Nghịch gói hút ẩm trong túi bánh gạo, bé gái 3 tuổi đã bị bỏng sâu hết chiều dài giác mạc
Đó là bé Phạm Thị Hà Vi ở Kinh Môn, Hải Dương. Tai nạn không may xảy ra vào chiều tối ngày 19.1 vừa qua. Theo lời kể của anh Tuấn Anh, bố cháu Vi, hôm đó người thân đến thăm mẹ cháu mới sinh đứa thứ 2 có mang cho cháu một túi bánh gạo. Vợ chồng anh không đưa cho cháu từng chiếc bánh mà để Vi nghịch cả túi bánh to, trong đó có túi chống ẩm. Người lớn ngồi trò chuyện và không để ý đến việc Vi nghịch gói hút ẩm trong túi bánh. Chỉ đến khi bé khóc thét lên, vợ anh vội vàng chạy tới thì thấy bé đang nghịch dở túi chống ẩm, mắt trái có nhiều bột trắng trong túi chống ẩm.
Sau khi rửa mắt cho bé bằng nước lọc, gia đình vội đưa bé đi khám tại bệnh viện huyện. Tại đây, sau khi thăm khám và điều trị 2 ngày thấy tình trạng mắt của bé không khá hơn bệnh viện đã chuyển bé lên BV Mắt Trung ương trong tình trạng mắt trái không mở được, nhức và đau dữ dội.
Bác sĩ Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương cho biết, kết quả thăm khám cho thấy bé Vi bị bỏng giác mạc vì bột gói chống ẩm bay vào mắt. Bé bị bỏng độ 2-3, bỏng sâu hết chiều dày của giác mặt.
Bé Vi khá may mắn khi con ngươi trong mắt không bị bột chống ẩm bắn vào nên không bị tổn thương. Vì thế bé không phải mổ mà chỉ cần điều trị bằng thuốc, khả năng phục hồi thị lực cao.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, chất bột trong gói chống ẩm không nhiều, lượng bột bắn vào mắt ít nhưng đây lại là chất gây bỏng đậm đặc nên có thể gây bỏng xuyên sâu vào trong giác mạc. Các bác sĩ đã làm thử nghiệm chất bột trong gói chống ẩm trên giấy quỳ. Kết quả cho thấy độ PH của bột này là 12-14, có tính kiềm cao. “Bỏng do kiềm nguy hiểm hơn nhiều so với bỏng do axit. Bỏng do kiềm thường gây bỏng sâu, rộng và gây hoại tử tổ chức rất mạnh”, BS Cương cảnh báo.
Chất trong gói chống ẩm có độ PH rất cao, dễ gây bỏng sâu
Làm một thử nghiệm trên giấy quỳ, bác sĩ nhận thấy bột trong gói hút ẩm có độ Ph là 12-14, có tính kiềm. Bỏng do kiềm nguy hiểm hơn nhiều so với bỏng do axít, bỏng sâu, rộng, nguy cơ hoại tử tổ chức rất mạnh, bác sĩ Cương cho biết.
Bỏng mắt cũng được coi là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, tổn thương chủ yếu đến kết giác mạc, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Khả năng phục hồi thị lực của những bệnh nhân bỏng giác mạc phụ thuộc nhiều vào chất gây bỏng, số lượng chất gây bỏng và sơ cấp cứu ban đầu.
Do đó, để tránh tình trạng bệnh nhân bị bỏng nặng hơn, bệnh nặng hơn, bác sĩ khuyến cáo người thân cần rửa mắt sớm ngay sau khi phát hiện bị bỏng mắt bằng cách ngâm mắt vào nước sạch. Khi ngâm thì phải chớp mắt thật nhiều để nước lưu thông toàn bộ bề mặt mắt, làm dịu vết bỏng.
Trong trường hợp các bé không tự làm được, cha mẹ có thể giúp bằng cách, đặt bé nằm ngửa, có người banh vành mi mắt ra rồi dùng vòi nước, gáo, xô, chậu … để đổ nước nhẹ nhàng, liên tục vào trong mắt. Lượng nước rửa mắt ít nhất phải vài lít trong thời gian tối thiểu từ 10-15 phút. Sau khi đã sơ cứu ban đầu như trên thì chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc là mất thị lực.
Bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ tuyệt đối không được lấy khăn hoặc dùng tay phủi chất chống ẩm bắn vào trong mắt trẻ. Việc làm này có thể khiến giác mạc đang tổn thương bị trôi ra, bệnh tình của bé càng nặng thêm.
Bé Vi là trường hợp thứ 3 nhập viện tại BV Mắt Trung ương bị bỏng vì nghịch gói chống ẩm trong thời gian gần đây. Hai ca trước đó bị bỏng rất nặng, sâu, rộng, bỏng độ 4, thị lực bị ảnh hưởng, phải ghép màng ối để thúc đấy quả trình liền sẹo, đỡ hoại tổ chức bên trong mắt. Về sau này trẻ sẽ phẫu thuật ghép giác mạc tiếp. Đến hôm nay, bệnh của cháu Vi tiến triển tốt, bé đã có thể mở được mắt, không còn quấy khóc, đau đớn nhiều. Dự kiến trong vài ngày tới, bé có thể được xuất viện.