau khi Thị Nhi lấy Phạm Lang, một hôm có người hành khất vào ăn xin. Thị Nhi nhận ra chồng cũ của mình, động lòng thương nên đem tiền gạo ra cho. Bị Phạm Lang nghi ngờ, Thị Nhi lấy làm xấu hổ, đâm đầu vào đống lửa đốt mà tự tử.
Trọng Cao cảm ân nghĩa Thị Nhi, đâm đầu vào lửa chết theo. Phạm Lang thương vợ cũng nhảy vào đống lửa nốt. Thế là cả 3 người cùng chết cháy.
Ngọc Hoàng thấy 3 người có tình nghĩa mới phong cho làm Táo quân nhưng mỗi người giữ mỗi việc: Phạm Lang là Thổ Công trông nom việc trong bếp. Trọng Cao là Thổ Địa trông coi việc trong nhà. Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa.
Lễ cúng Thổ công quan trọng nhất trong năm là Tết ông Công vào ngày 23 tháng chạp âm lịch.
Theo tín ngưỡng cổ truyền, ngày Tết ông Công, Thổ Công lên chầu Ngọc Hoàng để báo cáo những việc tai nghe mắt thấy ở trần gian. Thổ Công có nhiệm vụ ghi chép tất cả việc tốt, việc xấu xảy ra trong gia đình một cách khách quan.
Ngày 23 tháng chạp, sau khi cúng ông Công, người ta hóa vàng, đồng thời thả cá chép (ngựa để ông Công cưỡi) được phóng sinh ra sông hay ao sau khi cúng lễ. Con cá sẽ hóa rồng đưa ông Công lên chầu trời.
Văn cúng ông Công ông Táo theo sách "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" của NXB Văn hóa Thông tin. Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. Tín chủ chúng con là... ngụ tại... Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật. Cúi xin tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong tôn thần phù hộ độ trì. Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! |
Xem thêm video:
Sự tích ông Công, ông Táo trong văn hóa người Việt và văn khấn cúng ông Táo